Bốn trụ cột để vực dậy từ "nỗi đau" Covid của ông Trần Trọng Kiên

Quỳnh Chi - 16:18, 30/10/2021

TheLEADERMột nền du lịch bền vững với những đối tượng du lịch mới như cách mà Singapore đã làm có thể là một lựa chọn tối ưu trong bức tranh tương lai xa hơn của ngành du lịch Việt.

Bốn trụ cột để vực dậy từ "nỗi đau" Covid của ông Trần Trọng Kiên
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group

Là một người có kinh nghiệm lãnh đạo và làm việc hơn 20 năm trong ngành du lịch, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group nhận định, cơn “đại hồng thủy” Covid-19 càn quét trong 2 năm vừa qua đã để lại cảnh “hoang tàn” chưa từng có trong vòng 50 năm phát triển của ngành du lịch và Thiên Minh cũng không là ngoại lệ.

Tập đoàn Thiên Minh từng dự kiến doanh thu năm 2020 là 3.000 tỷ, trong đó lợi nhuận khoảng 300 tỷ, nhưng do ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch, doanh thu thực tế sụt giảm còn có 656 tỷ và lỗ gần 350 tỷ. Số lượng nhân viên cũng giảm từ 2.000 người xuống còn 1.300 người ở thời điểm hiện tại.

Đây là lần đầu tiên ông chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu và số người lao động trong suốt gần 27 năm phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khó khăn lớn nhất lịch sử, ông Trần Trọng Kiên không hề từ bỏ hy vọng. Ông cho biết Tập đoàn Thiên Minh đã sớm chuẩn bị bốn trụ cột để đối phó với khủng hoảng khi đại dịch vừa mới tràn vào Việt Nam.

Một là đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Hai là giảm chi phí bằng cách lược bỏ các kế hoạch không khả thi trong giai đoạn 24 tháng tới. Ba là quản lý dòng tiền, đảm bảo dòng tiền lâu dài để trả lương. Bốn là tìm nguồn doanh thu còn lại bằng cách chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa.

Ngoài ra, để phục hồi sau khủng hoảng, ông và ban lãnh đạo Tập đoàn Thiên Minh cũng chuẩn bị bốn trụ cột để đầu tư cho tương lai.

Một là đầu tư vào đào tạo thông qua việc xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến về kỹ năng cho tập đoàn. Hai là chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cho mảng du lịch, khách sạn, trực tuyến, kết nối hệ thống. Ba là mua bán, sáp nhập, tái cấu trúc các tài sản của Thiên Minh. Bốn là mở rộng thị trường thông qua việc đầu tư vào các thị trường có dấu hiệu hồi phục sớm.

Ông Kiên nhận định, nếu lấy được đà phục hồi hậu Covid-19, một nền du lịch bền vững với những đối tượng du lịch mới như cách mà Singapore đã làm có thể là một lựa chọn tối ưu trong bức tranh tương lai xa hơn của ngành du lịch Việt.

Một là nhóm du khách trẻ đam mê xê dịch, yêu thích công nghệ mới và luôn sẵn sàng khám phá những trải nghiệm du lịch độc đáo. Hai là nhóm du khách bền vững - yêu thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời, có xu hướng đưa ra những lựa chọn mang tính bền vững, hướng đến kết nối với thiên nhiên và người dân bản địa. Ba là những du khách “Sống chậm” - chú trọng hoạt động du lịch nghỉ dưỡng giúp thư giãn, chữa lành những mệt mỏi và áp lực cuộc sống.

Ông Kiên nhận định, Việt Nam luôn là một điểm nhấn hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trong giai đoạn phát triển sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam cần định vị phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong tất cả các chiến lược phát triển du lịch. 

Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo chiến lược mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký tháng 1/2020, phát triển bền vững là tiền đề cực kì quan trọng cho phát triển tương lai. 

Tuy nhiên, ông Kiên lưu ý, tùy theo từng giai đoạn phát triển, có những sản phẩm của Việt Nam chưa đủ bền vững, chưa tuân thủ các quy định về 4 trụ cột về môi trường, bảo tồn, người dân địa phương và biến đổi khí hậu - trái đất. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích hoặc những điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động du lịch bền vững.

Ông Kiên khẳng định, với những kế hoạch chiến lược phù hợp và sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên, Thiên Minh Group luôn có thể chinh phục mọi khó khăn để trở thành một doanh nghiệp bền vững.

Cơ hội mở cửa sớm với kịch bản mới cho du lịch Việt Nam

Để có thể sớm đưa ngành du lịch Việt Nam trở lại đường đua, Chủ tịch Thiên Minh cho rằng, Chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang sẵn sàng để có thể mở cửa được trong thời gian tới.

Hiện tại, Việt Nam có điều kiện tương đối cao về mặt vận hành nhưng vẫn chưa sẵn sàng về chính sách cũng như truyền thông. Ông Kiên hy vọng Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ sẽ mang “niềm vui Giáng sinh” đến sớm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên ông cho rằng, nếu các thông tin về việc mở cửa trở lại được công bố sớm thì doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn là quyết định “mì ăn liền” nay thông báo, mai mở cửa.

Bên cạnh các tiềm năng nội tại, Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các khuyến cáo của các tổ chức và quốc gia trên thế giới như Liên Hiệp Quốc, các nước châu Âu, Mỹ, Singapore và Thái Lan trong việc mở cửa. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò chủ trì của Chính phủ với một tổ tư vấn, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trên 70% dân số, nâng cao năng lực xử lý sự cố về y tế và cả ban hành các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bốn trụ cột để vực dậy từ "nỗi đau" Covid của ông Trần Trọng Kiên 1
Học hỏi từ các bài học quốc tế là điều quan trọng

Song song với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật thông tin sớm, đầy đủ, chính xác và giao tiếp thường xuyên với các thị trường đối tác.

Ông Kiên lấy ví dụ, hàng tuần, các doanh nghiệp Singapore vẫn gửi thông tin cho tất cả các đối tác còn hoạt động để cập nhật tình hình về chính sách cũng như các thay đổi.

“Đó là việc rất quan trọng để có thể có được sự tin tưởng từ thị trường. Vừa rồi tôi có nói chuyện với các đối tác ở châu Âu, họ cũng không được nghe nhiều về Việt Nam, vì thế chúng ta mất đi cơ hội khi những kế hoạch chuẩn bị cần phải có thời gian”, ông Kiên nói tại Talk show Nguy Cơ phối hợp thực hiện bởi VnExpress và S-World.

Chủ tịch Thiên Minh cũng tự tin nhận định, Việt Nam, Nhật Bản và Singapore là ba nước sẽ có sự phục hồi tốt nhất trong năm 2022. Để có được cơ hội này, Việt Nam cần đầu tư vào hai việc: chính sách của Chính phủ và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam.

Ông hy vọng năm 2022 sẽ là cột mốc đánh dấu sự “trở lại và lợi hại hơn xưa” của ngành du lịch Việt Nam với kỳ vọng sẽ lọt vào nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh lớn nhất thế giới.