Bỏ 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sỹ: Chất lượng không đảm bảo sẽ là vô ích!

An Chi - 06:23, 11/11/2017

TheLEADERTheo TS. Lê Đăng Doanh, việc xin ý kiến đào tạo 9.000 tiến sỹ của Bộ Giáo dục phải gắn với chất lượng thật. Số lượng tiến sỹ nhiều mà chất lượng không đảm bảo thì cũng chỉ là vô ích.

Bỏ 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sỹ: Chất lượng không đảm bảo sẽ là vô ích!
Câu chuyện đào tạo tiến sỹ đã từng gây bão truyền thông. Nguồn: VOV

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa gửi tới các bộ, ngành, các trường để xin ý kiến về dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030”.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Đề án sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) trên tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài, khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam.

Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, hiện tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, năm học 2016 - 2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người (công lập: 57.634 người; ngoài công lập: 15.158 người), tăng 3.201 người so với năm học 2015 - 2016.

Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%); trình độ đại học và cao đẳng là 12.519 người (chiếm 17,2%); chuyên khoa I, II là 523 người; trình độ khác là 109 người.

Tổng số trường cao đẳng sư phạm là 33, số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng là 3.493 người. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 120 người (chiếm 3,4%); trình độ thạc sĩ là 2.187 người (chiếm 64,5%); trình độ đại học và cao đẳng là 1.049 người (chiếm 30.9%); trình độ khác là 5 người.

Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), Trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và đào tạo lấy dẫn chứng theo số liệu của Bộ Giáo dục Sri Lanka, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên của các trường đại học năm 2015 là hơn 55%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Thái Lan năm 2005 là hơn 24%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các trường đại học nghiên cứu của Malaysia năm 2010 là 73%. 

Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và đào tạo nhận định, Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Xét trên nhiều khía cạnh, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và công bố khoa học của các cơ sở giáo dục đại học.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo đã xây dựng Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025.

TS. Lê Đăng Doanh

Trao đổi với TheLEADER, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mỗi quốc gia là điều rất cần thiết. Nhất là trong thời đại 4.0 như hiện nay, Việt Nam đang rất thiếu các nguồn nhân lực có chất lượng.

Vấn đề ở đây là việc chúng ta đào tạo như thế nào, có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không. Bởi một thực tế hiện nay là Việt Nam đang có một đội ngũ đông đảo lên tới hàng chục nghìn lao động trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp. Như vậy, chứng tỏ việc đào tạo nhận lực chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Đề xuất đào tạo 9 nghìn tiến sỹ của Bộ Giáo dục và đào tạo nhằm hướng đến mục tiêu cải cách giáo dục cũng vậy. Từ trước đến nay, chúng ta đã hô hào cải cách giáo dục rất nhiều nhưng chất lượng vẫn không cải thiện được, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 

"Vậy câu hỏi đặt ra là lần này, liệu Bộ Giáo dục có thành công trong việc đào tạo tiến sỹ để cải cách giáo dục?! Trong khi đó, Nhà nước sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn. Bản thân tôi rất ủng hộ việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đó phải là chất lương thật, chứ không phải là số lượng, không nên câu nệ bằng cấp", ông Doanh nói.

TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, nếu Bộ Giáo dục và đào tạo làm được điều đó thì rất đáng hoan nghênh. Song, nếu làm không tốt để dẫn đến việc dùng tiền mua bằng thì sẽ rất tai hại. Bên cạnh đó, số lượng đào tạo nhiều mà chất lượng không đảm bảo thì cũng chỉ là vô ích.