Cho vay hơn 5.000 tỷ đồng mỗi ngày để đạt mục tiêu tăng tín dụng 21%

Minh An - 08:00, 16/10/2017

TheLEADERNhư thông lệ hàng năm, ngành ngân hàng bước vào cuộc đua bơm vốn khổng lồ trong các tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Cho vay hơn 5.000 tỷ đồng mỗi ngày để đạt mục tiêu tăng tín dụng 21%
Tính đến ngày 20/9 tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 11%. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017, Ngân hàng Nhà nước được giao theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thực hiện quyết liệt, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Như vậy, nội dung “phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%” đã không còn được đề cập như trong nghị quyết phiên họp tháng 8.

Trước đó theo các báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến ngày 20/9 tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 11%. Nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp, tính dụng đã tăng 12,9%, theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC).

Trong khi đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê của NHNN tiến hành vào tháng 9/2017, các ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý IV là 6% và cả năm 2017 là 17%.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng còn cách xa con số mục tiêu 21% nhưng dựa vào lịch sử tăng trưởng cho vay các năm qua, mục tiêu này vẫn có thể đạt được.

Cụ thể, năm ngoái, 9 tháng cả năm tín dụng mới tăng 11,64% nhưng cả năm đã đạt 18,25%. Trước đó, năm 2015, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 17,26% dù 9 tháng chỉ đạt 12,12%. Riêng năm 2014, tín dụng cả năm tăng gần gấp đôi con số công bố hồi tháng 9 (7,37%).

Ước tính, trong 3 tháng cuối năm 2016, nền kinh tế đã được bơm thêm 303 nghìn tỷ đồng và trước đó năm 2015, tín dụng quý cuối cùng của năm tăng thêm 244 nghìn tỷ đồng.

Sau khi tăng trưởng 11% trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị tín dụng của nền kinh tế đã vượt ngưỡng 6,1 triệu tỷ đồng. Đề đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%, trong 3 tháng còn lại của năm 2017, các tổ chức tín dụng sẽ phải cho vay thêm 550 nghìn tỷ đồng. Khi đó, tổng tín dụng toàn nền kinh tế là 6,66 triệu tỷ đồng.

Hôm 12/10, tại phiên họp của Ủy Ban thường vụ Quốc hội thứ 15, báo cáo tình hình KTXH 9 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế cả năm 2017 đạt khoảng 21% so với năm 2016.

Điều này, nhằm đáp ứng thêm nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Trước đó, sau khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% được đưa ra, các tổ chức tài chính quốc tế lần lượt đưa ra các cảnh báo tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.

HSBC nói rằng, dữ liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.

Đại diện của ADB tại Việt Nam nhận định việc cố gắng duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao sẽ có nhiều rủi ro lớn liên quan đến thâm hụt tài chính, ngân sách và đảm bảo chất lượng tín dụng.

Fitch Ratings, trong một báo cáo về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây nhận định: Một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh để đạt các mục tiêu GDP có thể gây ra làn sóng vỡ nợ như những gì đã diễn ra trong quá khứ.

"Các vấn đề chất lượng tài sản hiện tại có thể được bắt nguồn từ tăng trưởng tín dụng nhanh và tiêu chuẩn cho vay thấp trong những năm 2000. Các vấn đề rủi ro tín dụng bị đẩy lên cao vào giai đoạn 2011 – 2013 và gây ra các căng thẳng đáng kể trên thị trường tài chính", báo cáo của Fitch Ratings viết.