Chúng ta kinh doanh để làm gì?

Trần Xuân Hải - CEO Missionizer - 13:27, 26/03/2019

TheLEADERRất hiếm người nhìn thấy được sức mạnh không thể cưỡng nổi khi đội nhóm khát khao mạnh mẽ, được trao quyền, có năng lực sáng tạo, biết tạo ra những giá trị mới liên tục để tất cả cùng hưởng thành quả.

Chuyện thứ nhất

Trong các lớp huấn luyện, tôi thường kể câu chuyện về ngân hàng V, khi tôi đăng ký dịch vụ sử dụng tài khoản online cho doanh nghiệp của mình, tôi được cô nhân viên xinh đẹp dễ thương thông báo rằng do quy định tại ngân hàng, tôi không thể đăng ký dịch vụ này với số điện thoại của tôi đang có. Lý do: Số điện thoại này đã được đăng ký cho tài khoản cá nhân của tôi, nên không thể đăng ký cho tài khoản mới.

Rất nhẹ nhàng, tôi hỏi cô ấy: Nếu ngày mai anh đăng ký mở ra mười doanh nghiệp, anh phải nhét mười cái điện thoại vào túi quần như thế nào em nhỉ? Nghe đâu, sau hơn một năm, quy định này đã được thông báo bỏ! Cô gái ấy nhắn tin cho tôi.

Chuyện thứ hai

Trong một doanh nghiệp đã lỗ liên tục bốn năm từ 1997 đến 2000, vào năm 2001 cuộc họp giữa đại điện chủ doanh nghiệp và công đoàn đại diện nhân viên đang diễn ra căng thẳng. Công đoàn đưa ra một đề nghị và phía chủ doanh nghiệp từ chối. 

Hẳn vào lúc này, bạn đang đoán đại diện của nhân viên đang đề nghị tăng lương và bị phía bên kia từ chối. Bạn sai. Thực tế đại diện nhân viên đã đề nghị được giảm lương 10% và họ đang bị từ chối.

Cuộc họp tranh luận rất căng thẳng và mãi sau mới đi đến sự đồng thuận cho việc giảm lương hai năm, và sau đó sẽ lên lại lương từ từ trong hai năm kế tiếp. Câu chuyện có thật này diễn ra ở khách sạn Associa Nagoya Terminal - một khách sạn tầm trung tại Nhật Bản. Khách sạn này sau đó nhiều năm liền phát triển mạnh mẽ và có lãi.

Chúng ta làm kinh doanh để làm gì?
Tác giả Trần Xuân Hải.

Phần lớn các chủ doanh nghiệp thành lập công ty ban đầu chỉ vì họ thấy có cơ hội để làm giàu. Họ nhìn thấy một khoảng trống trên thị trường chưa được khai thác, một nhu cầu chưa được phục vụ và họ nhảy vào.

Khi công ty phát triển, họ mới nhận ra rất nhiều điều họ chưa có như hệ thống có những bộ phận ra sao, mục tiêu chức năng gì, quy tắc tương tác như thế nào. Lúc đó công việc trở nên vô cùng phức tạp và rối rắm. Chi phí cao, phát triển chậm so với kỳ vọng của mọi người.

Mọi người lao vào sửa cách làm. Chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Người này sửa một chút cách ra mục tiêu cho đội nhóm. Người kia sửa một chút cách đô lường hiệu quả. Người khác sửa một chút cách thưởng.

Cách làm ngày một phức tạp và rối rắm hơn. Hiệu quả tính trên số lượng người và các nguồn lực huy động ngày một thấp. Một số người trả giá bằng sức khỏe, bằng sự rạn nứt trong gia đình. Gia đình ly tán, sức mạnh của doanh nghiệp suy yếu.

Một số người tìm cách dùng chiêu thức bẩn để dìm đối thủ hoặc tìm cách dẹp bỏ những người có thể cản đường họ. Những câu chuyện gia đình tỷ phú ly tán, giàu có nhưng khách hàng biểu tình phản đối vì sản phẩm không như ý, nhân viên được trả lương cao nhưng không hạnh phúc và cảm thấy mình bị bóc lột thậm tệ.

Doanh nghiệp lớn về quy mô, về tiền, nhưng chưa hẳn những người tham gia vào nó cảm thấy hạnh phúc, an toàn. Họ có thể đã và đang sống trong sợ hãi, đau đớn triền miên. Cả với những cấp cao nhất, nỗi sợ hãi và đau đớn này dường như đã trở nên quen thuộc tới mức mọi người chia sẻ phổ biến niềm tin những người quản lý cấp cao sẽ càng trở nên cô đơn. Lên cao, chỉ còn gió lạnh - họ thường nói vậy.

Hiếm người nhận ra được sự rối rắm, chi phí cao, hiệu quả thấp, phát triển chậm, của doanh nghiệp mình và sự cô đơn, sự sợ hãi trong lòng lại bắt nguồn từ câu hỏi tường chừng ai cũng trả lời được: Chúng ta sống và kinh doanh để làm gì?

Sẽ có người trả lời rất nhanh - TIỀN. Nếu câu trả lời của bạn chỉ là tiền, nhân viên của bạn cũng sẽ đến với bạn chỉ vì tiền, bạn tìm mọi cách để kiếm tiền từ họ, và rất dễ xác suất cao là họ cũng tìm mọi cách để kiếm tiền từ bạn. Hai bên dòm ngó nhau, chơi chiêu với nhau, tìm mọi cách để trục lợi từ nhau.

Câu chuyện thứ nhất của tôi cũng bắt nguồn từ quan điểm có lợi cho chính mình và chẳng thèm quan tâm đến người khác.

Khi các bộ phận chỉ quan tâm đến tiền và quyền lợi của chính mình, họ có biết quan tâm đến những người khác và hỗ trợ, phối hợp với người khác để tạo ra những kết quả mới, vượt trội so với trước. Nếu có thì cũng quá hiếm. Bạn và họ có còn nhiều thời gian để tạo ra sản phẩm vượt trội, dịch vụ vượt trội và những trải nghiệm không bao giờ quên cho khách hàng? Và những gì chúng ta tạo ra cho mọi người có thực sự là những điều có ích, mọi người khát khao?

Tôi tin rằng, nếu chỉ dùng tiền làm thước đo và mục đích phát triển duy nhất, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm có hại sức khỏe, gây hại đến những người khác, doanh nghiệp khác, hoặc gây hại cho gia đình mình.

Càng sợ hãi vì khả năng có thể bị mất lợi ích, các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp càng đẻ thêm nhiều phòng ban kiểm tra lẫn nhau, càng gây rối, chậm cho hệ thống, càng không minh bạch, hiệu quả và càng khó thay đổi. Sự sợ hãi càng lan rộng và nỗi đau tăng thêm.

Tiền chắc chắn phải là một thước đo để quản lý, kinh doanh hiệu quả. Nhưng nó không nên là thước đo và mục đích duy nhất của việc doanh nghiệp tồn tại. Cách nhìn này gây nhiều độc hại cho tất cả mọi người, mọi nhóm đối tượng liên quan tham gia doanh nghiệp bao gồm chủ doanh nghiệp, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp...

Tôi cho rằng chúng ta cần tìm câu trả lời ở nơi khó tới hơn - trong lòng mình, dưới đáy trái tim mình. Chúng ta tạo ra doanh nghiệp để giúp mọi người cùng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu chuyện thứ hai và hàng chục, hàng trăm câu chuyện khác tương tự mà tôi có thể kể cho bạn, đang hình thành được một hướng đi mới, một xu thế mới, một hệ tư tưởng mới về quản lý, kinh doanh.

Hệ tư tưởng mới tập trung vào ý nghĩa của công việc, vào việc từng người tại từng vị trí nhận ra doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa với xã hội, và vì thế nhiệm vụ và vị trí của mình thực sự có ý nghĩa với thế giới. 

Họ nhận được tiền dựa trên năng lực của họ đem lại những gì cho mọi người. Tất cả mọi người đều có ý nghĩa trong tổ chức. Mọi người đều gắn kết vì các mục tiêu chung. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhường nhịn, và chuyển đổi bản thân để trở nên khéo léo hơn, giỏi giang hơn trong công việc của mình đang làm. Họ muốn trở nên có ý nghĩa hơn với người khác.

Họ nhận ra rằng, hạnh phúc thật đơn giản bắt nguồn từ việc ngủ dậy thấy việc đi đến công ty làm việc có ý nghĩa ra sao, và những mối quan hệ trong công việc với đồng nghiệp, khách hàng hay các đối tác khác cũng ngày một tốt đẹp và ý nghĩa. Đi làm thật là vui.

Tiền ở đâu họ cũng có thể có thu nhập tương tự, hoặc thậm chí cao hơn. Nhưng thật hiếm nơi giúp họ sống hết mình, học cách tự chủ - biết kiểm soát chính mình, học cách tự quản - biết điều chỉnh để công việc của mình hoàn thành, học cách tự luyện - liên tục học và vươn lên cùng đồng đội. Con người đối xử với nhau không còn phân biệt cấp trên cấp dưới mà là như người với người, như một ngôi làng mà mọi người đều quan tâm và yêu quý lẫn nhau.

Do mục đích không chỉ là lợi nhuận mà là đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, tại các tổ chức này, mọi người được khuyến khích thử nghiệm các phương thức, cách làm mới mới tốt hơn mà không sợ hãi thất bại bị trừng phạt. Đội nhóm càng mạnh mẽ, họ càng được trao quyền và thử nghiệm mạnh mẽ hơn.

Xã hội thay đổi, cách làm càng cần thay đổi nhanh hơn, hiệu quả hơn. Rất hiếm người nhìn thấy được sức mạnh không thể cưỡng nổi của hệ tư tưởng mới này - tôi hay gọi là Siêu Mỏ Vàng - khi đội nhóm khát khao mạnh mẽ, được trao quyền, có năng lực sáng tạo, biết tạo ra những giá trị mới liên tục để tất cả cùng hưởng thành quả. Khách hàng hưởng lợi, nhân viên, chủ doanh nghiệp, nhà cung cấp và những đối tác khác cũng vậy.

Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: Chúng ta tồn tại, kinh doanh vì điều gì?

Tôi mong được nghe bạn trả lời.