Còn nhiều ý kiến trái chiều về tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu

An Chi - 11:38, 13/06/2019

TheLEADERNhững ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn chưa có hồi kết.

Còn nhiều ý kiến trái chiều về tăng giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu
Tăng thêm giờ làm và tăng tuổi nghỉ hưu là những vấn đề gây tranh cãi của Bộ luật Lao động sửa đổi.

“Tăng giờ làm thêm là đi ngược lại sự tiến bộ xã hội“

Bàn về quy định mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên đến 400 giờ/năm của dự án bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội chiều 12/6, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, rất khó để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Theo bà Tâm, việc tăng thêm giờ làm sẽ giúp người lao động tăng thu nhập, nếu đứng ở góc độ này có vẻ như quy định pháp luật đang quan tâm đến lợi ích của người lao động. Mặt khác, việc tăng thêm giờ làm cũng sẽ giúp người sử dụng lao động được đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp bách của một doanh nghiệp trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn vào bản chất vấn đề và sự tiến bộ của xã hội, bà Tâm lại cho rằng, việc làm thêm giờ có vẻ như đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. "Câu hỏi đặt ra là một năm, người lao động làm bao nhiêu giờ, họ có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, phục vụ cho các nhu cầu khác ngoài lao động như học tập, giải trí; xây dựng gia đình, con cái".

Nếu hỏi công nhân có nhu cầu tăng giờ làm không, có lẽ là không. Nhưng công nhân có cần làm thêm không thì họ cần. Cần để có thêm thu nhập, vì đồng lương, thu nhập hiện nay so với trang trải, nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người công nhân còn quá khó khăn, eo hẹp, thiếu thốn.

Theo đại biểu này, người lao động cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo cho con cái chứ không chỉ đi làm suốt ngày, một ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ. Quốc hội nên có chính sách để người công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên. Người lao động đủ sức tái tạo sức lao động, để làm việc tốt hơn, vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động. 

Mặt khác, về phía người sử dụng lao động, nếu cần thiết công nhân phải làm thêm giờ để đảm bảo đơn hàng thì họ phải thỏa thuận với công nhân và mỗi giờ làm thêm phải có lũy tiến tính tiền lương để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, bà Tâm nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, luật cần đưa ra quy định, người lao động được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ. 

Bên cạnh đó, đối với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay có thể không cho tăng thêm giờ. Thậm chí, nên có quy định sau một số giờ làm việc nhất định, người lao động phải nghỉ để bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.

Nhiều ý kiến khác nhau về tăng độ tuổi nghỉ hưu

Bên cạnh việc tăng giờ làm thêm đối với người lao động, đề xuất tăng tuổi hưu của nam từ 60 lên 62 tuổi; nữ từ 55 lên 60 tuổi trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng gây nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội. 

Nhiều quan điểm cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có lộ trình và phân loại đối tượng áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay. 

Theo đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), việc kéo dài tuổi lao động cần xem xét kỹ lưỡng, thậm chí phải thí điểm việc tăng độ tuổi lao động có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hay tăng tình trạng thiếu việc làm.

Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng, thực tế các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu lao động trong khi chúng ta mỗi năm có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế. 

Hơn nữa, tại Việt Nam chủ yếu là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi. Chủ lao động cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi vào lao động trực tiếp, người lao động cũng vậy nên nếu tăng tuổi hưu, năng suất lao động sẽ không cao. Ngược lại, người trẻ mà thiếu việc làm, hậu quả xã hội sẽ rất lớn.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế cho thấy với tuổi nghỉ hưu hiện tại vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. 

Lương hưu của người lao động hiện rất thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn. Việc tăng tuổi hưu cũng giúp Việt Nam có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp diễn ra.

Tuy nhiên, tuổi hưu 60 đối với nữ và 62 đối với nam chỉ nên dành cho những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm những người lao động trong lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc, độc hại hay những ngành nghề suy giảm khả năng lao động cơ bản vẫn nghỉ hưu từ 55 đối với nữ và 60 đối với nam, thậm chí có thể nghỉ từ 50 tuổi. Nhóm những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có trình độ quản lý thì có thể kéo dài thêm thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, ông Lợi nhận định.

Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được nghiên cứu

Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bám sát các mục tiêu quan điểm để thể chế trong luật.

Về việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, ông Dung cho rằng, đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Ba đề xuất của quy định này, một là chỉ áp dụng giờ làm thêm cho một số ít ngành nghề và ở những thời điểm nhất định. Hai là không áp dụng tăng giờ làm thêm ở khu vực công. Ba là tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là đối với vấn đề đề xuất của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, lũy tiến.

Còn nhiều ý kiến trái chiều về bộ Luật Lao động sửa đổi 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng 97% các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là vấn đề phải rất quan tâm để làm sao vừa đảm bảo quyền của người lao động, nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.

Về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Dung khẳng định đây là xu hướng tất yếu cũng như yêu cầu thực sự cần thiết của chúng ta hiện nay. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 400.000 lao động tăng hàng năm và tiến tới chắc chắn sẽ thiếu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ 2,2%, rất thấp so với quốc tế.

Theo ông Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, thường người dân và người lao động sẽ không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài nên các nước đều phải quyết định. 

Cũng theo bộ trưởng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của Việt Nam sẽ được phân làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là tuổi nghỉ hưu lao động trong điều kiện bình thường. Nhóm thứ hai là nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 thì có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.

Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn hơn áp dụng chủ yếu với ba đối tượng: Đối tượng thứ nhất là 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thứ hai là nữ Thứ trưởng. Thứ ba là đối với nhà khoa học và quản lý.

Ông Dung khẳng định, toàn văn dự thảo Luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến sâu rộng các đối tượng xã hội, phối hợp Ủy ban Các vấn đề xã hội, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để lựa chọn các phương án tốt nhất trình Quốc hội xem xét.