Chủ tịch Hội đồng kinh doanh APEC: "Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính"

Nguyễn Lê - 18:19, 09/10/2017

TheLEADERHội đồng Tư vấn kinh doanh APEC rất quan tâm đến việc đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính.

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh APEC: "Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính"
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Ảnh Doanhnghiepvn

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tại họp báo thông báo về các sự kiện của doanh nghiệp trong tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban thư ký Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Việt Nam 2017 tổ chức. 

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), báo cáo của cộng đồng doanh nghiệp khu vực APEC trình lên Chủ tịch nước bao gồm 20 khuyến nghị nhằm hướng tới một khu vực APEC mở cửa và hội nhập hơn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và mang lại lợi ích cho tất cả cộng đồng khu vực.

Với phương châm cởi mở, bao trùm và sáng tạo, ABAC đã xây dựng Báo cáo 2017 và đưa ra các khuyến nghị hướng tới một khu vực APEC mở cửa và hội nhập hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, và mang lại lợi ích cho tất cả cộng đồng khu vực. Báo cáo đưa ra 3 nhóm khuyến nghị chính. 

Đề cập đến nhóm thứ nhất, liên quan đến hội nhập kinh tế trong khu vực, ông Dũng cho biết, ABAC ủng hộ việc tham gia WTO và ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tiếp tục thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đối với vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, khuyến nghị đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. 

Về nhóm vấn đề thứ hai, kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người, theo Chủ tịch ABAC, việc tập trung nâng cao kết nối kỹ thuật số và Internet, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối và có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

"ABAC rất quan tâm đến việc đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính", ông Dũng cho biết.

Trong báo cáo, ABAC đề nghị các nhà lãnh đạo ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật số, khuyến khích cải cách tiếp cận của hệ thống giáo dục nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai. Thông qua việc phát triển công nghệ số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) sẽ có thể tăng cường sự tham gia vào thị trường toàn cầu.

Đặc biệt, Chủ tịch ABAC có đề cập đến việc tiếp tục phát triển thẻ đi lại cho doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương.

"Hiện nay trong khu vực có tổng cộng 150.000 thẻ đi lại dành cho doanh nghiệp với sự tham gia của 19 nền kinh tế. Chương trình này tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình di chuyển. Chúng tôi đang đề nghị tăng thời gian sử dụng lên 5 năm, từ 3 năm như hiện nay và đề nghị hai nước còn lại là Mỹ và Mexico cũng tham gia vào chương trình này", ông Dũng cho biết.

Về vấn đề "Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế", ông Dũng cho biết, ABAC khuyến nghị đảm bảo an ninh năng lượng, tăng cường an ninh lương thực, tìm kiếm các giải pháp đối với các rào cản phi thuế quan trong thương mại lương thực, tăng cường sự tham gia đối thoại chiến lược trong khu vực tư nhân, nhằm nâng cao hiểu biết về bối cảnh kinh tế đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy lực lượng lao động năng suất cao, xây dựng một đội ngũ lao động có sức khỏe và kỹ năng tốt, tăng cường việc di chuyển lực lượng lao động chất lượng cao.

Đặc biệt, nên tăng cường hợp tác công - tư, nguồn vốn và những kinh nghiệm của khu vực tư nhân sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo vị chủ tịch ABAC, hội đồng khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Có thể nói, cũng như Việt Nam, 97% các doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương là các doanh nghiệp nhỏ. Do vậy, ABAC khuyến nghị các nền kinh tế tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho khối doanh nghiệp này, giúp họ tiếp cận các thị trường quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ABAC còn ưu tiên việc tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động kinh tế, hướng tới phát triển bền vững đổi mới và bao trùm cho cộng đồng APEC.