Công ty môi giới lãi lớn dù thị trường chứng khoán biến động

Trần Anh - 13:01, 28/02/2019

TheLEADERLợi nhuận từ cho vay margin tăng 21% trong quý 4 và tăng 35% trong cả năm 2018 đã đóng góp gần 60% tổng lợi nhuận trước thuế của tất cả các công ty chứng khoán trên thị trường.

2018 không phải là năm thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam khi diễn biến thị trường chia ra hẳn thành gam màu trái ngược nhau. Thuận lợi trong nửa đầu năm và lao dốc không phanh vào nửa cuối năm. Kết quả kinh doanh của các công ty tài chính, chứng khoán, những đơn vị trực tiếp hoạt động trong thị trường theo đó, cũng có những gam màu tương ứng.

Báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán cho thấy, đa phần các công ty chứng khoán đều có kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý 4 khi thị trường chứng khoán suy yếu. Thanh khoản thị trường đã giảm sút và chạm đáy trong tháng 11. Giá trị giao dịch chỉ đạt mức bình quân 5.378 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn, giảm -26% so với 3 quý đầu năm.

Công ty môi giới lãi lớn trong năm 2018 dù thị trường chứng khoán biến động
Diễn biến VNIndex trong năm 2018. Nguồn Trading View

Tổng doanh thu toàn ngành chỉ tăng 5,3% yoy trong quý cuối năm. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng mạnh 40%, và chi phí tài chính tăng 16.3% khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương ứng với sự sụt giảm thanh khoản, doanh thu hoạt động môi giới toàn ngành giảm 19,5% trong quý 4, kéo theo lợi nhuận mảng này giảm 42%.

Doanh thu môi giới giảm tại hầu hết các công ty chứng khoán như SSI (-35%), HCM (-49%), VND (-14%). Chỉ một số công ty với các giao dịch đột biến mới duy trì tăng trưởng trong quý này. Chẳng hạn như chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tăng 30% và vươn lên số 1 về thị phần môi giới tại HOSE nhờ giao dịch lượng lớn cổ phiếu Masan.

Để bù đắp doanh thu từ phí dịch vụ, các công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh cho vay margin, nâng tổng dư nợ margin toàn thị trường lên 42.682 tỷ đồng, tăng 1.210 tỷ so với quý 3.

SSI vẫn là công ty có giá trị cho vay lớn nhất với 5.887 tỷ đồng, xếp thứ 2 là MAS khi công ty này tiếp tục đẩy mạnh dư nợ margin lên 3.420 tỷ đồng, tăng 75% so với quý 3 và tăng gấp 3,5 lần cuối năm 2017. 

Trong khi đó, HSC, VCSC và VND lại có xu hướng thu hẹp với tổng dư nợ giảm tới 3.200 tỷ đồng. Lợi nhuận từ cho vay margin tăng 21% trong quý 4 và tăng 35% trong cả năm 2018, chiếm tới 57% tổng lợi nhuận trước thuế toàn ngành.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đã giảm 12% trong quý 4 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các khoản đầu tư của các công ty chứng khoán. Lợi nhuận từ đầu tư tài chính đã giảm 21.5% trong quý 4 nhưng vẫn tăng nhẹ 6,2% trong cả năm 2018.

Trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, nhiều CTCK gia tăng đầu tư vào các tài sản an toàn bao gồm SSI, VND, MASC, TCBS. Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 25,8% so với cuối năm 2017 đạt 99,4 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động tư vấn tài chính đã giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi trong nửa cuối năm 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế mảng này chỉ đạt 550 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2017, tập trung chủ yếu vào một số công ty như VPBS, HSC, SSI, MBS.

Ở chiều ngược lại, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán bất ngờ tăng mạnh chủ yếu thuộc về TCBS với lợi nhuận đạt 1.226 tỷ đồng, chiếm 89% tổng lợi nhuận mảng này. Trong năm vừa qua, TCBS đã đẩy mạnh các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và đã thành công lớn khi thị trường cổ phiếu biến động mạnh và rủi ro tăng cao.

Dù trải qua quý 4 khó khăn, phần lớn các công ty vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2018 nhờ kết quả thuận lợi từ 3 quý trước đó. Ước tính, lợi nhuận toàn ngành đã tăng 25% trong năm 2018. TCBS, FTS và VPBS đạt mức tăng ấn tượng lần lượt là 67%, 149% và 75%. Ngược lại, cũng có một số công ty suy giảm như VND, SHS, BVS hay ACBS.