BIDV mạnh tay xóa nợ xấu trước khi bán cổ phần cho ngân hàng Hàn Quốc

Trần Anh - 16:40, 05/12/2018

TheLEADERSố liệu tài chính cho thấy BIDV đã xóa khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm nay, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm các NHTM cổ phần Nhà nước, BIDV chịu áp lực lớn trong việc phải tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. Áp lực này phần nào được giải tỏa khi cuối tháng 10 vừa qua, BIDV công bố kế hoạch đàm phán phát hành riêng lẻ tỷ lệ 15% cho nhà đầu tư chiến lược là KEB Hana Bank.

Cụ thể, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu mới cho KEB Hana Bank để nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng. Sau khi phát hành, tỷ lệ sở hữu của NHNN tại BID sẽ giảm xuống còn từ 95,2% xuống còn 81%. 

Giá trị thương vụ ước tính sẽ rơi vào khoảng 800 triệu USD và nhiều khả năng sẽ được gấp rút hoàn tất trong những ngày cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ , BIDV chịu áp lực huy động vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%/năm trong năm nay sau khi chỉ tăng trưởng 11,75% từ đầu năm.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của BIDV cho thấy, chỉ số cho vay trên huy động thuần (LDR) của ngân hàng đang ở mức rất cao là 101,6%, tăng mạnh so mức 96,3% thời điểm tháng 6/2018. 

Đầu tháng trước, BIDV đã thực hiện chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cho vay trong năm 2018 đối với các dự án trung và dài hạn. Sau khi hoàn tất thương vụ 800 triệu USD, áp lực huy động vốn của ngân hàng sẽ giảm xuống.

Điều này sẽ có ý nghĩa lớn trong điều kiện mặt bằng lãi suất huy động đang tăng lên, kéo theo tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng suy giảm.  

Gần đây nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tư 0,2% đến 0,5% đặc biệt ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Trong khi đó, các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay để bù đắp hoàn toàn sự gia tăng của lãi suất huy động. Đặc biệt là với những ngân hàng phải hạn chế cho vay tiêu dùng, bất động sản và cho vay ký quỹ chứng khoán. 

Bên cạnh vấn đề liên quan tới nguồn vốn, tình hình xử lý nợ xấu của BIDV cũng diễn biến bất lợi. Tỷ lệ nợ xấu công bố cũng như lãi và phải thu lũy kế tăng đáng kể 9 tháng đầu năm cho thấy chất lượng tài sản có thể đang đi xuống.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý 3 là 1,76%, tăng so với mức 1,61% cuối năm 2017, tương đương nợ xấu tuyệt đối của BIDV đã tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tổng giá trị các khoản lãi và phí phải thu tăng 25% trong 9 tháng qua lên mức 11.889 tỷ đồng.

Ngân hàng hiện trích lập 13.484 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hợp nhất, tăng gần gấp 3 lần so với 9 tháng đầu năm ngoái. Ngân hàng cũng đã xóa nợ khoảng 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Đối với trái phiếu đặc việt do VAMC phát hành, BIDV đang nắm giữ gần 18.000 tỷ đồng trái phiếu này, với chi phí dự phòng lũy kế ước tính là 10.500 tỷ đồng.