Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Mỹ loại Việt Nam khỏi danh sách 'quốc gia đang phát triển'

Nhật Hạ - 11:01, 21/02/2020

TheLEADERCác quốc gia ở ngoài danh sách 'đang phát triển' và 'kém phát triển' sẽ dễ lọt vào tầm ngắm bị Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 20/2, trao đổi về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển - được hưởng ưu đãi biên độ phá giá không đáng kể của Mỹ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Khắc Việt khẳng định, “Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Mỹ thời gian qua tiếp tục phát triển rất tốt đẹp”.

Kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 76 tỉ USD trong năm 2019, tăng 25% so với năm 2018. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cũng theo ông Đoàn Khắc Việt, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Hiện Việt Nam vẫn đang hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

“Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong Luật Chống trợ cấp của Mỹ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với phía Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai nước”.

Trước đó, ngày 10/2, đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã phát đi thông báo cho biết chính phủ nước này đã thu hẹp danh sách riêng các quốc gia đang phát triển và kém phát triển để giảm ngưỡng kích hoạt một cuộc điều tra của Hoa Kỳ xem liệu các quốc gia có đang gây tổn hại cho nền công nghiệp Mỹ bằng xuất khẩu được trợ cấp không công bằng hay không.

Theo đó đã xóa bỏ các ưu đãi dành cho nước đang phát triển đối với loạt các quốc gia, lãnh thổ như Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.

Các quốc gia ở ngoài danh sách 'đang phát triển' và 'kém phát triển' sẽ dễ lọt vào tầm ngắm bị Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa. 

USTR cho biết việc họ quyết định điều chỉnh phương thức phân loại các nước đang phát triển là cần thiết vì hướng dẫn trước đây của Hoa Kỳ (ban hành từ năm 1998) hiện đã lỗi thời.

Để cập nhật danh sách nội bộ mới, USTR cho biết họ đã đưa vào xem xét một số yếu tố kinh tế và thương mại, chẳng hạn như mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia và phần lợi ích mà một quốc gia được hưởng trong thương mại toàn cầu.

Chẳng hạn, USTR đánh giá các nước chiếm 0,5% thị phần thương mại thế giới là các nước “đã phát triển”. Trong khi đó, theo quy định năm 1998, ngưỡng này là 2% trở lên.

Đồng thời, USTR cũng không còn coi các chỉ số phát triển xã hội như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, tỷ lệ người lớn mù chữ và tuổi thọ trung bình làm căn cứ cho việc thay đổi định về xếp loại quốc gia phát triển hay đang phát triển.