Bị đối thủ dồn ép, Ajinomoto đã chuyển mình trở thành công ty bán bột ngọt toàn cầu như thế nào?

Trần Anh - 11:52, 30/04/2018

TheLEADERTrước cảnh “tứ bề thọ địch”, ban lãnh đạo Ajinomoto đã đưa ra quyết định tái cơ cấu tập đoàn. Một chiến lược để công ty lấy lại vị thế và vươn lên thành doanh nghiệp thực phẩm “top 10” toàn cầu.

Bị đối thủ dồn ép, Ajinomoto đã chuyển mình trở thành công ty bán bột ngọt toàn cầu như thế nào?

Nổi tiếng tại Việt Nam với sản phẩm bột ngọt, hạt nêm, gia vị, Ajinomoto là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, hóa chất và dược phẩm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu những năm 2010, cùng với sự sa sút của nền kinh tế Nhật Bản, Ajinomoto cũng rơi vào thời kỳ khó khăn. Các sản phẩm quan trọng của hãng như mì chính, chất tạo ngọt bị đối thủ cạnh tranh gay gắt về giá bán. Những doanh nghiệp cạnh tranh tăng khối lượng, giảm giá thành và tung ra nhiều chiêu thức khác để lôi kéo khách hàng.

Đặc biệt là trong một số lĩnh vực như dược phẩm, nơi Ajinomoto chủ yếu bán buôn, hãng đã vấp phải rất nhiều thách thức. Chỉ trong vòng 4 năm, từ năm 2009 đến 2013, doanh thu của Ajinomoto trong mảng dược phẩm đã giảm tới 62%. Việc thiếu hụt sản phẩm mới, sự cạnh tranh từ phía đối thủ và áp lực từ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Chính phủ Nhật đã tác động rất tiêu cực tới kết quả kinh doanh của công ty.

Trước cảnh “tứ bề thọ địch”, ban lãnh đạo Ajinomoto đã đưa ra quyết định tái cơ cấu tập đoàn. Một chiến lược để công ty lấy lại vị thế và vươn lên thành doanh nghiệp thực phẩm “top 10” toàn cầu.

Bị

Năm 2014, Ajinomoto tuyên bố thay đổi cơ cấu kinh doanh của công ty, chuyển từ việc chuyên bán buôn sang một công ty thực phẩm, với các sản phẩm đặc biệt được tạo ra nhờ áp dụng công nghệ sinh học và hóa phẩm.

Bỏ qua mảng y tế, dược phẩm để tập trung vào mảng thực phẩm, Ajinomoto tận dụng công nghệ để tạo ra các nguyên liệu tốt hơn với giá thành rẻ hơn, từ đó duy trì được sức cạnh tranh về giá với các đối thủ khác. Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn tại các thị trường ngoài Nhật Bản là châu Á, châu Mỹ, châu Phi đồng thời đi vào các kênh phân phối mới như bán lẻ và nhà hàng.

Song song với việc nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm chất lượng, Ajinomoto hướng tới việc tạo ra những sản phẩm đúng với nhu cầu của khách hàng, thay vì chỉ tập trung bán sỉ để thúc đẩy doanh thu như trước. Nguồn lực được đổ mạnh cho nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Hướng đi của Ajinomoto, đó là tập trung vào mảng kinh doanh nguyên liệu với các doanh nghiệp thực phẩm khác (B2B).

Lựa chọn của Ajinomoto tỏ ra phù hợp trong bối cảnh hiện tại, các công ty thực phẩm yêu cầu nhiều loại nguyên liệu tích hợp hơn là các nguyên liệu cơ bản. Dần dần, việc phát triển nhóm nguyên liệu mới còn mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Nhật những cơ hội mở rộng trong mảng kinh doanh dinh dưỡng, và tiếp tục mở rộng ra ngoài ngành công nghiệp thực phẩm với dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc tái tạo.

Bị 1

Để có tiền đầu tư theo chiến lược mới, Ajinomoto cũng quyết định bán một số mảng kinh doanh lớn của mình và tập trung vào những thị trường được công ty đánh giá “5 sao”. Đó là Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia, và Braxin. Ajinomoto cũng đầu tư vào các công ty thực phẩm chế biến tại Mỹ và chaua Phi để tạo cơ sở cho việc phát triển mở rộng. Các thương vụ thâu tóm sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

“Trong vòng 3 năm tới, chúng tôi sẽ chi khoảng 150 tỷ yên (tương đương gần 1,4 tỷ USD) cho các hoạt động M&A”, chủ tịch kiêm CEO của Ajinomoto, ông Takaaki Nishii phát biểu hồi đầu năm 2017.

Kể từ năm 2011, doanh số mảng thực phẩm trên thị trường toàn cầu của Ajinomoto đã tăng mạnh. Công ty đang trên con đường trở lại quy mô doanh thu như cũ vào năm 2020. Với các sản phẩm bán sỉ còn lại, Ajinomoto đang áp dụng công nghệ để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá nguyên liệu đầu vào và điện năng tiêu thụ trong quá trình tạo ra sản phẩm.

Để tổ chức hoạt động hiệu quả, Ajinomoto đã ủy quyền các cơ sở ở từng quốc gia cho những nhóm quản lý địa phương. Nhờ đó, đội ngũ này được giải phóng để có thể ra quyết định nhanh hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh của thị trường. Hiện tại, gần một nửa các cơ sở quốc tế được vận hành bởi các giám đốc điều hành địa phương.

Bước ngoặt kinh doanh cũng mang lại những biến đổi lớn về mặt tài chính của công ty. Ban lãnh đạo đã đặt ra mục tiêu lợi nhuận của công ty tăng từ 550 triệu USD vào năm 2013 lên 810 triệu USD vòa năm 2016. Con số thực đạt được là 760 triệu USD, rất gần với kế hoạch đề ra trước đó 3 năm. Đổi lại, Ajinomoto vượt kế hoạch rất nhiều mục tiêu khác: tỷ suất lợi nhuận đạt 8%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 9% và giá trị vốn hóa đạt 8,9 tỷ USD (Con số thực tế vào thời điểm cuối năm 2016 là 12,2 tỷ USD).

Bị 2

Ajinomoto đã chuyển mình thành một công ty lãi nhiều và giá trị cao hơn

Lựa chọn hướng đi đúng đắn, liên tục đổi mới, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, mở rộng mảng kinh doanh và kênh phân phối, Ajinomoto đã chuyển mình rất nhanh chỉ sau chưa đầy 10 năm. Các sản phẩm chính của Ajinomoto hiện tại bao gồm bột ngọt, hạt nêm, nước tương, bột chiên hay thậm chí cả cà phê.

Công ty đang đặt mục tiêu trở thành top 10 công ty thực phẩm lớn nhất thế giới vào năm 2020, với lợi nhuận khoảng 1,3 tỷ USD. 

Hành trình trước mắt sẽ không đơn giản, đặc biệt là khi kế hoạch này sẽ phải tính toán sự biến động thực phẩm trên nhiều thị trường cùng lúc. Song, với những gì đã làm được, Ajinomoto vẫn là một “case-study” điển hình của việc một công ty lớn đã chuyển mình thành công như thế nào.