Chìa khóa giúp ngành xây dựng, thủy sản duy trì sản xuất

Hứa Phương - 11:11, 06/08/2021

TheLEADERCác doanh nghiệp ở mỗi ngành, nghề khác nhau cần những giải pháp phù hợp, linh động để duy trì sản xuất.

Công thức 7K+3T

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biễn ngày càng phức tạp, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng nên việc áp dụng “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” không phải ngành nghề nào, doanh nghiệp nào cũng thành công.

‘Chìa khóa’ giúp ngành xây dựng, thủy sản duy trì sản xuất
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM đề xuất công thức 7K + 3T

Đơn cử với ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, giải pháp “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến” chưa thể phát huy được các ưu điểm.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp phải chịu nhiều loại cho phí, nguồn lực để kiểm soát việc ra vào của người lao động, thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động, người quản lý.

Bên cạnh đó để phục vụ chỗ ăn, chỗ ở cho người lao động theo tiêu chuẩn phải chuẩn bị cơ sở vật chất… do vậy với những doanh nghiệp bị hạn chế về tài chính, tiềm lực không thể triển khai được, dẫn đến nhiều dự án ở TP.HCM và các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội phải ngừng thi công.

Cũng theo ông Hải, thời gian giãn cách kéo dài nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể trụ được.

Hơn nữa, ngành xây dựng, 3 năm vừa qua đã gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và biến động giá vật tư xây dựng..

Nếu vẫn áp dụng phương pháp chống dịch như hiện nay thì thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định.

Trong khi F1, F0 cũng không thể kiểm soát triệt để thì mục tiêu kép không thể đạt được còn vô tình gây tác động to lớn không chỉ riêng TP.HCM, các tỉnh lân cận mà ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Do vậy, ông Hải đề xuất áp dụng công thức 7K+3T để người dân và doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn trong việc phòng chống dịch. 

Thay khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” và “thông điệp 5K” bằng “7K+3T”. Trong đó, 7K bao gồm: khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế - không khí trong lành - khỏe mạnh" và 3T gồm: tự phát hiện - tự cách ly - tự chăm sóc.

“Với công thức 7K + 3T không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19”, ông Hải cho biết.

Để ngành thủy sản duy trì sản xuất, xuất khẩu

Với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động, phần lớn nhà máy của các thành viên đóng trên địa bàn 19 tỉnh thành phía Nam đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên gặp nhiều khó khăn, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị những giải pháp vừa chống dịch vừa giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Do thực tế lượng vaccine còn hạn chế và không có ngay một lúc nên VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm. Trong đó ưu tiên những người lao động (sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, trong các nhà máy, các khu công nghiệp, thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng).

Đặc biệt là ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.

Ngoài ra VASEP kiến nghị có bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ”. Bởi vì thực hiện phương châm “ 3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn.

Vì vậy, với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vaccine để doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất, các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất.

Bộ Y tế cần hoàn thiện bộ quy tắc như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ".

Thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và Trung tâm kiểm soát bệnh tất để doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

Trung tâm kiểm soát bệnh cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp một lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.

Hướng dẫn thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” theo tiếp cận là công nhân đã được tiêm vaccine và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc.

Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và những phát sinh trong việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có các chính sách ưu tiên về: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1%.