Cuộc đua lãi suất tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?

Nguyễn Đỗ Việt - 17:13, 16/10/2018

TheLEADERBắt đầu từ những ngân hàng nhỏ trong nhóm ngân hàng tư nhân, xu hướng tăng lãi suất huy động đã diễn ra ở cả các ngân hàng lớn trong thời gian gần đây.

Cuộc đua lãi suất tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?
Chỉ số VNIndex tăng trở lại trong quý III

Cả 4 ngân hàng Agribank,Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã tăng lãi suất huy động. Dù mức tăng không nhiều, việc tăng lãi suất của các ngân hàng lớn đã tạo nên mặt một bằng mới, thậm chí một số kỳ hạn còn nhỉnh hơn nhiều ngân hàng tư nhân khác.

Lãi suất đã tăng ở tất cả các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng đang là hai kỳ hạn mà nhóm 4 ngân hàng vốn Nhà nước cạnh tranh gay gắt nhất với những nhà băng khác.

Lãi suất của BIDV ở kỳ hạn 1 năm là 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn ngân hàng ACB, Eximbank, Techcombank và LienVietPostBank. Agribank, VietinBank cũng cạnh tranh gay gắt với 4 nhà băng này ở mức 6,8%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Có nhiều căn cứ để nhận định về xu hướng tăng lãi suất lần này trên thị trường tiền tệ. Đó là rủi ro bên ngoài như: Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục kiên định với lộ trình tăng lãi suất; NHTW Châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm 2018; NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ; Ngân hàng TW Trung Quốc (PBOC) có thể sử tiếp tục phá giá đồng tiền NDT như một đòn chủ lực trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Từ phía nội tại nền kinh tế, các yếu tố làm cho lạm phát gia tăng mạnh vào cuối năm sẽ tạo sức ép lớn trên lãi suất. Lý do thuyết phục nhất cho việc tăng lãi suất là các ngân hàng đang khát vốn dài hạn để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống 40% kể từ đầu năm 2019.

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong báo cáo mới đây cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng eo hẹp do chênh lệch lãi suất huy động – cho vay và tác động từ việc NHNN bán ra ngoại tệ để kiểm soát tỷ giá đã đẩy lãi suất tăng từ giữa tháng 8.

Cơ quan này cho rằng nếu đồng USD tiếp tục tăng giá trong thời gian tới và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra ngoại tệ hoặc nâng lãi suất để giữ giá đồng nội tệ trong ngắn hạn sẽ dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Việc tăng lãi suất, sau đó sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020.

Xu hướng tăng lãi suất ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của FED đã tạo ra dịch chuyển dòng vốn ở các thị trường mới nổi. Ước tính gần 200 triệu USD đã bị các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của xu hướng tăng lãi suất lên các chỉ số chứng khoán là không đáng kể. Chỉ số VNIndex chỉ giảm điểm nhẹ khi FED công bố quyết định và duy trì một xu hướng tăng trong suốt quý III vừa qua. Điều lo ngại hơn là một mặt bằng lãi suất mới đang hình thành sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên mức độ tăng như thế nào, liệu có đủ tác động đến thị chứng khoán hay không còn đang là một ẩn số.

Phần lớn các đợt tăng lãi suất bắt nguồn từ thị trường liên ngân hàng do vấn đề thanh khoản gây ra. Nếu các nguyên nhân kích hoạt việc tăng lãi suất được hóa giải, biến động của thị trường chứng khoán do yếu tố này tạo nên bị thu hẹp đáng kể. Thực tế cũng đã chứng minh lãi suất chỉ là một trong những nguyên nhân tạo nên những biến động của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.