Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2020

Tùng Anh - 08:00, 02/01/2020

TheLEADERKể từ đầu năm mới 2020, nhiều chính sách nổi bật liên quan đến tiền lương tối thiểu vùng, mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, hợp đồng vay nợ, vi phạm về đất đai, thủ tục hành chính của hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia... sẽ chính thức có hiệu lực.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2020
Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 1/2020

Tăng lương tối thiểu vùng từ 5,1% - 5,7%

Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. 

Theo đó, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.

Cũng theo Nghị định này, sẽ có một số thay đổi trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng của một số địa bàn. Cụ thể, chuyển từ vùng III lên vùng II gồm huyện Đồng Phú (Bình Phước); TP. Bến Tre, huyện Châu Thành (Bến Tre). Các địa phương chuyển từ vùng IV lên vùng III gồm huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre).

Như vậy, so với năm 2019, số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng vùng I giữ nguyên; vùng II tăng ba địa bàn; vùng III tăng tám địa bàn; vùng IV giảm tám địa bàn. 

Vi phạm về đất đai bị phạt đến 1 tỷ đồng

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/1/2020.

Trong đó, hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp mức phạt tối đa là 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây).

Về hành vi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất ở, đất phi nông nghiệp sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức (tăng 10 mức phạt so với trước đây)

Đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ điều kiện mức xử phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15/1/2020.

Cụ thể, mức vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng chính sách là 5.000 tỷ đồng, ngân hàng hợp tác xã là 3.000 tỷ đồng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD, công ty tài chính là 500 tỷ đồng, công ty cho thuê tài chính là150 tỷ đồng.

Mức vốn pháp định đối với tổ chức tài chính vi mô là 5 tỷ đồng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn là 0,5 tỷ đồng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường là 1 tỷ đồng.

Quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Nghị định 73/2019/NĐ-CP ban hành ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Nghị định này quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau: dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Nghị định 93/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/1/2020.

Theo đó, quỹ này được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ được phối hợp với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho quỹ hoặc để triển khai các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo mục đích hoạt động của quỹ.

Hợp đồng vay nợ phải ghi rõ hình thức và thời gian nhắc nợ

Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43 năm 2016 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Thông tư 18, trong hợp đồng cho vay tiêu dùng giữa công ty tài chính và người vay phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ. Thông tư này siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.

Cụ thể, yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng, không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7 - 21 giờ như trước đây. Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa năm lần/ngày. Và phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia

Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia, Nghị định quy định việc khai, sửa đổi, bổ sung thông tin khai có thể được thực hiện theo một trong hai hình thức tạo lập thông tin khai điện tử. 

Thứ nhất là tạo lập thông tin khai theo các tiêu chí, định dạng do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng theo chuẩn dữ liệu do đơn vị quản lý cổng thông tin một cửa quốc gia hướng dẫn; gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thứ hai là khai trực tiếp trên cổng thông tin một cửa quốc gia.