Chấm đen trắng biến Trung Quốc thành xã hội không tiền mặt

Kiều Mai - 14:22, 16/08/2018

TheLEADERTại Trung Quốc, tiền mặt hay thậm chí là quẹt thẻ đang dần trở nên “lỗi mốt” khi QR Code đang trở thành phương thức thanh toán cao cấp thống trị quốc gia này.

Chấm đen trắng biến Trung Quốc thành xã hội không tiền mặt
Thanh toán qua QR Code ngập tràn ở Trung Quốc. Ảnh: Zhang Peng/Getty Images

Bước xuống sân bay Yushu thuộc tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) khi trời chuyển dần về đêm, Dung kéo lê chiếc vali bằng cánh tay mệt nhoài, hòa vào đoàn nghiên cứu chậm rãi tiến về phía ô tô đưa đón.

Tiếng réo bụng nhắc cô nhớ rằng thức ăn trên chuyến bay tới đây đã được tiêu hóa hết và chắc chắn, cô sẽ phải nhét thêm vào chiếc bụng rỗng đó trước khi lên giường đi ngủ.

Đứng trước cửa khách sạn, Dung cảm thấy hơi hụt hẫng khi ánh đèn không còn rực sáng như khi cô ở Thượng Hải. Giữa bóng tối ngập tràn của vùng núi, chỉ một vài cửa hàng còn mở và may mắn cho cô, trong số đó có cửa hàng tiện lợi 24/7.

Cùng vài người bạn Trung Quốc đi vào cửa hàng, cô tìm xung quanh để kiếm đồ lấp đầy dạ dày và lục tung chiếc túi xách đang đeo để tìm ví thanh toán. Loay hoay một hồi với sự bối rối, người bạn đứng cạnh cô đưa nhẹ chiếc điện thoại, quét qua mã và khi Dung chưa kịp nhìn, số tiền kia đã được trả. Dung chỉ biết cảm ơn và cảm thấy bất ngờ vì cách thanh toán mang tên QR Code, hay mã QR.

Chấm đen trắng biến Trung Quốc thành xã hội không tiền mặt
Chỉ mất vài giây để tiến thành thanh toán qua QR Code. Ảnh: Timmy Shen/TechNode

Mã QR là một loại mã vạch bao gồm các hình vuông nhỏ màu đen ngẫu nhiên trên nền trắng và có khả năng chứa dữ liệu gấp khoảng 300 lần so với mã truyền thống.

Theo chia sẻ của Li Shuo Feng đang theo học thạc sĩ tại Thượng Hải và có nhiều năm sống ở thành phố này, QR gần như phổ cập, được sử dụng bởi gần như tất cả mọi người, chỉ trừ một số rất nhỏ người già, những người ít tiếp cận với công nghệ.

“Tại Trung Quốc, QR Code tiện lợi và thông dụng hơn rất nhiều tiền mặt hay thẻ ngân hàng. Hình như lần cuối cùng tôi sử dụng tiền mặt là khi đóng visa đi Kazakhstan và tôi không thể nhớ ra bất kì một lần nào khác dùng tiền mặt trong hơn 1 năm trở lại đây”, Li cho biết.

Theo anh Li, QR Code được ứng dụng rất nhiều tại Trung Quốc chứ không riêng gì lĩnh vực thanh toán. Mã này có thể được sử dụng để vào trang web, tìm kiếm bạn bè hay tải và lưu trữ tài liệu.

“Ví dụ như bạn có thể dùng mã để đặt hàng trước trà sữa thông qua ứng dụng nhỏ trong WeChat để không phải xếp hàng chờ đợi khi đến nơi. Thậm chí ngay tại một cửa hàng ăn nhỏ, bạn cũng có thể thanh toán qua WeChat hoặc Alipay và còn có thể nhận được phiếu giảm giá”.

Chia sẻ đồng quan điểm và từ những kinh nghiệm sống tại Thượng Hải đã lâu, anh Hiếu cho biết QR Code được ứng dụng nhiều nhất trong thanh toán và bên cạnh đó, được dùng trong nhiều hoạt động khác như soát vé, cập nhật thông tin, kết bạn.

“Hiện tại QR Code gần như phổ cập chỉ trừ một số ít khu vực nông thôn và những nơi nào buôn bán tấp nập đều có thể dùng. Hầu như tất cả mọi người đều dùng, từ những người bán rong đến khách sạn hay taxi”. Thậm chí tại một số khu vực xa xôi như Yushu, QR Code vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo.

Theo anh Hiếu, QR Code “rất tiện lợi”. “Ở Trung Quốc, người ta không mấy khi dùng tiền mặt. Khi đi ăn hay đi bất cứ đâu, người ta chỉ cầm mỗi điện thoại”.

Chấm đen trắng biến Trung Quốc thành xã hội không tiền mặt 1
Không chỉ tiện lợi, khách hàng thanh toán qua QR Code còn nhận được nhiều ưu đãi từ phía cửa hàng

Ứng dụng QR Code tại Trung Quốc hiện đang được thiết lập bởi hai ông lớn là WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba. Người dùng có thể sử dụng một trong hai, quét mã QR để xác định người nhận, lựa chọn số tiền và việc thanh toán được diễn ra ngay sau đó. Quy trình này rất đơn giản và được phổ biến cho mọi loại hình thức thanh toán.

Ngay cả các nghệ sĩ đường phố cũng đưa ra mã QR để nhận tiền từ người hâm mộ. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề cho khán giả khi không có tiền xu, tiền giấy mà thậm chí còn gia tăng thu nhập bởi người xem không còn bị giới hạn bởi số tiền nằm trong túi khách hàng.

Theo nghiên cứu của Penguin Intelligence, WeChat sở hữu hơn 900 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng vào thời điểm đầu năm ngoái và tính đến hết quý I năm nay, con số này đã phá vỡ ngưỡng 1 tỷ người, theo số liệu từ Statista.

Penguin Intelligence cũng cho biết có tới 92% người dân tại các thành phố của Trung Quốc sử dụng WeChat Pay hay AliPay làm phương thức thanh toán chính. Tiền mặt đứng vị trí thứ 2 với 39% và sau đó đến thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Số liệu từ hãng nghiên cứu Analysys International chỉ ra rằng WeChat Pay và Alipay chiếm tới 93% thị trường thanh toán di động của Trung Quốc. Hai ứng dụng này giúp lan tỏa QR Code và kéo Trung Quốc tiến tới một quốc gia không sử dụng tiền mặt.

Lượng chi trả thông qua QR Code khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rõ ràng trở thành nhà lãnh đạo trong việc chấp nhận thanh toán bằng di động và bỏ lại rất xa phần còn lại của thế giới.

Số liệu được đưa bởi South China Morning Post cho thấy trong 10 tháng đầu 2017, thanh toán thông qua di động tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục 81 nghìn Nhân dân tệ, tương đương 12,8 nghìn tỷ USD nhờ vào số lượng lớn người tiêu dùng đang hướng tới một xã hội không tiền mặt.

Con số của 10 tháng năm ngoái đã bỏ xa mức 58,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (gần 9,3 nghìn tỷ USD) của cả năm 2016.

Theo dữ liệu từ eMarketer, tổng lượng giao dịch thanh toán di động của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ chỉ là một phần rất nhỏ so với Trung Quốc khi dừng ở mức 49,3 tỷ USD, tương đương chưa đầy 1%.

Chấm đen trắng biến Trung Quốc thành xã hội không tiền mặt 2
Ngay cả những quán ăn rất nhỏ hoặc ven đường cũng thanh toán qua QR Code

Thanh toán di động tại Trung Quốc bùng nổ là nhờ sự thích ứng nhanh của bán lẻ trực tuyến, các dịch vụ tài chính và dịch vụ theo yêu cầu trong một thị trường điện thoại thông minh và Internet hàng đầu thế giới.

Giữa xu hướng thanh toán chung của nhiều quốc gia như Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai QR Code nhưng vấp phải không ít khó khăn.

Xuất phát từ trải nghiệm người dùng, anh Hiếu cho rằng việc sử dụng QR Code tại Việt Nam gặp nhiều phiền phức khi không có thống nhất chung giữa các ngân hàng. Điều này hoàn toàn khác với Trung Quốc khi tại đây, chỉ có hai ông lớn là Alipay và Wechat, dễ thống nhất trong cách thanh toán.

“Phải có ngân hàng hoặc cơ quan đứng ra trung gian, xây dựng nền tảng chung cho QR Code. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác bảo mật và tính an toàn để tránh các vụ tấn công”, anh Hiếu nhấn mạnh.

Ông Xie Hui, một thương nhân người Thượng Hải đang kinh doanh tại Bắc Ninh, cho rằng việc thanh toán bằng QR Code tại Việt Nam vẫn rất hạn chế vì các nhà hàng hay địa điểm vui chơi chủ yếu ưu tiên tiền mặt hoặc thẻ, rất ít nơi có thể quét mã tính tiền.

Không chỉ vậy, nhiều khu vực còn khá “chậm chạp” với Internet, gây khó cho việc phổ biến hình thức thanh toán mới.

Để Việt Nam có thể tiến dần tới một xã hội không tiền mặt, những bài toán trên cần được tìm ra lời giải trong những ngày sắp tới.