Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Nếu có lợi ích nhóm bé, nhóm nhỏ thì người dân phải được biết'

An Chi - 10:45, 05/06/2018

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, thời gian tới bộ sẽ sửa luật để hạn chế thất thoát ngân sách Nhà nước trong quản lý đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Nếu có lợi ích nhóm bé, nhóm nhỏ thì người dân phải được biết'
Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 4, sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến việc quản lý đất đai tại các thành phố lớn. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn bộ trưởng về việc giao đất, đấu thầu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đúng giá thị trường, gây thất thoát ngân sách nhà nước. 

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh: "Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, biến đất công thành đất tư, các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần để xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Bộ Tài nguyên và môi trường có giải pháp gì để ngăn chặn thực trạng này và thu hồi lại diện tích đất bị thất thoát".

Đặc biệt, trong việc phát triển các dự án BT, việc quản ý đất tại các dự án còn bị buông lỏng. Giá đất sau khi dự án đường giao thông đầu tư theo hình thức BT tăng cao nhiều lần, khiến doanh nghiệp được lợi, trong khi đó người dân nhận mức bồi thường thấp, nhà nước thất thu ngân sách.

Trước đó, Báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 ngày 21/5 vừa qua cũng cho biết, việc triển khai các dự án theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) đang xảy ra hàng loạt những sai sót thiếu chặt chẽ, minh bạch, tạo lỗ hổng gây thất thoát ngân sách và tài sản công.

Theo báo cáo này, hầu hết các dự án BT đều áp dụng hình thức chỉ định thầu tràn lan và thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không đấu giá dẫn đến định giá thấp hơn giá thị trường.

Tại nhiều dự án, Nhà nước phải mua công trình với giá cao hơn và trả phần đất đối ứng nhiều hơn. Trong khi đó, chủ đầu tư vừa được tính giá trị công trình cao hơn và đổi lấy diện tích đất với giá rẻ gấp nhiều lần so với mặt bằng chung. Mặt khác, khi dự án BT được hoàn thành, giá đất tại đó sẽ tăng lên khiến nhà nước một lần nữa trơi vào tình cảnh "thiệt đơn, thiệt kép".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Luật Đất đai hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trên thế giới không cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, nhưng Việt Nam vẫn cho phép việc này khiến nảy sinh nhiều hệ luỵ.

Trong thời gian tới, bộ sẽ sửa luật, điểu chỉnh chính sách đất đai để làm rõ cơ chế giao đất cho nhà đầu tư. Theo đó, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ có giải pháp để tính giá đất sát giá thị trường để đảm bảo tránh thất thoát ngân sách. Hiện nay, đấu giá đất đai chưa được xác định theo giá thị trường.

Đối với những những bất cập trong chính sách quản lý đất đai trong và sau cổ phần hoá, ông Hà thừa nhận có sự quản lý không chặt chẽ. Trong cổ phần hoá chưa rà soát lại để xác định với quy mô như vậy thì doanh nghiệp cần quỹ đất bao nhiêu là đủ. Trước đó doanh nghiệp được giao đất không thu tiền nhưng sau cổ phần phải thu tiền, từ đó xác định cơ chế để nhà nước lấy lại đất để sử dụng vào mục đích khác.

Ông Hà Khẳng định, việc để thất thoát nguồn lực sau cổ phần hoá chính là do khâu quản lý đất. Sau khi cổ phần thì các doanh nghiệp ngay lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này là hoàn toàn sai luật. Mặt khác, lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, khiến giá đất thấp hơn nhiều giá thị trường gây thất thoát rất lớn.

"Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý phải làm tốt khâu đấu giá, công khai với nhân dân để nếu có lợi ích nhóm bé, nhóm nhỏ thì người dân phải được biết", ông Hà nói.

Còn đối với việc thất thoát đất đai trong đầu tư các dự án BT, giá đất sau khi dự án đường giao thông được xây dựng tăng gấp nhiều lần giá ban đầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, cần xác định giá đất gia tăng từ đầu tư, quy hoạch ngay từ đầu. Từ đó, xác định giá đất tăng thêm và phân bổ phần giá trị gia tăng ấy cho người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên. 

Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp thu hồi đất của người dân với giá thấp, sau đó bán với giá cao, cần làm gì để hạn chế, ông Hà cho rằng, Nhà nước cần xem lại phương pháp đánh giá đất đai theo giá thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự trao đổi, thoả thuận với người dân để đạt được sự đồng thuận cao trong đền bù giải phóng mặt bằng. 

"Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ sửa Luật Đất đai để hạn chế những bất cập trong quản lý đất, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước như trong thời gian vừa qua", ông Hà khẳng định.