Cái giá của nền kinh tế "miễn phí"

Lan Khuê - 09:23, 29/08/2017

TheLEADERCác nhà kinh tế vẫn đang chật vật để tìm ra chi phí đó là bao nhiêu.

Cái giá của nền kinh tế "miễn phí"
"Miễn phí" chỉ là một trong những thỏa thuận đầy rẫy trên Internet. Ảnh: The Economist

Facebook, với trung bình 50 phút một người dùng ghé thăm mỗi ngày, hứa hẹn với người dùng của mình rằng "Facebook là hoàn toàn miễn phí và sẽ luôn luôn như vậy". Điều này chắc hẳn nghe thuận tai. Nhưng đây chỉ là một trong những thỏa thuận đầy rẫy trên Internet. 

Những người theo dõi YouTube xem khoảng 1 tỷ giờ video mỗi ngày. Những bữa trưa miễn phí này đều có cái giá của nó; vấn đề là bao nhiêu. Việc xác định mức giá đối với các dịch vụ này rất phúc tạp bởi người tiêu dùng không trả tiền cho các dịch vụ kỹ thuật số bằng tiền mặt và các nhà kinh tế lại không thể xử lý những giao dịch kỹ thuật số này như giao dịch thông thường. 

Nguyên lý của nền kinh tế “miễn phí”

Không giống với các công ty thông thường, khách hàng của các công ty như Facebook và Google tự tạo ra giá trị. Thông tin và hình ảnh được tải lên mạng xã hội thu hút mọi người vào các trang web. Công cụ tìm kiếm trực tuyến, chọn lựa và phím "thích" chính là các thuật toán thể hiện những gì mọi người mong muốn.

Sự phổ biến của các dịch vụ miễn phí một phần là kết quả của lịch sử. Trong những năm đầu Internet xuất hiện, người tiêu dùng đã trở nên quen với suy nghĩ mình không đáng giá gì. Họ không nhận thức được những dữ liệu họ cung cấp có giá trị đến thế nào; với suy nghĩ các công ty công nghệ có quyền truy cập vào dữ liệu của hàng tỷ người, do vậy giá trị dữ liệu của một người sẽ trở nên nhỏ bé. 

Về cơ bản, sự khan hiếm không phải là một hạn chế trong thế giới số. Dữ liệu là vô tận và việc vận chuyển thì lại siêu rẻ. Vào năm 1993, MCI Mail đã tính phí 50 cent cho 500 ký tự đầu tiên của một tin nhắn kỹ thuật số, và tăng thêm 10 xu cho mỗi 500 ký tự tiếp theo. Sau này, Internet đã hạ xuống mức 0.

Người dùng có thể không phải trả chi phí gì, nhưng các công ty như Google và Facebook lại phải chi trả các chi phí như lương cho kỹ sư, nhân viên hay trung tâm dữ liệu... Để có lợi nhuận, họ thu phí của người dùng một cách gián tiếp, bằng quảng cáo. Trong quý II/2017, Facebook đã thu trung bình 4,65 USD cho mỗi người dùng bằng cách chạy các bài đăng quảng cáo.

Trong trường hợp không biết được mức giá, các nhà kinh tế phải vật lộn để tìm hiểu xem mọi người đang phải tiêu tốn bao nhiêu cho các dịch vụ kỹ thuật số. Một nghiên cứu gần đây của Erik Brynjolfsson, Felix Eggers và Avinash Gannameneni thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đưa ra các mức giá khác nhau để đổi lấy việc từ bỏ Facebook trong vòng một tháng của những người được khảo sát. 

Dựa trên các phản hồi, họ ước tính giá trị trung bình hàng năm của Facebook đối với người tiêu dùng vào khoảng 750 USD. Một khảo sát đơn giản khác (không đưa ra mức tiền mặt thực tế) cho thấy trung bình người dùng định giá các công cụ tìm kiếm miễn phí ở mức 16.600 USD mỗi năm, ứng dụng bản đồ ở mức 2.800 USD và ứng dụng video ở mức 900 USD.

Mức giá này nghe có vẻ là một thỏa thuận tốt cho người tiêu dùng, nhưng nó lại tạo ra những vấn đề khác: Thuế. Các công ty không được phép trốn thuế bằng cách bán dịch vụ của mình, vậy tại sao người tiêu dùng không phải chịu thuế nếu họ được trả tiền cho dữ liệu dưới hình thức dịch vụ? 

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư cũng bày tỏ lo ngại khi người tiêu dùng có khuynh hướng đáp lại mạnh mẽ đối với những lời chào hàng "miễn phí" hơn là chi trả cho những dịch vụ cùng loại với giá chỉ cao hơn mức 0 một chút. 

Khi Amazon lần đầu tiên cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí ở các nước châu Âu, các đơn đặt hàng tăng nhanh chóng - nhưng không phải ở Pháp, bởi do nhầm lẫn, cước vận chuyển tại nước này bị tính lên khoảng mười xu. Mối lo lắng của các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư là cái mác "miễn phí" sẽ thúc đẩy những quyết định nghèo nàn, làm cho người ta, ví dụ, tiết lộ về bản thân mình nhiều hơn.

Nền kinh tế miễn phí cũng làm các cơ quan quản lý cạnh tranh đau đầu. Không có các mức giá khác để so sánh, và các lựa chọn chỉ cần một cú nhấp chuột, các công ty như Google dường như hoạt động trong một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, thật ngây thơ khi nghĩ như vậy. 

Người tiêu dùng bị kiểm soát nhiều hơn những gì họ nghĩ. Ví dụ, Google chiếm 90% thị phần các công cụ tìm kiếm ở hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, nơi tập đoàn này đã phải nhận mức phạt 2,4 tỷ USD vào tháng 6 vừa qua từ các cơ quan chống độc quyền do quảng cáo cho các dịch vụ mua sắm của mình trên các đối thủ cạnh tranh. 

Các cơ quan này cho rằng, sức mạnh thị trường quá lớn của công ty đã làm giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng. Trong trường hợp không có giá cả, sự thiếu cạnh tranh sẽ xuất hiện theo những cách khác nhau như: đòi hỏi nhiều thông tin từ người dùng hơn; hoặc nhồi nhét hàng tá quảng cáo.

Sẽ không bao giờ có thứ gọi là trao đổi miễn phí

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu nền kinh tế miễn phí có cần phải được điều chỉnh hay không, và nếu có, thì bằng cách nào. 

Trong cuốn sách "Ai sở hữu tương lai?", tác giả Jaron Lanier gợi ý rằng, các khoản thanh toán nhỏ cho các khoản đóng góp kỹ thuật số có thể xử lý được vấn đề phân bổ lao động sai. Nếu các công ty trả tiền cho người dùng vì dữ liệu hữu ích, thay vì càn quét những thông tin họ để lại sau khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến, thì có thể thúc đẩy người dùng sử dụng những hoạt động trực tuyến hiệu quả hơn. 

Những người khác lại ủng hộ việc ban hành các quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu người dùng trả tiền cho phiên bản nền tảng truyền thông xã hội không chèn quảng cáo và yêu cầu thông tin cá nhân.

Cả hai phương án này dường như không có khả năng xảy ra, và mỗi phương án đều có những nhược điểm riêng. Nhưng chí ít cả hai đã buộc mọi người phải bắt đầu tính toán chi phí bữa trưa "miễn phí" đó.