Coteccons dừng hợp đồng với loạt thầu phụ

Trần Anh - 15:54, 13/08/2021

TheLEADERDanh sách này gồm Ricons, Newtecons, Công ty SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, Công ty An Gia Minh đều là các nhà thầu phụ của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương.

Ban Tổng giám đốc Coteccons vừa quyết định không ký hợp đồng mới hoặc dừng hợp đồng hiện hữu với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với công ty và Unicons, công ty con của Coteccons.

Danh sách này gồm Ricons, Newtecons, Công ty vật liệu và giải pháp SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, Công ty TNHH Cơ khí - thương mại - đầu tư An Gia Minh và 2 chi nhánh tại Bình Dương, Hưng Yên.

Việc dừng hợp đồng hiện hữu được áp dụng nếu không ảnh hưởng tiến độ các hoạt động hiện tại. Nhà thầu chỉ định sẽ được thực hiện theo các điều kiện đã được thỏa thuận với chủ đầu tư.

Với các công trình, dự án sử dụng dịch vụ, nguyên vật liệu của các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, ban tổng giám đốc báo cáo chi tiết tình hình triển khai dự án và mua sắm hàng tuần. Tất cả thanh toán phải được Chủ tịch HĐQT hoặc người được ủy quyền phê duyệt.

Hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách này đều là những cái tên quen thuộc có liên quan tới Coteccons hoặc ban lãnh đạo cũ thời ông Nguyễn Bá Dương. Trước khi xảy ra mâu thuẫn nội bộ, cả Ricons, Newtecons đều từng cùng với Coteccons xây dựng, thi công các công trình lớn, trong đó có nhiều công trình trở thành biểu tượng như Landmark 81.

Thời gian gần đây, sau khi ông Dương rời đi, Newtecons đã thế chân Coteccons làm nhà thầu ở nhiều dự án của Masterise Homes, siêu dự án One Central HCM hay dự án Masteri Waterfront tại Hà Nội.

Bản thân Coteccons đang gặp nhiều khó khăn. Giá trị ký mới trong nửa đầu năm 2021 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng so với mức 7.000 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng vẫn ở mức thấp so với các năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Coteccons đạt 5.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 65% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty mới hoàn thành gần 1/3 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Riêng quý 2, công ty ghi nhận lợi nhuận 45 tỷ đồng. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm gần nhất của Coteccons. Không chỉ doanh thu sụt giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp quý này của Coteccons chỉ còn 5,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 6,1% của doanh nghiệp xây dựng cùng ngành - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Trong năm 2021, ban lãnh đạo dự kiến sẽ giành được 22.000 tỷ đồng giá trị đơn đặt hàng mới. Nếu Coteccons đạt được kế hoạch, điều này sẽ phần nào khẳng định khả năng điều hành của HĐQT và ban điều hành mới.

Tuy nhiên, với diễn biến của dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại và việc giá thép leo thang, ban lãnh đạo cho biết ngành xây dựng có thể đối mặt với những thách thức đến hết nửa đầu năm 2022.

Về dài hạn, Coteccons đặt mục tiêu hướng tới các hợp đồng EPC cho các dự án năng lượng (dự án năng lượng tái tạo và LNG). Việc vay nợ là điều cần thiết trong dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, công ty cho biết trước tiên sẽ tận dụng nguồn tiền ròng mạnh. 

Hiện tại, Coteccons có lượng tiền mặt ròng là 3,6 nghìn tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp có khả năng cung cấp các hợp đồng với các điều khoản hỗ trợ khách hàng như không cần ứng trước và khách hàng sẽ trả thêm 1 phần lãi tương ứng với lãi suất ngân hàng.