Cần tổ chức lại mô hình doanh nghiệp quân đội

TS. Nguyễn Đức Thuận (*) - 07:00, 28/11/2017

TheLEADERQuân đội làm kinh tế như thế nào đang là vấn đề nóng, được Quốc hội thảo luận mới đây trên nghị trường. Bài viết của TS. Nguyễn Đức Thuận, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 phân tích giữa được và mất khi quân đội tham gia làm kinh tế và nếu quân đội tiếp tục làm kinh tế thì nên tổ chức lại như thế nào, nên làm gì, và cái gì quân đội không nên làm, không tiếp tục làm nữa.

Cần tổ chức lại mô hình doanh nghiệp quân đội
Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 Nguyễn Đức Thuận.

Không thể thiếu trong nhiều hoạt động kinh tế dân sự

Cách đây hàng ngàn năm ông cha ta đã có chính sách “ngụ binh ư nông” trong đó, quân nhân và đinh tráng luân phiên phục vụ trong quân đội và cày cấy để kinh tế phát triển, nhưng vẫn có một đội quân dự bị hùng hậu. Đến triều Nguyễn, quân đội tham gia khai khẩn đất hoang, mở rộng kinh tế trên những vùng đất mới. Mỗi thời kỳ lại có hình thức khác nhau, mô hình khác nhau, mức độ khác nhau tùy theo xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, tình hình đất nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành cũng đã và đang tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc dân và quốc phòng. Hiện nay quân đội đang quản lý một hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng to lớn. Với hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại và đồng bộ với nó là một đội ngũ các nhà khoa học kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia lành nghề, hàng vạn người đang ngày đêm phục vụ cho việc nghiên cứu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị quân sự tại các viện nghiên cứu, cơ sở công nghiệp quốc phòng của quân đội nhằm duy trì và đảm bảo sức mạnh cho quân đội về mặt trang bị trong điều kiện chiến tranh hiện đại mà sức mạnh quân đội được quyết định bởi tiềm lực của trang bị vũ khí.

Tuy nhiên trong điều kiện thời bình chúng ta không thể không tận dụng tiềm lực này bao gồm cả cơ sở vật chất và con người tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và mặt khác, chúng ta còn tạo dựng cơ chế để cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng này tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất vũ khí trang bị quân sự xuất khẩu, thu về hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước như các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Israel đang làm dưới sự quản lý của nhà nước. 

Mặt khác với chiều dài biên giới trên đất liền gần 4.000km và gần 3.000km chiều dài bờ biển thì sự có mặt của các Đoàn kinh tế quốc phòng ở vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo, vùng trọng yếu thì vai trò của các đoàn kinh tế quốc phòng là không gì thay thế được.

Trong thời gian qua quân đội đã xây dựng được hàng chục khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, có vị trí xung yếu về quốc phòng an ninh, các đoàn kinh tế quốc phòng đã phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư tạo việc làm bền vững cho hàng trăm ngàn hộ dân định cư lâu dài, hình thành hàng trăm cụm điểm dân cư tập trung trên vành đai biên giới có địa bàn xung yếu tạo thế bố trí chiến lược; đồng thời giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất…

Mặt khác, hệ thống y tế quân đội từ các bản làng xa xôi, đến biên cương hải đảo ở đâu có quân đội ở đó có cơ sở quân y. Giả sử nếu y tế quân đội chỉ phục vụ cho quân đội không phục vụ cho người dân thì người dân ở vùng đó biết trông cậy vào ai. 

Hiện nay từ bệnh viện trung ương quân đội đến hệ thống các bệnh xá quân khu quân đoàn hàng năm chữa trị cho hàng triệu người dân trên toàn quốc, đặc biệt là những khu vực miền núi xa xôi, biên cương hải đảo. Điều đó cho thấy nếu cơ sở vật chất của quân đội không phục vụ cho người dân (làm kinh tế) thì lãng phí vô cùng.

Đặc biệt trong tình hình phức tạp trên biển như hiện nay thì việc hình thành một số đơn vị quân đội tham gia vào hoạt động kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân trong các dịch vụ hậu cần nghề cá, cho đến việc phối hợp với ngư dận bám biển trong quá trình hoạt động nghề cá trên biển. Để tạo sự yên tâm cho người dân hoạt động nghề cá trên biển có nhiều diễn biến phức tạp thì không có lực lượng nào tốt hơn lực lượng quân đội làm kinh tế ở lĩnh vực này.

Quân đội các nước đều làm kinh tế

Khảo sát và nghiên cứu về việc quân đội tham gia làm kinh tế cho thấy: như ở nước Pháp (theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp 2016) quân đội Pháp đã tham gia vào một số lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra quân đội Pháp còn cung cấp cố vấn cho một số doanh nghiệp quốc phòng ở Pháp, các doanh nghiệp quân đội của Pháp đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Pháp. Các doanh nghiệp này đã tham gia xuất khẩu một lượng vũ khí lớn giúp cho kinh tế Pháp cân đối điều hòa, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

Hoặc ở Anh, quân đội nước này cung cấp các khoản vốn và hỗ trợ các doanh nghiệp quốc phòng như trong lĩnh vực thiết bị và điện tử quốc phòng, và đó là những hoạt động mà quân đội Anh tham gia thúc đẩy nền kinh tế quốc phòng một cách hiệu quả.

Ở Mỹ, tập đoàn vũ khí Lockheed Martin là tập đoàn công nghiệp quốc phòng mà đằng sau là quân đội Mỹ đã sản xuất và xuất khẩu rất nhiều vũ khí trang bị quân sự thu về hàng trăm tỷ đô la.

Ở Nga, kinh tế Nga đang hưởng lợi từ việc xuất khẩu vũ khí từ các tổ hợp công nghiệp quốc phòng mà đằng sau nó là quân đội, là thế mạnh hàng đầu của nền kinh tế Nga…

Ở Trung Quốc, quân đội Trung Quốc được biết đến với lịch sử lâu dài trong việc tham gia làm kinh tế. Ngay từ buổi đầu của nền phong kiến Trung Quốc và vẫn tiếp tục kéo dài tới thời kỳ đương đại, giới cầm quyền coi quân đội là công cụ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đảm bảo cho đất nước có được sự ổn định nhất định về mặt đối nội tức là quân đội phải có khả năng tự cung tự cấp. 

Chiến tranh xảy ra liên miên, thiên tai địch hoạ, cũng như hệ thống thu thuế kém hiệu quả khiến cho quốc khố liên tục trong tình trạng thiếu hụt dẫn tới không thể nào gánh vác hết được hoạt động của quân đội, chưa kể tới việc chi dùng tiền thuế cho các hoạt động khác. Để giải quyết vấn đề, quân đội được phép quản lý nông nghiệp-ngành kinh tế then chốt thời đó.

Trong thời bình, quân đội là một lực lượng sản xuất để không trở thành gánh nặng cho quốc khố. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc ngày nay cũng đã xây dựng một lộ trình từ nhiều năm trước là dần dần chuyển đổi các cơ sở công nghiệp quốc phòng ra khỏi quân đội và giao cho bộ máy độc lập trực thuộc nhà nước quản lý. Lực lượng này hiện nay đã trở thành các tổ hợp công nghiệp quốc phòng quan trọng, đóng góp cho nền kinh tế Trung Quốc một khoản tài chính lớn kể cả tham gia xuất khẩu vũ khí. Để làm được việc này, Trung Quốc đã thực hiện lộ trình để quân đội từng bước không tham gia làm kinh tế mà không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Có thể thấy được tầm quan trọng của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng của quân đội. Vấn đề lớn, nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra là quân đội làm kinh tế đã đạt được những thành tựu gì? Liệu có nên tiếp tục để quân đội tham gia làm kinh tế không? Cần những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả khi quân đội tham gia làm kinh tế?

Tôi cho rằng quân đội làm kinh tế vẫn rất cần nhưng cần có sự cải tổ, tổ chức lại về mô hình, phạm vi và cách thức quân đội làm kinh tế.

Bốn nhóm giải pháp tổ chức lại doanh nghiệp quân đội

1. Từ thực tiễn lịch sử hàng ngàn năm để lại đặc biệt trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, quân đội ta phải đánh giá lại hoạt động kinh tế của quân đội về thực trạng những gì đã làm được, những gì còn tồn tại. Đặc biệt chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc quân đội tham gia làm kinh tế, từ đó quân đội cần nghiêm túc đánh giá xem xét một cách khoa học và biện chứng để từ thực tiễn đấy rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta trong việc chỉ đạo quân đội làm kinh tế.

Trước mắt phải xây dựng một chương trình chiến lược tổng thể về việc quân đội làm kinh tế như thế nào? từ đó sắp xếp cơ cấu lại hệ thống tổ chức các đơn vị làm kinh tế trong quân đội một cách tổng thể đồng bộ từ trên xuống dưới. 

Theo kinh nghiệm quốc tế chúng ta nên mạnh dạn hình thành, sắp xếp các cơ sở có liên quan đến nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị quân sự theo hướng hình thành từ một đến hai tổ hợp kinh tế quân sự (gọi là tổ hợp công nghiệp quốc phòng). Còn những doanh nghiệp và những đơn vị làm kinh tế đơn thuần thì nên từng bước sắp xếp theo hướng tổ chức lại, thoái vốn và xã hội hóa toàn bộ những lĩnh vực này để dần dần chuyển giao toàn bộ cơ sở này cho nền kinh tế quốc dân.

Và đồng bộ với nó, quân đội cũng cần hình thành, xây dựng một thể chế, quy chế dưới dạng quy phạm pháp luật nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát một cách toàn diện các đơn vị làm kinh tế trong quân đội một cách minh bạch khách quan đối với các đơn vị còn lại khi tham gia làm kinh tế.

Ngoài ra, để phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội phải đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm quân sự phục vụ quốc phòng. Khi đã đáp ứng được yêu cầu quốc phòng cần phải đưa sản phẩm công nghệ đó phục vụ dân sinh, tạo nguồn thu để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ cao hơn để đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng.

2. Nên nghiên cứu để tận dụng thành tựu khoa học công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và ngược lại, sự kết nối này sẽ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc liên doanh, liên kết với các tổ chức trong nước và nước ngoài sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tốt nhất khi học tập kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.

3. Để việc thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, quân đội cần thực hiện việc tổng rà soát những hoạt động và đánh giá nghiêm túc tác động hai mặt và những bất cập trong các hoạt động và cơ chế quản lý những doanh nghiệp quân đội làm kinh tế hiện nay; đồng thời, xây dựng những phương án mới và tổ chức hội thảo, lấy ý kiến phản biện khoa học, nghiêm túc, thận trọng để xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn và nội dung, hình thức hoạt động kinh tế cụ thể, với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích quốc gia, phát triển quân đội chính quy, hiện đại, ngày càng hùng mạnh, đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước…

Nên có một nghị quyết của Bộ Chính trị và tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội qua đó tạo ra nhận thức thống nhất về tính cần thiết phải kết hợp kinh tế với quốc phòng. Tổng kết 30 năm đổi mới, chủ trương này thế nào, quân đội làm kinh tế đã giải quyết được những gì, còn hạn chế như thế nào? Từ đó xây dựng một bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng - là lĩnh vực đặc thù. Cùng với đó, cần tổ chức có chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và xác định những chủ trương, giải pháp tiếp theo nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nói trên.

4. Cần phải sắp xếp cơ cấu lại toàn bộ hệ thống các đơn vị làm kinh tế trong quân đội theo hướng:

Thứ nhất, đối với các đơn vị làm kinh tế đơn thuần không liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng, như chế biến nông lâm sản, xây dựng, thương mại, vv…thì cần mạnh dạn cổ phần hóa thoái vốn một cách triệt để, toàn diện và phải có lộ trình từ nay đến 2020 đưa toàn bộ những doanh nghiệp quân đội này và những lĩnh vực này ra khỏi quân đội, cổ phần hóa và xã hội hóa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này một cách triệt để.

Thứ hai, đối với các cơ sở sản xuất, các nhà máy công xưởng doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp quốc phòng nòng cốt thì cần phải sắp xếp kiện toàn, cơ cấu lại theo hướng hình thành một hoặc hai tập đoàn kinh tế gọi là các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và đưa toàn bộ các cở sở công nghiệp quốc phòng, cơ quan nghiên cứu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kĩ thuật quân sự của tổ hợp này vào chịu sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng.

Ngay từ bây giờ phải xây dựng một lộ trình để đưa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng này ra khỏi quân đội trong vòng từ 10 đến 20 năm tới như Trung Quốc và Nga đã làm. Lộ trình này có thể kéo dài 10 đến 20 năm, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì chúng ta sẽ không quản lý, khai thác, sử dụng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng này một cách hiệu quả ngay trong hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, trong điều kiện biên giới trên bộ và trên biển do đặc thù của Việt Nam, chúng ta cần mạnh dạn hình thành các đoàn kinh tế quốc phòng nhằm duy trì sự có mặt của các đơn vị này ở các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, đặc biệt là trên biển.

Thứ ba, đơn vị quân đội làm kinh tế phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh nằm trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng kết hợp làm kinh tế, không có doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần độc lập và phải được tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình dưới dạng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, hoặc dưới dạng đoàn kinh tế quốc phòng, chịu sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, của Chính phủ và sự chi phối bình đẳng bởi các quy định pháp luật khác, không có ngoại lệ.

Doanh nghiệp quân đội chỉ có giá trị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong nội bộ quân đội, còn khi tham gia vào nền kinh tế thị trường (trong trường hợp khai thác các thành tựu khoa học công nghệ quân sự và công nghiệp quốc phòng phục vụ cho nền kinh tế quốc dân), thì nó phải chịu sự chi phối của tất của các quy định pháp luật bình đẳng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

(*) TS. Nguyễn Đức Thuận hiện là Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam - VACD