Bộ Công thương nói gì về loạt siêu dự án gặp khó khăn của PVN?

Tiêu Phong - 22:54, 22/09/2017

TheLEADERBộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo quyết liệt về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương diễn ra chiều 22/9.

Cổng thông tin Bộ Công thương cho biết, tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng trình bày ngắn gọn tình hình của 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương được nhắc nhiều trong thời gian qua.  

Trong đó, có các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi:

Theo báo cáo của PVN, BSR, BSR-BF và PVOil, Nhà máy vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do: Khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế nên nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế; giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Ngày 29/6 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 1/1/2018.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng. Ảnh moit.gov.vn

Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp Hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Theo kế hoạch, thời hạn các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất là đến 02 tháng 10 năm 2017, sau đó BSR-BF sẽ tổ chức đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ

Tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.

Theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên của PVN (PVFCCo, PVCFC, BSR) đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTEX rà soát đánh giá thực trạng nhà máy thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng nhà máy. Mặt khác, PVN đã thành lập Tổ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại nhà máy.

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, ngoài việc tiếp tục thi công đóng mới 2 tàu dịch vụ (chủ tàu Vietsovpetro), tàu Gas 1.200 m3 (chủ tàu Việt Xuân Mới), hoàn thiện sửa chữa tàu Côn Sơn, Chí Linh (phần thi công súc rửa tại Vũng Tàu), DQS đã nỗ lực tìm kiếm và bổ sung các đơn hàng từ các đơn vị trong và ngoài ngành như tàu Epic 8, Epic 9, Petrolimex 18, Petrolimex 14... tuy nhiên giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng chỉ đạt khoản 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt.

8 tháng đầu năm mặc dù DQS hạch toán hoàn nhập 45,89 tỷ đồng khoản tiền dự phòng của EIC mà DQS đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở những năm trước tuy vậy khi chưa tính khoản lãi phạt của YMC, VFC thì số lãi của DQS cũng chỉ đạt 19,63tỷ đồng, do đó nếu không có khoản hoàn nhập này thì tiếp tục lỗ 26,26 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản lãi phạt của YMC, VFC). Bên cạnh đó, DQS cũng đã nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) 12,47 tỷ đồng.