Các ngân hàng Việt Nam chậm niêm yết cổ phiếu

Minh Hoàng - 14:39, 08/12/2017

TheLEADERHDBank sẽ là ngân hàng thứ 14 trong số 35 ngân hàng thương mại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ngân hàng Phát Triển TP.HCM (HDBank), ngân hàng thương mại tăng trưởng nhanh các năm gần đây, dự kiến sẽ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào tháng 1/2018. 

Năm 2017, chỉ có 4 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong đó, duy nhất VPBank niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, còn các ngân hàng khác bao gồm Kienlongbank và LienVietPostBank, VIB đăng ký giao dịch trên UPCom.

Trước đó trong nhiều năm, thị trường chứng khoán không đón nhận thêm cổ phiếu ngân hàng nào, kể từ khi BIDV niêm yết đầu năm 2014. Hiện nay có 13 trong số 35 ngân hàng thương mại Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Các ngân hàng Việt Nam chậm niêm yết cổ phiếu
Nguồn: StoxPlus

Nếu thành công, HDBank sẽ là ngân hàng thương mại đầu tiên trong số 8 ngân hàng thương mại của Việt Nam đạt được kế hoạch niêm yết vào năm 2018. Các ngân hàng khác có kế hoạch niêm yết là Ngân hàng Phương Đông, Techcombank, Ngân hàng Nam Á, VietABank, TPBank, Maritime Bank và SeABank.

HDBank có tổng tài sản khoảng 180 nghìn tỷ đồng và hướng đến đối tượng khách hàng là các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng này cũng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng HDSaison, một trong số công ty tăng trưởng nhanh nhất thị trường tài chính tiêu dùng các năm qua.

Lợi nhuận trung bình hàng năm của HDBank đã tăng 35% trong 5 năm qua. Ngân hàng này được cho là đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm huy động 300 triệu USD cho 20% cổ phần trước khi chính thức niêm yết.

Một quy định năm 2015 yêu cầu các công ty đại chúng chưa niêm yết (trong đó có các ngân hàng) phải đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCom trước ngày 31/12/2016. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng là công ty đại chúng chưa niêm yết.

Từ năm 2013, các ngân hàng thương mại phải được yêu cầu phải niêm yết cổ phiếu nhằm sàng lọc các tổ chức yếu kém, khuyến khích sự minh bạch trong ngành và tiến tới xây dựng ngành ngân hàng trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu niêm yết các ngân hàng sau đó được kéo dài đến năm 2020. Bên cạnh mục tiêu nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin, việc niêm yết các ngân hàng sẽ tăng khả năng tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài để nâng vốn cấp 1 trước khi Basel 2 được áp dụng. Tuy nhiên vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị giới hạn tối đa 30% vốn của một ngân hàng là một trở ngại đối với các nhà đầu tư.

Theo Nikkei Asia, việc kéo dài thời hạn niêm yết là một nỗ lực của cơ quan quản lý để tái cơ cấu ngành ngân hàng trong bối cảnh ngành này đã phải hứng chịu khủng hoảng nợ xấu.

Vào cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu hầu hết các ngân hàng thương mại theo báo cáo đã giảm xuống dưới 3% theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: nếu cộng các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn, các khoản đã bán cho VAMC chưa xử lý... thì tổng mức nợ xấu hệ thống ngân hàng tới cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng, tương 8,6% dư nợ.