Chính phủ các nước đang... chơi trò đập chuột chũi với Bitcoin?

Hoàng Nhân - 15:30, 17/01/2018

TheLEADERViệc cố gắng áp đặt quy định kiểm soát bitcoin cũng giống như việc giáng búa xuống con chuột chũi trong trò đập chuột (Whack-A-Mole) vậy. Điều này chỉ khiến nó lại mọc lên từ một chỗ khác.

Chính phủ các nước đang... chơi trò đập chuột chũi với Bitcoin?
Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các quy định quản lý mặc dù không giáng cú ‘chí tử’ xuống Bitcoin, nhưng cũng khiến cho cuộc sống của người trung thành với bitcoin trở nên không hề dễ dàng chút nào.

Hàn Quốc là quốc gia mới nhất chấm dứt lệnh cấm các giao dịch buôn bán tiền ảo, sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm phát hành tiền ảo lần đầu (ICO). 

Châu Á là khu vực chiếm thị phần lớn nhất trong tổng giao dịch tiền ảo toàn cầu. Một số chính phủ đang quan ngại về sự tăng trưởng nóng này, đồng thời đưa ra cảnh báo về rủi ro cho người tiêu dùng và những hoạt động tội phạm lợi dụng loại hình tiền tệ này.

Làn sóng hưng phấn đối với Bitcoin đã đạt tới đỉnh điểm khi các nhà điều tiết thị trường bắt đầu có những động thái kiểm soát đầu tiên.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính phủ đang lo lắng về những rủi ro liên quan đến Bitcoin, một vài nước khác lại lên tiếng ủng hộ, chẳng hạn như Nhật Bản. Nước này đã và đang đi theo con đường riêng của mình, thừa nhận Bitcoin như là một loại tiền tệ hợp pháp để trao đổi. 

Nhật cũng tăng cường giám sát hoạt động trao đổi thay vì ngăn cấm. Tương tự như Mỹ, Nhật đang nghiên cứu kỹ càng tương lai của tiền ảo. Nước này được coi là "trái tim của Bitcoin”.

Trên thực tế, các hành vi cấm đoán Bitcoin có xu hướng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của loại tiền số này ở nơi khác thay vì ‘giết chết’ nó hoàn toàn.

Ví dụ, nếu Trung Quốc tiếp tục triển khai biện pháp cấm giao dịch tiền kỹ thuật số, các giao dịch sẽ chuyển từ sàn giao dịch công khai sang các trao đổi tự do, và hoạt động sẽ rò rỉ từ Trung Quốc đến những nơi khác, như Tokyo. Bản chất của Bitcoin là những dòng mã hóa, khiến nó khó có thể được kiểm soát trong một biên giới quốc gia nhất định.

"Chúng tôi có những người tham gia giao dịch ở nhiều địa điểm khác nhau. Bitcoin sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi một cơ quan điều tiết nào hết", người đứng đầu một sàn giao dịch Bitcoin cho hay.

Tuy vậy, các động thái điều chỉnh vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn. Sau lệnh cấm của chính phủ Hàn Quốc, giá các loại tiền số như Bitcoin, Ripple, Ethereum và Litecoin đều giảm.

Nếu giá trị của tiền ảo được nâng lên nhờ việc nó có thể sử dụng cho các mục đích bất chính, thì bất cứ hành động giám sát nào đều sẽ trở nên tiêu cực.

Sắp tới, các nền kinh tế nhóm G20 sẽ nhóm họp và chắc chắn việc tìm ra một tiếng nói chung cho tình trạng ‘cuồng Bitcoin’ hiện nay sẽ là một trong những ưu tiên chính của chương trình nghị sự. 

Một điều chắc chắn rằng, sẽ không dễ dàng để đồng thuận một cách tiếp cận theo hướng cởi mở như của Nhật Bản hay hướng quá cứng rắn của Trung Quốc, nhưng nếu Hàn Quốc thi hành lệnh cấm của họ, đó có thể là dấu hiệu tiệm cận tới sự cân bằng.