Chủ tịch BCA: Muốn làm nghề huấn luyện, bạn phải có ‘đủ giờ bay’

Quỳnh Như - 14:01, 20/03/2019

TheLEADERHiện tại, có nhiều người, chỉ qua một đêm, đã ‘tự phong’ mình là huấn luyện (coaching). Với Chủ tịch BCA, để trở thành một coaching chuyên nghiệp, bạn phải trải qua quá trình rèn luyện, “phải đủ giờ bay”.

Chủ tịch BCA: Muốn làm nghề huấn luyện, bạn phải có ‘đủ giờ bay’
Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch BCA Corp.

Ông Hồ Quang Minh – Chủ tịch Business Coaching Asia (BCA Corp.) là một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực kết nối và huấn luyện doanh nghiệp. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã không ngừng nghỉ mang về Việt Nam nhiều chương trình cũng như thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm thực hiện sứ mệnh “tăng cường năng lực doanh nhân Việt”.

Cách đây gần 10 năm, ông cùng một vài người bạn đã đưa mô hình kết nối doanh nghiệp – tạo cơ hội kinh doanh, nổi tiếng toàn cầu BNI về Việt Nam. Hiện tại, BNI có gần 3.000 thành viên và hoạt động rộng khắp cả nước.

Cách đây 5 năm, ông thành lập thêm công ty BCA và lần lượt nhận quyền cao cấp của ActionCOACH cùng Engage & Grow – hai thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực huấn luyện kinh doanh – coaching busniness, để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt toàn diện hơn.

Là một người đi tiên phong trong nghề coaching, ông Hồ Quang Minh có rất nhiều trăn trở với nghề khi nó đang ngày càng trở nên ‘hot’ và bị nhiều người lạm dụng.

Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề coaching kinh doanh?

Ông Hồ Quang Minh: Hồi trẻ, tôi từng làm cho công ty nhà nước trong 10 năm, ở lĩnh vực kinh doanh vận tải quốc tế; cho nên, tôi quen biết với rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới, từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…

Nhờ đó, tôi may mắn biết đến mô hình Business Network International (BNI) – mạng lưới kết nối kinh doanh quốc tế và đưa về Việt Nam trong cách đây khoảng 10 năm.

Cũng trong quá trình gầy dựng và phát triển BNI Việt Nam, tôi được làm quen với ActionCOACH – Top 50 thương hiệu huấn luyện doanh nghiệp thế giới và thấy mô hình này cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ - vừa Việt Nam, nên đã đưa BNI Việt Nam tham gia vào cộng đồng này. Và, tôi bắt đầu nghề coaching cũng từ đó.

Ông thấy nghề coaching ở Việt Nam hiện đang như thế nào? Điểm khác biệt giữa business coaching với nghề training, mentoring… ?

Ông Hồ Quang Minh: Đầu tiên, tôi sẽ điểm qua một chút về nghề coaching. Coaching nôm na là nghề vừa đào tạo, vừa tư vấn, vừa hướng dẫn để giúp các tổ chức hoặc cá nhân tự đạt đến mục tiêu mà họ mong muốn. Trong nghề coaching, ngoài coaching về kinh tế, thì còn có coaching về cuộc sống, thể thao, nghề nghiệp, sức khỏe…

Trong coaching kinh tế, có coaching business – huấn luyện kinh doanh , dành cho chủ doanh nghiệp và điều hành cao cấp, executive coaching – huấn luyện điều hành, dành cho lãnh đạo cao cấp chuyên về quản trị và đo lường hiệu quả cho những người lãnh đạo trong các doanh nghiệp (không phải ông chủ).

Nghề coaching là một nghề quan trọng trên thế giới, nhưng nó lan truyền qua châu Á hơi chậm. Tại Việt Nam, nghề coaching chỉ manh nha trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, rất ít người Việt Nam biết tới nghề coaching. Tức là chúng tôi – những người làm coaching chuyên nghiệp, còn một quãng đường dài phải đi.

Khi tôi đưa nghề này về Việt Nam cách đây khoảng 5 năm, người ta không hiểu business coaching là gì, người ta nhầm với training – đào tạo, consulting – tư vấn và mentoring – cố vấn.

Trong business coaching của chương trình ActionCOACH, có tái đào tạo lại một cách có hệ thống những kiến thức mà các chủ doanh nghiệp học ở đâu đó cũng như có chia sẻ kinh nghiệm hay tư vấn một chút; tuy nhiên, hoạt động xuyên suốt vẫn là để các chủ doanh nghiệp cùng làm với các coaching, rồi để chủ doanh nghiệp đưa ra chiến lược – giải pháp cho chính họ và chủ doanh nghiệp sẽ sở hữu những giải pháp đó.

Coaching sẽ giúp các chủ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó một cách triệt để, đến mức trở thành thói quen và ra được kết quả đều đặn tốt hơn.

Chúng ta không nói những khóa học kinh doanh ngắn ngày không tốt, nhưng rõ ràng, tác động của nó lại không được toàn diện như coaching. Vậy tại sao trong khi các khóa học ngắn ngày nở rộ trên khắp Việt Nam, thì các chương trình coaching lại ít được nhiều người biết đến?

Ông Hồ Quang Minh: Theo tôi, sở dĩ, có thực trạng như chị nêu là bởi những ảnh hưởng của lịch sử. Trong quá khứ, đất nước chúng ta luôn gặp khó khăn, nên người dân thường hay có xu hướng thủng đâu vá đó, mà ít có suy nghĩ phải sửa chữa một cách toàn diện. Như khi đi trên đường, nếu kẹt xe quá, sẽ không ít người Việt Nam chọn lựa leo lên lề đường để di chuyển. Đây là văn hóa địa phương, chúng ta phải chấp nhận.

Mặc dù, tại Việt Nam, nghề coaching vẫn được trả thấp hơn so với thế giới, nhưng chúng tôi cũng không thể đưa ra mức giá 15 triệu đồng học trong 6 tháng. Mức phí phải trả khá cao cũng khiến lĩnh vực coaching lép vế tại Việt Nam so với các mô hình kinh doanh khác.

Thế nên, tôi luôn nói với chính mình và cả các bạn đang làm huấn luyện viên - coach trong BCA lẫn bên ngoài: muốn nghề coaching được cả nước công nhận và tôn trọng, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi; bởi tôi tin, đến một ngày nào đó, khi mức sống của Việt Nam cao hơn và các chủ doanh nghiệp khôn ngoan hơn, biết cân đo đong đếm để lựa chọn cái nào tốt hơn, coaching sẽ trở nên phổ biến.

Trong quá trình vận hành ActionCOACH, ông đã làm cách nào để có thể vừa tuân thủ các quy tắc của mô hình quốc tế vừa phù hợp với văn hóa Việt Nam? Khó khăn nhất là gì?

Ông Hồ Quang Minh: Với 25 năm hình thành và phát triển, hệ thống toàn cầu ActionCOACH đã được sửa chữa và thay đổi nhiều lần để có thể tương thích với doanh nghiệp của tất cả các nước trên thế giới. Thế nên, tôi có thể khẳng định, ActionCOACH rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề văn hóa và con người lại khác.

Khi đưa ActionCOACH về Việt Nam, ngoài áp lực về nguồn vốn đầu tư vào thương hiệu, chuyện giáo dục thị trường; điều khiến tôi đau đầu nhất chính là việc các chủ doanh nghiệp không tuân thủ tiến độ và kỳ vọng không thực tế vào hệ thống.

Ví dụ, trong hệ thống ActionCOACH có nguyên tắc rèn luyện là các chủ doanh nghiệp phải dành ra bao nhiêu thời gian đọc sách trong 1 tuần rồi truyền đạt lại kiến thức cho nhân viên, nhưng có chủ doanh nghiệp đọc nửa chừng vì bận việc không đọc nữa, có người thì vì bận bịu quá nên quên mất… Đây là câu chuyện mà nhiều coaching gặp phải trong quá trình làm việc.

Hồi đầu, chúng tôi cũng đã nghiêm khắc yêu cầu tất cả các chủ doanh nghiệp phải tuân thủ triệt để yêu cầu đó, nhưng qua thời gian chúng tôi nghiệm ra rằng, nếu chúng tôi cứ giữ nguyên tắc cứng nhắc như các nước khác, thì chẳng doanh nghiệp Việt nào có thể hoàn thành được chương trình ActionCOACH.

Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam thường muốn thành công nhanh khi dùng hệ thống. Nhưng làm gì có chuyện thành công đến sau 1 đêm! Với chương trình ActionCOACH, ít nhất phải sau một năm thì mới có thể thấy được thành quả.

Để các chương trình huấn luyện kinh doanh có thể thành công ở Việt Nam, giới coaching Việt phải hiểu là, với thực trạng văn hóa và con người Việt Nam, tiến trình của chúng ta sẽ phải chậm hơn thế giới một chút. Về phần các doanh nghiệp, họ cần phải nâng cao tính kỷ luật - hãy cố gắng tuân thủ hệ thống cũng như kiên nhẫn hơn thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nhiều người cho rằng, để trở thành một huấn luyện viên giỏi trước hết phải là một doanh nhân thành đạt, ông có nghĩ như thế?

Ông Hồ Quang Minh: Điều này không chính xác. Có những huấn luyện viên nổi tiếng thế giới, trước kia làm kinh doanh, doanh nghiệp của họ đã bị đóng cửa! Hiện nay, có không ít bạn trẻ mới 24 đến 25 tuổi đã trở thành những huấn luyện viên xuất sắc của thế giới. Tôi đã gần 50, nhưng tôi cũng có những nhà huấn luyện riêng mới 28 tuổi - 29 tuổi. Chỉ cần học được phương pháp và có năng khiếu, bạn sẽ thành công trong nghề coaching.

Ngược lại, có không ít doanh nhân thành đạt không thể làm coaching. Làm coaching và điều hành một doanh nghiệp rất khác. Nếu một người giỏi kinh doanh nhưng quá mạnh mẽ và nóng tính, hay áp đặt ý kiến của mình thì không thể làm nghề coaching được.

Với những diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, có vẻ nghề coaching đang dần được nhiều người ưa chuộng. Là một người đi trước, ông có nhắn gửi gì với các bạn trẻ đang bắt đầu lần mò với nghề coaching?

Ông Hồ Quang Minh: Quả thật, tôi đang nhức đầu về vấn đề này. Điều tôi muốn nhắn gửi với các hậu bối, muốn làm nghề coaching, bạn phải có cái tâm lớn và lòng đam mê rất rộng; đặc biệt, hãy là một người chính trực khi chúng ta sử dụng các công cụ và hệ thống coaching.

Bạn phải chuẩn bị thật nhiều hành trang cho mình trước khi chính thức bước vào nghề: đó là nghiêm túc học hành để trang bị thêm nhiều kiến thức, phải học cách lắng nghe để có thể làm việc với các doanh nghiệp, hiểu rõ nghề coaching – tôn trọng những chuẩn mực trong nghề nghiệp.

Hiện tại, tôi thấy không ít bạn trẻ, chỉ qua một đêm, đã ‘tự phong’ mình là coaching. Trước khi trở thành coaching bạn phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài, tôi hay ví von, nghề coaching như nghề phi công, phải khi đủ giờ bay bạn mới được phép trở thành phi công chính thức.

Cảm ơn ông!