Cơ hội bứt phá

Trương Kim - 09:00, 25/01/2020

TheLEADERNgười Việt Nam có tính sáng tạo rất cao từ điều kiện sống khó khăn, cộng thêm sự linh hoạt khi xoay sở trong thị trường, nhưng lại bị giới hạn bởi sự bảo thủ, rụt rè, chưa kịp nghĩ tới đã nghĩ lui.

Một “luật chơi” rõ ràng trong môi trường kinh doanh giúp cho người chơi tự tin, đồng thời dám tin đối tác, dám tin vào sự công minh của pháp luật. Đó là cái “vốn xã hội”, cái vốn lớn nhất và trọng yếu quyết định sức mạnh kinh tế và mức độ phát triển của một xã hội, quốc gia. Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương chia sẻ những kỳ vọng về con đường Việt Nam sẽ đi trong thập kỷ tới.

Việt Nam giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 là câu chuyện về một quốc gia từ trẻ trung đến trưởng thành, từ lượng chuyển thành chất, điều đó đang đặt ra những thách thức mới nào cho nền kinh tế, thưa ông?

Cơ hội bứt phá
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Muốn dự đoán về tương lai của Việt Nam thì cần nhận định cho đúng vị trí của chúng ta ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc không còn là nơi đầu tư hấp dẫn nữa. Việt Nam trên bề nổi đang là điểm đến lý tưởng, với điều kiện đầu tư hấp dẫn như: chính trị ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao (gần nhất thế giới). Vậy tại sao các nhà đầu tư tài chính thế giới, đặc biệt là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tài chính lớn ở Châu Âu và Nhật Bản, có rất nhiều tiền nhưng lại không đổ vào Việt Nam? Vì tính pháp lý của đất đai ở Việt Nam không rõ ràng. Phần lớn đất đai từ dự án lớn đến cá nhân đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, không biết khi nào mới được giải quyết xong.

Cho nên, ưu tiên số 1 là khung pháp lý đất đai phải hợp lý hơn, theo chuẩn quốc tế, có tính tiên liệu cao thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư lớn từ bên ngoài để cung cấp năng lực cho sự phát triển của đất nước. Vì đầu tư vào đâu cũng liên quan đến đất đai. Tất cả các nhà đầu tư đều muốn được giải ngân nhanh từ 6 tháng đến 1 năm, trong khi hệ thống luật pháp hiện thời không biết dự án sẽ giải ngân được khi nào? Họ có nhu cầu giải ngân hàng tỷ đô mà các dự án hạ tầng mình đang cần thì quá phức tạp họ không thể nào tham gia được.

Thứ hai là chuyện của doanh nghiệp Việt Nam. Ở kỷ nguyên mới này, trí tuệ quyết định sự phát triển, thậm chí còn cao hơn cả vốn. Vì vậy, khi kết nối với bên ngoài, doanh nghiệp phải nghĩ đến những mối quan tâm khác ngoài vốn như: công nghệ, tư duy phát triển công nghệ cứng và mềm. Vì công nghệ mềm giúp chúng ta biết cách sử dụng công nghệ cứng gì để có hiệu quả tối ưu. Muốn như vậy, doanh nghiệp phải bắt đầu bằng tư duy liên tục cải tiến. Đó là trách nhiệm của bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), phải liên tục trăn trở làm sao ngày mai làm tốt hơn hôm nay, không theo lối mòn quá khứ.

Với tư duy cải tiến liên tục, doanh nghiệp không phải xác định đối tượng cạnh tranh trong nước là ai nữa, mà phải nỗ lực cạnh tranh với chính mình, tìm hiểu xem ai trên thế giới đang làm chuyện này tốt hơn mình đang làm? Ai trên thế giới có cái gì mình có thể mượn hoặc mua để làm tốt hơn cách của mình đang làm?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Nhờ tiến bộ khoa học “cào bằng” sân chơi bằng công nghệ thông tin, doanh nghiệp trong nước hiện nay có khả năng tiếp cận với trí tuệ thế giới thật dễ dàng. Yếu tố con người hiện cũng không thiếu, đó là lực lượng nhân sự được đào tạo đẳng cấp quốc tế từ trong nước, từ nước ngoài về, thậm chí lực lượng Việt kiều sẵn sàng tham gia vào sân chơi trong nước.

Muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp thế giới, đầu tiên hết phải cạnh tranh được với trí tuệ của họ, để có được ý tưởng tốt, cách làm tốt, thì vốn sẽ đến. Trước đây, “tiền đâu là đầu tiên” khi kinh doanh, còn nay, tiền luôn chạy theo ý tưởng kinh doanh tốt, mà ý tưởng là từ con người. Thậm chí các nhà đầu tư còn tranh nhau nhảy vào giúp mình tổ chức kinh doanh để tạo ra kết quả tốt.

Vậy ông đánh giá thế nào về thị trường tài chính, chứng khoán, ngân hàng vào năm 2020?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Nội lực kinh tế sẽ quyết định sự phát triển ổn định của thị trường tài chính, đây là lợi thế cho Việt Nam. Trung Quốc càng ngày càng tự cô lập chính mình, từ công nghệ thông tin, sản xuất, dịch vụ, họ mong muốn tự tạo ra thế giới kinh tế riêng với hơn một tỷ dân, và hy vọng tạo nên sân chơi mới mà thế giới phải theo. Vì vậy mà các doanh nghiệp quốc tế đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, đây là lợi thế cho Việt Nam.

Thời gian gần đây, thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi. Nếu thương chiến này tiếp tục thì cái hại sẽ lớn hơn cái lợi. Thị trường chứng khoán thế giới đang thể hiện điều này, và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư được vào Việt Nam cũng chính vì các nút thắt từ hành lang pháp lý. Nếu gỡ được nút thắt này, Việt Nam mới phát huy nội lực cơ bản, từ đó thị trường chứng khoán và tài chính mới phát triển lành mạnh.

Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có điều kiện thiên thời và nhân hoà tốt như hôm nay, trong điều kiện địa lợi này, nếu Việt Nam không cải thiện pháp lý để thế giới đến được với mình một cách thuận lợi hơn, thì có thể để vuột mất những cơ hội vô giá.

Từ bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam buộc phải thay đổi chính mình như thế nào để vươn lên thành một con rồng châu Á?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Thời gian qua, các báo cáo kinh tế thường đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng lại ít có kế hoạch xây dựng nội lực để đạt được mục tiêu này. Vì vậy, từ các tỉnh thành đến cả nước chỉ đạt 1/3 chỉ tiêu đề ra với kết quả tương đối giới hạn.

Để trở thành con rồng châu Á, điều mà Việt Nam phải thay đổi chính là cơ chế. Kinh doanh đầu tiên phải đảm bảo sự minh bạch, để đảm bảo ai làm gì cũng biết nếu làm đúng thì bao giờ xong và được gì.

Cơ hội bứt phá 1
Nông nghiệp đang có cơ hội rất lớn, đã có đất, có người sản xuất, phải làm sao tận dụng nguồn lực xã hội để có năng suất cao hơn.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của những tập đoàn tư nhân dẫn đầu trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới sự bền vững. Từ sự chuyển hướng của Vingroup qua sản xuất ô tô, FPT chuyên vào công nghệ, Thaco chuyên sản xuất ô tô và nông nghiệp, TTC chuyển qua năng lượng sạch, nông nghiệp sạch...?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Nhiều doanh nghiệp trong nước đã có ý thức phát triển bền vững, dịch chuyển từ tài chính, bất động sản có năng suất lao động thấp nhất sang các ngành sản xuất dịch vụ mang giá trị gia tăng cao. May mắn thời kỳ phát triển công nghệ thông tin có nhiều cơ hội cho các tập đoàn tài chính, bất động sản tập trung vào công nghệ để không cần đầu tư lớn.

Đây cũng là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp trong nước nếu ý thức cuộc chơi từ 10 đến 20 năm tới, chấp nhận thay đổi chính mình để bước vào cuộc chơi này. Cốt lõi của nền kinh tế là sản xuất và tạo ra dịch vụ giá trị bền vững cho xã hội. Đầu tư thông minh là sử dụng những nguồn lực sẵn có để tạo ra giá trị mới. Uber, Grab, Airbnb… đều sử dụng nguồn lực sẵn có trong dân gian để tạo ra dịch vụ sản phẩm mới cho mọi người cùng hưởng.

Nông nghiệp đang có cơ hội rất lớn, đã có đất, có người sản xuất, phải làm sao tận dụng nguồn lực xã hội để có năng suất cao hơn. Nông nghiệp có quy mô lớn mà hiệu suất thấp là cơ hội để nhà đầu tư nhảy vào.

Về định hướng xã hội, nông nghiệp ảnh hưởng đại đa số người dân Việt Nam, tập trung phát triển nông nghiệp là định hướng đúng đắn nhất của Nhà nước, của toàn xã hội.

Ông đánh giá thế nào về phong trào startup (khởi nghiệp) đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, khi số lượng đang đi ngược với chất lượng, và những đổ vỡ gần đây đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Những rủi ro liên quan startup trên thế giới gần như nhau, trong 100 startup chỉ có một vài thành công. Để tạo điều kiện cho những startup thành công và sử dụng được năng lượng sáng tạo thì xã hội phải cùng nhau xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho các startup này.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phải bắt đầu từ đánh giá startup, hỗ trợ họ thành hình và triển khai hiệu quả, từ khả năng điều hành, kêu gọi vốn, kết nối với những đối tác chiến lược khác. Vì một ý tưởng kinh doanh dù tốt đến mấy cũng khó thành công nếu khởi nghiệp một mình.

Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ là không dám hợp tác vì sợ mất ý tưởng và cứ tự ôm ấp xoay sở một mình. Như vậy thì ý tưởng dù hay cách mấy cũng đã chết trong trứng nước. Tại môi trường startup Mỹ, những anh sinh viên như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… hoàn toàn không có khả năng tiếp thị, không có khả năng kinh doanh. Nhưng chỉ cần họ có ý tưởng tiềm năng, thì cả hệ sinh thái xã hội cùng nhau biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Những xã hội tiên tiến như Mỹ có “vốn xã hội” cao, con người tin nhau hợp tác tạo nên một lực cộng hưởng rất lớn. Vốn xã hội là một điều kiện vô hình, phi vật chất của hệ sinh thái quyết định mức độ thành công.

Việt Nam không thiếu ý tưởng, nhưng thiếu hệ sinh thái, thiếu hệ thống pháp lý chuẩn là một phần thiết yếu của hệ sinh thái, khiến cho năng lượng của thế hệ thanh niên hồ hởi muốn khởi nghiệp làm giàu cho chính mình, cho đất nước trở nên uổng phí. Người Việt Nam có tính sáng tạo rất cao từ điều kiện sống khó khăn, cộng thêm sự linh hoạt khi xoay sở trong thị trường, nhưng lại bị giới hạn bởi sự bảo thủ, rụt rè, chưa kịp nghĩ tới đã nghĩ lui. Nếu môi trường kinh doanh minh bạch sẽ giúp người Việt Nam bứt phá, giải phóng sự sáng tạo của chính mình.

Phải chăng điều mà giới trẻ thiếu nhất chính là niềm tin?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Qua những tiếp xúc với thế hệ trẻ, tôi thấy họ dám nghĩ, không bị níu kéo bởi những định kiến của những thế hệ đi trước. Hơn nữa, qua những sinh hoạt, trao đổi với thế giới bên ngoài, họ dần bớt đi mặc cảm tự ti để dám thể hiện bản lĩnh của chính mình, có khả năng đánh giá rủi ro phải đối phó một cách chính xác hơn để khi làm gì có niềm tin hơn. Thế giới đã phẳng hơn 20 năm trước, đó là điều kiện giới trẻ đang tiếp cận thông tin và giao lưu, kết nối với toàn cầu để thực hiện ước mơ của mình.

Năng lượng này đang làm thay đổi văn hoá kinh doanh, văn hoá xã hội theo hướng tích cực hơn. Năng lượng này cũng hàng ngày theo cấp số nhân, mang lại kết quả bất ngờ mà không nhà kinh tế nào có thể tiên đoán được. Vai trò Nhà nước là tạo sân chơi bình đẳng mình bạch để trăm hoa đua nở.

Trong bối cảnh toàn cầu, phẩm chất nào sẽ tạo nên chân dung nhà lãnh đạo kiểu mới?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Điều kiện bất biến là phải sáng suốt, tỉnh táo biết mình đang ở đâu, thế giới xung quanh mình và toàn cầu đang cần gì, tổ chức kinh doanh như thế nào để phù hợp với sự tiến hoá của xã hội và thế giới mới có thể phát triển bền vững.

Cá nhân doanh nghiệp phải tạo ra môi trường làm việc công bằng và minh bạch cho mọi người tham gia. Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới từng nhận xét: “Thế giới đang đi từ chủ nghĩa tư bản tới chủ nghĩa tài năng” (from “capitalism” to “talentism”). Vai trò chủ doanh nghiệp là tạo ra sân chơi minh bạch, công bằng, tài năng được tôn trọng. Chủ doanh nghiệp không khác gì là người quản lý sân chơi. Sân chơi phẳng, luật chơi rõ ràng thì mọi người sẽ đến chơi với anh.

Là người đi nhiều và trải nghiệm nhiều, làm thế nào để ông có thể tạo hạnh phúc cho riêng mình?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Câu hỏi lớn quá và tôi cũng không dám nói là đã biết làm sao tạo hạnh phúc cho riêng mình.

Lúc trẻ tôi thường theo chân những người lớn hơn để học hỏi. Một trong những lời khuyên của một đàn anh mà tôi rất nể phục, làm tôi nhớ mãi và cố gắng thực hành: “Anh cứ nhớ đi đến đâu, hãy cố gắng làm chỗ đó đẹp hơn một chút trước khi rời đi. Gặp ai, hãy cố gắng giúp cuộc sống của họ và gia đình họ tốt hơn trong khả năng của mình. Như vậy anh sẽ thấy cuộc sống rất thú vị, rất vui”. Tôi hỏi thêm “Vui nhưng có giàu không ông?”. Ông trả lời “Đã được vui là phải sung túc rồi đó. Lo gì!”

Cái đạo làm người thường dân hay làm lãnh đạo doanh nghiệp hay quốc gia, Đông - Tây đều gặp nhau một chỗ: Làm gì cũng phải lấy con người làm trọng tâm, phục vụ cho con người, như vậy mới đi xa được. Có lẽ hạnh phúc cũng từ đó chăng?

Xin cám ơn ông!