Công bằng trong phân bổ tài khóa góp phần giảm nghèo

Nguyễn Lê - 16:52, 22/12/2017

TheLEADERChính sách tài khóa là một trong những công cụ hiệu quả để giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Thông qua việc điều tiết hiệu quả các khoản trợ cấp và thuế cho các hộ gia đình, chính sách tài khóa sẽ làm thay đổi thu nhập khả dụng của các hộ gia đình trong tương lai bởi chi tiêu của chính phủ đối với các dịch vụ công không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của các dịch vụ đó, mà còn ảnh hưởng đến giá cả và cách tiếp cận của phía người thụ hưởng.

Công bằng trong phân bổ tài khóa góp phần giảm nghèo
Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Điều này tạo ra sự khác biệt về cách thức người nghèo và người giàu tiếp cận, sử dụng dịch vụ công và tích lũy nguồn vốn con người, theo đó, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.

Một cân nhắc quan trọng về mặt chính sách đó là liệu chính sách tài khóa có thực sự hỗ trợ được cho người nghèo hay sẽ dẫn đến một xã hội thậm chí còn bất bình đẳng hơn? 

Điều này cần được xem xét từ hai quan điểm - liệu các ban ngành liên chính phủ có chuyển các nguồn lực hỗ trợ trực tiếp tới các khu vực cần phân bổ lợi ích tăng trưởng hay không và liệu ở cấp độ hộ gia đình, người nghèo có được hưởng lợi từ chi tiêu của chính phủ hay không.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong năm qua, chi tiêu của Chính phủ Việt Nam vẫn ở mức cao so với GDP. Trong đó, tỷ trọng chi thường xuyên tăng lên, do tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, chi lương, tiền công và trợ cấp và cả chi trả lãi.

Tỷ trọng chi đầu tư, mặc dù giảm so với tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Chi tiêu để đảm bảo tăng trưởng công bằng

Nhìn chung, tổng chi tiêu giữa các khu vực ở Việt Nam cho thấy sự nhất quán với các mục tiêu bình đẳng về vốn con người của Chính phủ. Các nghiên cứu cho thấy Việt Nam chú trọng nhiều đến phát triển vốn con người, yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường phân bổ nguồn lực công bằng để đẩy mạnh phát triển giữa các địa phương. Cơ chế quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền ở Việt Nam đã và đang giúp đảm bảo công bằng hơn trong phân bổ nguồn 

Theo số liệu từ báo cáo tổng quan "Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng tới Bền vững, Hiệu quả và Công bằng" của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có hệ thống bổ sung và trợ cấp trực tiếp chủ yếu dành cho người nghèo với 63% trợ cấp trực tiếp dành cho hộ gia đình năm 2014 đến với nhóm nghèo nhất

Chỉ có lương hưu chủ yếu dành cho những người khá giả, đúng theo dự kiến vì lương hưu được trả cho những người trước đây làm việc ở khu vực hưởng lương chính thức

Người nghèo và cận nghèo vẫn đóng góp bằng thuế nhiều hơn những gì họ nhận được qua bổ sung và trợ cấp.

Tuy nhiên, yếu tố khiến cho chính sách tài khóa ở Việt Nam có tính giảm nghèo là nhờ chi tiêu cho các dịch vụ sự nghiệp công (là dịch vụ sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác).

Công bằng trong phân bổ tài khóa góp phần giảm nghèo 1
Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Chuyên đề đặc biệt của Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam - Taking Stock của Ngân hàng Thế giới công bố hồi đầu tháng 12 nhận định định hướng xã hội hóa dịch vụ công đem lại một số tác động tích cực, nhưng cần cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo bởi khi có sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ công, thì giá dịch vụ công cũng bị đẩy lên phần nào. 

Việt Nam đang hướng tới cơ chế giá dịch vụ theo thị trường, nhằm từng bước giảm trợ cấp cho các đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định 16), nhưng nếu giá không được xác định phù hợp, bất bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ cơ bản có thể tăng lên.

Bên cạnh đó, tác động dài hạn về huy động từ xã hội cần được nghiên cứu thận trọng, và cần lưu ý rằng có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho các ngành khác nhau hoặc các cấp độ dịch vụ khác nhau trong cùng ngành.

Điều quan trọng là phải có những biện pháp giảm thiểu tác động nhằm đảm bảo cơ hội để người nghèo và cận nghèo được tiếp cận công bằng tới các dịch vụ chất lượng cao và đảm bảo xác định đối tượng đúng đắn.