Cơ hội cho Việt Nam đón những dòng vốn mới

An Chi - 10:03, 22/05/2019

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động thu hút đầu tư và bất động sản sẽ là hai lĩnh vực của Việt Nam được hưởng lợi nhờ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cơ hội cho Việt Nam đón những dòng vốn mới
Cuộc chiến thuơng mại Mỹ Trung sẽ tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu của Việt Nam

Thách thức đối với xuất khẩu

Sau khi Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra đòn đáp trả với việc áp mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trước những diễn biến leo thang căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo TS. Cấn Văn Lực, cuộc chiến này sẽ có những ảnh hưởng lớn tới thương mại và đầu tư, làm gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi sản xuất toàn cầu, mức độ ảnh hưởng khó có thể đánh giá hết được.

Đối với những tác động đến kinh tế Việt Nam, ông Lực cho rằng, ngành xuất khẩu sẽ chịu thách thức trong ngắn hạn. Xem xét kỹ danh mục các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc chịu áp thuế 25%, một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể được hưởng lợi. Những mặt hàng đó chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là may mặc, giày dép, thuỷ sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện.

Tuy nhiên, trong tổng giá trị 66 tỷ USD hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm và 25 tỷ USD điện tử, điện thoại và linh kiện này, Việt Nam chỉ có thể tranh thủ được khoảng 20 – 25%, tương đương 18 – 23 tỷ USD, bởi nhiều nước khác cũng muốn tranh thủ cơ hội này.

Đối với các mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp, sắt thép các loại, đây cũng là lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi thuế suất 25%. Song theo ông Lực, lượng xuất khẩu những hàng hoá này của Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Do đó, việc áp thuế này ảnh hưởng không nhiều tới hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ.

Bên cạnh một số ngành hàng cụ thể của Việt Nam có thể hưởng lợi, ông Lực cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại Việt Nam. Cuộc chiến thương mại này leo thang sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến tổng cầu giảm.

Trong khi đó, tổng cầu thế giới, Mỹ, Trung Quốc và EU giảm sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nhất là khi đây là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018. Xuất khẩu sang Mỹ năm 2018 chiếm 19,4%, EU chiếm 17,4%, Trung Quốc chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế, trong bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 5,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 19% cùng kỳ 2018. Kim ngạch xuất khẩu sang EU chỉ tăng 2,8%, sang Trung Quốc giảm 5,8%.

Mặt khác, hàng hoá của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá, các sản phẩm từ Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép khác lớn đến thị trường hàng hoá trong nước như sắt thép, mía đường.

Như vậy, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc, ông Lực nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, nếu cuộc chiến xảy ra trong thời gian ngắn hạn thì tác động về thương mại là chưa nhiều. Tuy nhiên, về dài hạn, trong trường hợp cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực khá lớn.

Cuộc đối đầu ‘không khoan nhượng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. Từ đó, gây lên tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. 

Trong khi đó, xuất khẩu lại là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam cần có cái nhìn thận trọng để giảm những ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến vấn đề thương mại của Việt Nam.

Cơ hội cho thu hút đầu tư và bất động sản

Bên cạnh những tác động tiêu cực, theo ông Thành, cuộc chiến thương mại cũng có nhiều tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Đó là sự dịch chuyển về xu hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải bình tĩnh để tận dụng cơ hội, giảm thiểu khó khăn.

Về vấn đề này, ông Lực cũng cho rằng, điểm tích cực và cũng là cơ hội rất quan trọng của Việt Nam là đã và đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Asian. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất do triển vọng tăng trưởng kinh tế khá cao, chính trị ổn định, chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư – kinh doanh đang trên đà cải cách được các tổ chức quốc tế ghi nhận và nâng hạng tín nghiệm.

Khảo sát gần đây tại Trung Quốc cho thấy, ít nhất 30% doanh nghiệp Mỹ và gần 50% doanh nghiệp các quốc gia khác tại Trung Quốc đang có ý định chuyển đầu tư sang Đông Nam Á. Thậm chí một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển hoạt động sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ.

Đối với thị trường bất động sản, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư, ông Lực cho rằng, nhu cầu bất động sản công nghiệp và nhà ở cao cấp, bình dân dự báo sẽ tăng mạnh. Nhất là các địa bàn lân cận Trung Quốc, các địa bàn có khả năng đáp ứng yêu cầu về chính sách, hạ tầng, nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng hợp lý.

Mặc dù vậy, rủi ro và thách thức từ cuôc chiến thương mại là rất khó lường, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát theo dõi và  đưa ra những kịch bản ứng phó phù hợp. 

Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho Việt Nam là có nhưng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tăng cường năng lực cạnh tranh, tỉnh táo sàng lọc dự án, dòng vốn đầu tư, tránh những hệ luỵ lâu dài, ông Lực nhận định.