Cải cách thủ tục hành chính gặp khó vì 'động chạm lợi ích'

An Chi - 08:00, 28/05/2020

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, các giải pháp cải cách thủ tục hành chính đang gặp nhiều khó khăn do động chạm đến lợi ích của nhiều người.

Cải cách thủ tục hành chính gặp khó vì 'động chạm lợi ích'
Vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách thủ tục hành chính

Do tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, qua khảo sát 15 ngành nghề bị tác động bởi dịch bệnh; dệt may, da giày, sản xuất kinh doanh thép, khai khoáng, khai thác dầu thô, du lịch, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản và giáo dục đào tạo là những ngành hiện đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất.

Dẫn dự báo của IMF về việc kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3%; GDP của Việt Nam tăng khoảng 2,7% trong năm 2020, ông Lực cho rằng, khả năng Việt Nam tăng trưởng hơn 5% không phải là bất khả thi. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi lại nền kinh tế và giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch, vị chuyên gia này cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là một trong những kênh quan trọng. 

Nếu thủ tục hành chính quá nặng nề, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội kinh doanh và khó có thể phát triển.

Theo đó, cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp giải phóng nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, giảm chi phí cơ hội, không chính thức. 

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, để cải cách thủ tục hành chính là không dễ. Các giải pháp hiện đang gặp nhiều khó khăn do động chạm đến lợi ích của nhiều người. 

Mặt khác, việc đổi mới mô hình quản lý cán bộ công chức; xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; xử lý thủ tục hành chính bằng công nghệ thông tin; điều chỉnh quan hệ giữa cấp Trung ương và địa phương còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho cải cách.

Tại Hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch là rất cao, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính nhưng số doanh nghiệp được hỗ trợ rất hạn chế. Tính đến tháng 4/2020, chỉ có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được hỗ trợ. 

65% doanh nghiệp đã nắm được thông tin về chính sách nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận.

Nguyên nhân của thực trạng này được ông Thân chỉ là do công tác tuyên truyền chưa được hiệu quả. Các thông tư, nghị định chưa chi tiết hóa được các quy trình, thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp và người dân còn lúng túng trong thực hiện.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam cho rằng, hiện doanh nghiệp có nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính là do sự chồng chéo giữa các luật với nhau, các thủ tục về xin giấy phép hoạt động dường như vẫn khó tiếp cận, nhiều thủ tục còn gây phiền hà gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần sử dụng dịch vụ công nhiều hơn

Đưa ra giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ông Lực đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cần thực hiện mô hình "3 Rs" (Respond, Recover và Re-invent), tức ứng phó với đại dịch, phục hồi và đổi mới, sáng tạo mô hình, chiến lược kinh doanh. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; cải cách hành chính thực chất; nâng cao năng suất lao động; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi giá trị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ. 

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia, sau 5 tháng hoạt động, đã tích hợp, cung cấp khoảng 400 dịch vụ công trực tuyến. 

Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công cao hơn rất nhiều doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị, doang nghiệp cần tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

"Sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia là quyền lợi của doanh nghiệp, nếu không thực hiện doanh nghiệp sẽ tự mình làm mất cơ hội", ông Dũng nhấn mạnh.