Chuyên gia hiến kế thu hút vốn ngoại vào dự án điện sạch

Ngọc Mỹ - 09:51, 14/03/2019

TheLEADERNhững dự án điện thành công từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam như là mảnh đất màu mỡ, nhiều cơ hội, dẫu vậy điều này vẫn không xua tan những hoài nghi về mục tiêu phát triển điện từ nguồn năng lượng này của Chính phủ.

Chuyên gia hiến kế thu hút vốn ngoại vào dự án điện sạch
Những dự án điện gió ngoài khơi quy mô hàng nghìn MW đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá về phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Ảnh minh họa

Từ chuyện hồi sinh thủy điện Cốc San

Mặc dù chỉ là một dự án quy mô nhỏ nhưng câu chuyện hồi sinh nhà máy thủy điện Cốc San (Lào Cai) có thể coi là một ví dụ điển hình về vai trò quan trọng của nhà đầu tư ngoại cùng dòng vốn tư nhân trong phát triển các dự án điện. 

Nhà máy thủy điện Cốc San (Lào Cai) công suất 29,7MW, tổng đầu tư 1.130 tỷ đồng được khởi công năm 2010 nhưng do không thể vay vốn dài hạn nên CTCP Năng lượng tái tạo Lào Cai Việt Nam (LCRE) đã phải tạm dừng dự án chỉ sau một năm khởi động. Nhận thấy dự án này vẫn còn nhiều tiềm năng, năm 2012, InfraCo Asia đã rót vốn mua cổ phần của LCRE thông qua công ty con Viet Hydro Pte Ltd.

Ông Allard Nooy, Giám đốc điều hành Công ty cơ sở hạ tầng Á Châu (InfraCo Asia) cho biết, tại thời điểm đó, công ty đã thực hiện một loạt hành động nhằm hồi sinh dự án như đảm bảo khoản nợ dài hạn không truy đòi trị giá 23 triệu USD và cam kết đầu tư vốn cổ phần bổ sung từ cổ đông hiện hữu để đưa dự án đến các thỏa thuận tài chính.

Sau khi khởi động lại dự án, công ty đã ký thoả thuận mua bán điện PPA chuẩn hoá 20 năm với Tổng công ty điện lực miền Bắc. Giữa năm 2014, khi dự án đang trong giai đoạn cao trào để đạt được thỏa thuận tài chính, cơ quan quản lý điều chỉnh giá điện khiến cho các thỏa thuận này gặp rủi ro khó thực hiện. Một lần nữa, dự án lại đứng trước khó khăn, InfraCo Asia đã giải quyết thành công vấn đề này nhờ huy động nguồn vốn từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Công ty tài chính quốc tế (IFC) và một số quỹ tài trợ khác.

Tháng 4/2016, Cốc San tham gia phát điện thương mại và đạt 100% mục tiêu sản xuất vào cuối năm. Dự án cung cấp điện cho khoảng 130.000 hộ dân, giảm thiểu 76.000 tấn khí thải các-bon mỗi năm và tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.

"Chúng tôi liên tục nhận được sự hỗ trợ sát sao từ Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng như các cấp chính quyền địa phương. Điều này tạo nên tác động lan toả đến các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng như tạo môi trường tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chính điều này đã là cúc hích, là sự bảo lãnh gián tiếp giúp liên doanh đầu tư này ký được những hợp đồng vay vốn tín dụng đảm bảo phát triển dự án từ một ngân hàng trong nước và một ngân hàng nước ngoài", ông Allard Nooy cho biết.

Chuyên gia hiến kế thu hút vốn ngoại vào các dự án điện sạch
Ông Allard Nooy, Giám đốc điều hành Công ty cơ sở hạ tầng Á Châu (InfraCo Asia)

Tuy nhiên, điều khiến ông Allard Nooy ấn tượng nhất trong quá trình hồi sinh dự án Cốc San là sự phối hợp hài hoà của các cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam thúc đẩy cấp giấy phép để dự án nhanh chóng đi vào sản xuất, vận hành, đặc biệt là đối tác Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã nhanh chóng ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) đảm bảo sẽ không có thay đổi giá điện trong 20 năm. Đây là sự đảm bảo sự ổn định trong dài hạn rất tốt cho các chủ đầu tư những dự án nhà máy điện độc lập như Cốc San.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc InfraCo Asia hồi sinh thủy điện Cốc San đã cho thấy rõ năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đưa những dự án rủi ro về tài chính trở nên hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư tư nhân trong lĩnh vực phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Những thách thức về vốn, chính sách

Nhận định về vấn đề huy động vốn, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần có nghiên cứu sâu hơn để có cách thức đột phá, xóa được rào cản và tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế thông qua các bảo lãnh, tín dụng để thu xếp được vốn cho các dự án về năng lượng tái tạo. 

Thông tin tại một hội nghị quốc tế về phát triển NLTT do Đại sứ quán Anh Quốc vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ: "Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ một loạt cơ chế ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trong lĩnh vưc điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối,...Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác gồm ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu".

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt cho thấy công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng 83.000 MW từ nay tới năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay, dựa trên kịch bản đưa ra của nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao 6,5 - 7,5%/năm và nhu cầu điện năng tăng trên 10% phục vụ phát triển nền kinh tế.

Theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050, tương ứng với lượng điện sản xuất ở mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Chiến lược dựa trên mức phân tích nguồn NLTT dồi dào có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học,...

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những băn khoăn và hoài nghi từ các chuyên gia trong và ngoài nước về mục tiêu phát triển tỉ trọng phát triển NLTT và những bất cập, thách thức bủa vây việc phát triển nguồn năng lượng này như: Chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về NLTT chưa sẵn sàng,...

Bà Linh Doan, cố vấn pháp luật Công ty Luật quốc tế Watson Farley & Williams LLP nhìn nhận: "Việt Nam đã thành công trong việc tăng mức đầu tư nước ngoài đáng kể vào các dự án điện thông thường, phần lớn vì các dự án điện này đã được thực hiện bởi sự bảo lãnh mức độ cao của Chính phủ. 

Trong khi đó, các dự án NLTT không nhận được lợi ích từ các thoả thuận nhượng bộ, bảo lãnh Chính phủ hoặc bảo vệ chuyển đổi tiền tệ. Đặc biệt, với các trang trại gió lớn ngoài khơi, các nhà cho vay quốc tế sẽ mong đợi sự phân bổ rủi ro tương tự như cho các dự án điện thông thường.

Các chủ đầu tư vào dự án NLTT ở mức quy mô lớn cần phải vay vốn tín dụng, với cơ chế hiện nay những dự án lớn (NLTT) sản xuất lượng điện công suất ở mức 1.000 - 3.000 MW triển khai ngoài khơi sẽ rất khó để huy động sự tham gia tín dụng từ các ngân hàng quốc tế và trong nước.

Bên cạnh đó, mẫu hợp đồng mua bán điện tiêu chuẩn "nhẹ hơn thoả thuận PPA đối với nguồn điện thông thường", cách đơn giản nhất để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài là chuyển một số bộ phận nhất định của ngành điện thông thường sang thị trường NLTT nơi Chính phủ đã quen thuộc. Một khuôn khổ như vậy sẽ giúp thu hút nhiều hơn vốn quốc tế vào các dự án điện".

Bà Linh Doan đưa ra bảy giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án điện gồm: tạo ra môi trường điện NLTT cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài tương quan so với các nước trong khu vực; một cam kết chính trị rõ ràng, minh bạch, ít quan liêu giấy tờ, đảm bảo ổn định; không nghẽn mạch lưới điện kết nối; thực hiện kịp thời cơ chế chính sách giá điện hỗ trợ FIT (là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ); đảm bảo một hệ thống chính phủ ổn định và một mức xếp hạng tín dụng của Tập đoàn điện lực EVN bền vững.

"EVN hiện được xếp hạng tín dụng tương tự như xếp hạng chủ quyền của Việt Nam. Không có bảo lãnh Chính phủ được cung cấp theo hợp đồng mua điện PPA tiêu chuẩn của năng lượng mặt trời hoặc gió, sự xứng đáng tin cậy của EVN trở thành một yếu tố quyết định quan trọng đối với người cho vay khi xem xét khả năng thanh toán của PPA với EVN", bà Linh Doan khẳng định.

Chia sẻ với 30 doanh nghiệp năng lượng đến từ Anh quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng thừa nhận những khó khăn và thách thức trên đối với những con số mục tiêu tham vọng của ngành điện. 

Chuyên gia hiến kế thu hút vốn ngoại vào các dự án điện sạch 1
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương

Ông Hưng cho biết, trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết các bất cập này. Những chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể mà Chính phủ Việt Nam ban hành và áp dụng gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển NLTT tại Việt Nam. 

Đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW, 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua điện PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.

Nhìn nhận con số này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vẫn băn khoăn vì số lượng dự án NLTT đi vào vận hành, đấu nối lưới điện quốc gia vẫn còn quá thấp và quy mô còn nhỏ bé, cần đợi thời gian để nhìn nhận và xem xét.

Và chỉ có xua tan những hoài nghi, thu hút đầu tư nước ngoài vào những dự án điện sử dụng NLTT quy mô lớn mới có thể hiện thực hoá hoài bão, mục tiêu của Chính phủ thu hút đầu tư chất lượng cao, hướng đến phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu các-bon tại Việt Nam.