Biểu tình tại Iran tác động thế nào đến giá dầu?

Đức Anh - 13:40, 04/01/2018

TheLEADERCác nhà phân tích cho rằng cuộc biểu tình đang lan rộng tại Iran không gây ra mối đe dọa trực tiếp đến việc xuất khẩu dầu của quốc gia này. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn có thể khiến chính quyền của ông Trump đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với Iran và điều này sẽ làm tăng khả năng gián đoạn việc cung dầu.

Biểu tình tại Iran tác động thế nào đến giá dầu?
Biểu tình tại thành phố lớn thứ hai của Iran. Ảnh: Businessinsider

Kể từ thỏa thuận lịch sử năm 2015 khi sáu cường quốc trên thế giới đồng ý bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, quốc gia này đã khôi phục sản lượng dầu lên gần 4 triệu thùng mỗi ngày.

Theo các nhà dự báo, sự gián đoạn lớn tại Iran có thể khiến giá dầu thô tăng cao ngay cả trong bối cảnh dư cung kéo dài.

Vào tuần trước, các cuộc biểu tình bắt đầu tại Mashhad - thành phố lớn thứ hai của Iran và sau đó lan rộng sang một số khu vực đô thị và tỉnh xung quanh.

Những người biểu tình đã lên tiếng chống lại giới lãnh đạo của Iran, sự hỗ trợ tài chính của quốc gia này cho các nhóm nước ngoài và thể hiện sự không hài lòng với nền kinh tế chậm chạp đang diễn ra.

Ông Cliff Kupchan - Chủ tịch  công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group đánh giá rằng, các cuộc biểu tình nổ ra thiếu vắng một người dẫn dắt với mục tiêu chưa rõ ràng và quy mô nhỏ so với các cuộc nổi loạn sau bầu cử năm 2009.

Nguy cơ từ những cuộc biểu tình trên rất nhỏ và nó thậm chí còn không phải là một mối đe dọa từ xa đối với việc sản xuất dầu tại Iran tại thời điểm hiện tại. "Với lượng xuất khẩu khoảng 2,3 triệu thùng mỗi ngày, mọi thứ đang khá an toàn hiện nay", ông Kupchan cho biết thêm.

Để phá vỡ được nguồn cung, những người tham gia sẽ phải lan rộng các cuộc biểu tình và đình công tại những mỏ dầu quan trọng tại Iran nhưng cho đến nay, không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy viễn cảnh này sẽ xảy ra.

Theo bà Vandana Hari - người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty phân tích thị trường năng lượng châu Á Vandana Insights, những cuộc biểu tình tại Iran vừa qua không giống với sự bất ổn làm suy kiệt các nhà cung dầu khác như Nigeria và Libya khi các cơ sở sản xuất dầu là mục tiêu chính trong quá trình đạt được mục đích chính trị.

Bà Hari dự báo rằng ngay cả khi các cuộc biểu tình tại Iran tiếp tục với chiều hướng ngày càng mạnh lên thì cũng không có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp dầu của quốc gia này.

Mặc dù vậy, một mối đe dọa khác đối với nguồn cung của Iran trong thời gian tới đang dần xuất hiện.

Các cuộc biểu tình có thể khiến Tổng thống Donald Trump từ chối việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế và công nghiệp năng lượng của Iran. Đây là động thái mà ông Trump đã thực hiện trước đó nhằm buộc Iran phải đồng ý với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong vài tuần tới, ông Trump sẽ phải hoàn thành nhiều vấn đề để có thể tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran cũng như chứng minh Iran đang đi theo thỏa thuận này.

Tùy thuộc vào phản ứng của Iran đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra, Trump có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran và dừng các khoản đầu tư dự kiến vào sự phát triển của dầu và gas tại quốc gia này. 

Thỏa thuận hạt nhân Iran hay Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran năm 2015 là thỏa thuận giữa Iran với nhóm 6 cường quốc trên thế giới.

Theo đó, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ nhưng trong điều kiện Iran thực hiện hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân bị phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân.

Iran đồng ý chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình trong ít nhất một thập niên và một số chương trình sẽ còn bị hạn chế lâu hơn cũng như đồng ý tăng thêm đáng kể sự giám sát của cộng đồng quốc tế.