Bí thư TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân: 'Mỗi người dân là một cảm biến trong xã hội'

Phương Anh - 15:10, 13/09/2018

TheLEADERTrong bối cảnh ngày càng có nhiều người, nhiều phương tiện đổ về đô thị gây gia tăng áp lực, nhu cầu xây dựng và thiết kế đô thị thông minh được đẩy cao hơn bao giờ hết và tại đó, con người cần được đặt vào vị trí trung tâm.

Giữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không ít quốc gia đang hướng tới thiết lập đô thị thông minh để quản lý kinh tế hiệu quả cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, “Làm như thế nào” vẫn là bài toán hóc búa với nhiều quốc gia.

Tại phiên thảo luận “Thiết kế đô thị 4.0” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) mới đây, bà Maria Rebecca, Chủ tịch của tập đoàn Plaza + Partners cho rằng hạ tầng là yếu quan trọng nhất đối với phát triển đô thị thông minh bền vững.

“Chúng ta đã thiết kế cơ sở hạ tầng từ thế kỷ XX, nhưng đang sống trong thế kỷ XXI và đây là một khó khăn rất lớn. Mọi thứ đang trở nên quá cũ và một số nơi thậm chí còn được xây dựng từ lâu đời hơn".

Nữ chủ tịch của doanh nghiệp đến từ Phillippines đưa Hà Nội làm ví dụ, cho rằng các khu phố cổ tại đây có thiết kế cơ sở hạ tầng từ rất nhiều năm trước. “Tuy vậy, phố cổ Hà Nội vẫn tạo ra sự đan xen tốt, và đóng vai trò là trung tâm của thủ đô. Hà Nội cũng đang tiếp tục được mở rộng trong một vài năm trở lại đây".

Bà Maria Rebecca nhấn mạnh các quốc gia ASEAN cần “đặt con người vào trung tâm đô thị, đóng vai trò huyết mạch của đô thị và phải đặt mối quan hệ giữa con người lên trên hết trong thiết kế đô thị."

Điều cần lưu tâm trong quá trình thiết kế đô thị chính là sự tham gia của tất cả các bên, hợp tác và hòa nhập để tạo ra cái nhìn tổng quan cho đô thị, tạo ra những dịch vụ gắn liền với đô thị đó.

“Các đô thị phải đặt con người vào vị trí trung tâm, có khả năng đáp ứng và thích ứng tốt với sự thay đổi; hướng đến những công trình không khiến chúng ta khiên cưỡng mà có khả năng thích ứng với sự thay đổi của con người, của xã hội”, bà Maria Rebecca khẳng định.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng “mỗi người dân là một cảm biến trong xã hội. Họ là người chứng kiến những gì xảy ra trong xã hội, đưa ra gợi ý và từ đó tập hợp lại để giải quyết những vấn đề xã hội nhìn từ góc nhìn công dân”.

Con người phải làm trung tâm của đô thị thông minh
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Việc tiếp cận quy hoạch tốt hơn trong đô thị thông minh xuất phát từ chính những vấn đề con người và xã hội đang phải đối mặt.

Chia sẻ về TP.HCM, vị Bí thư Thành ủy cho biết thành phố này đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ gia tăng dân số và dòng người di chuyển về thành thị. “Người dân từ nông thôn đổ ra thành thị và cứ 5 năm thì có thêm khoảng 1 triệu người”.

Chưa hết, số phương tiện gia tăng trong khi không thể cơi nới và mở rộng giao thông cũng tạo ra vấn nạn. “Cách đây khoảng 20 năm, cứ 100 người thì chỉ có 25 người sở hữu xe máy trong khi 100 người hiện nay có khoảng 100 xe máy thậm chí cả ô tô”, ông Nhân cho biết.

Trước thực trạng đó, điều quan trọng là nâng cao vai trò của người dân, tăng cường trí tuệ tập thể để có thể thiết kế đô thị thông minh gắn với thiết kế thông minh và quản lý thông minh. Thành công trong thiết kế một hệ thống thông suốt từ cơ sở hạ tầng, giao thông kết hợp công nghệ, chính sách sẽ là con đường dài hơi đối với nhiều quốc gia và cả Việt Nam.