Bế tắc trong xử lý sai phạm dự án 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm?

An Chi - 09:21, 05/06/2019

TheLEADERDù đã tồn tại nhiều năm nay, song những sai phạm nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6, trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về tình trạng vi phạm xây dựng trong quản lý quy hoạch, trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc xử lý dứt điểm những sai phạm tại toà nhà 8 Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã khẳng định, hai vụ việc sai phạm này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội.

Theo ông Hà, Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ những phần xây dựng trái phép của dự án 8B Lê Trực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có vấn đề phát sinh là việc phá dỡ những phần công trình theo chiều dọc gây ảnh hưởng tới kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. 

Bế tắc trong xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội

Từ tháng 8/2017, bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định của bộ cùng với Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá kết cấu chịu lực.

"Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Bộ Xây dựng sẵn sàng sử dụng các cơ quan chuyên môn của mình để hỗ trợ Hà Nội nếu thành phố có yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý cho tốt hơn", ông Hà nói.

Được biết trước đó, theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể, từ tầng 8 phía đường Trần Phú kéo dài phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Chiều cao công trình đến đỉnh tum thang là 53m nếu làm đúng giấy phép. Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2 nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.

Với vi phạm tại dự án HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Hà khẳng định: "Đây là trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng".

Tại dự án chung cư HH Linh Đàm, theo quy hoạch chỉ được phép xây dựng 27 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) đã xây dựng tới 36 tầng với tòa HH4 và 41 tầng đối với các tòa HH1, HH2, HH3, vượt 14 tầng so với quy hoạch được phê duyệt khiến dư luận bức xúc.

Sai phạm về trật tự xây dựng của hai dự án này liên quan đến việc thay đổi quy hoạch, tự ý nâng chiều cao công trình đều đã tồn tại nhiều năm nay, song các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Trước đó, trả lời về những sai phạm liên quan đến dự án chung cư HH Linh Đàm tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2017, ông Hà đã khẳng định, doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Bộ Xây dựng đã có xử lý vi phạm, còn xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP. Hà Nội.

Còn về vấn đề khi nào chấm dứt tình trạng vi phạm quy hoạch, ông Hà cho rằng đây là vấn đề khó cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương. Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn. 

Cũng tại phiên chất vấn này, về trách nhiệm địa phương trong thực hiện quy hoạch đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận có tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hà Nội cho rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thanh tra kiểm tra, giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm. 

Song đến nay, dư luận vẫn chưa được biết những thông tin về việc xử lý công trình sai phạm này từ phía TP. Hà Nội.

Đối với dự án 8B Lê Trực, việc phá dỡ ở giai đoạn một (phá dỡ tầng 19 và tum thang) bắt đầu từ tháng 11/2015, sau gần ba năm đã đã kết thúc vào tháng 3/2018. Trong khi đó, việc phá dỡ giai đoạn hai, phá dỡ tầng 17 và 18, do tính chất phức tạp, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về phương án phá dỡ và đến nay vẫn chưa có động thái mới trong việc thực hiện.

Với thực trạng như hiện nay, việc xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm có lẽ sẽ mất một thời gian dài nữa mới có thể hoàn thành.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương chưa lúc nào “nóng” như thời gian qua. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập, chưa xử lý kiên quyết, triệt để, nhiều chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, hoặc tìm cách hợp thức hóa sai phạm. 

Mặt khác, sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở chưa tốt, chưa hiệu quả, vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến việc xử lý công trình vi phạm chậm, không dứt điểm, không công tâm, thiếu trách nhiệm. Thậm chí, việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra còn không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.