Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nhìn từ Vietcombank

Trần Anh - 10:40, 25/01/2021

TheLEADERBáo cáo tài chính của Vietcombank thực tế hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2020 trong đó lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động đã giúp ngân hàng có biên lợi nhuận ròng (NIM) tốt hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch.

Báo cáo tài chính năm 2020 của Vietcombank cho thấy, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, trong quý 4 ngân hàng đạt 10.390 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2019. 

Kết quả này đến từ việc chi phí lãi (chủ yếu là lãi trả người gửi tiền) giảm mạnh do xu hướng giảm lãi suất tiền gửi trong khi thu nhập lãi (chủ yếu là lãi từ hoạt động tín dụng) chỉ giảm nhẹ.

Lũy kế cả năm 2020, thu nhập lãi của ngân hàng đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, chi phí lãi vay lại chỉ ở mức gần 33.000 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2019. 

Quy mô cho vay khác hàng của Vietcombank năm ngoái tăng trưởng 14% lên gần 840.000 tỷ đồng, góp phần làm tăng thu nhập lãi của ngân hàng. Ngược lại quy mô huy động cũng tăng hơn 11% lên trên 1 triệu tỷ đồng nhưng tổng lãi tiền gửi ngân hàng phải trả cho người gửi tiền suy giảm.

Kết quả là Vietcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 36.225 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2019. Cùng với lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 53%, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước dự phòng tăng khoảng 10% lên 32.961 tỷ đồng. 

Dù vậy Vietcombank đã mạnh tay dự phòng rủi ro tín dụng với mục đích phòng ngừa chu kỳ nợ xấu mới do tác động của dịch Covid-19, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dừng lại ở 23.044 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2019. Con số này vẫn là mức lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng và bỏ xa các ngân hàng còn lại trong hệ thống.

Kết quả kinh doanh của Vietcombank phản ánh thực tế hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động lõi của ngân hàng là cho vay vẫn tăng trưởng trong khi chi phí huy động được hưởng ngay lập tức nhờ xu hướng giảm lãi suất.

Sau 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đã tăng trưởng trở lại và đặc biệt tăng mạnh vào thời điểm quý cuối năm. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4% nhưng tăng nhanh từ tháng 8, đặc biệt là tháng 11 và kết thúc tháng 12 đạt mức 12,13%.

Thậm chí, việc mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động đã giúp ngân hàng có biên lợi nhuận ròng (NIM) tốt hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch.

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nhìn từ Vietcombank

Càng về cuối năm, khoảng cách này càng rõ rệt, qua đó giúp các ngân hàng lãi lớn. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với tăng trưởng lợi nhuận khả quan bất chấp đại dịch.

Báo cáo mới đây của Fiingroup thống kê biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết trong quý III/2020 tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được tỷ lệ biên lãi ròng cao các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao, bình quân 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020, trong khi đó lãi suất huy động giảm. Xu hướng tăng tỷ lệ biên lãi ròng của các ngân hàng được dự báo tiếp tục kéo dài do lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp.