5 đặc tính của sự sáng tạo

Đặng Hoa - 08:05, 13/07/2020

TheLEADERTheo ông Hồ Công Hoài Phương, Giám đốc điều hành của Pencil Group, sáng tạo là một hiện tượng mà kết quả của quá trình đó là một cái gì đó mới và có giá trị được hình thành.

5 đặc tính của sự sáng tạo
Ông Hồ Công Hoài Phương, Giám đốc điều hành của Pencil Group

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong nhóm mười kỹ năng quan trọng nhất của năm 2020, “sáng tạo” nằm ở vị trí thứ ba. 

“Sáng tạo” không chỉ của riêng lĩnh vực marketing hay truyền thông mà hơn thế, tất cả mọi người, từ chủ doanh nghiệp đến các quản lý, các cá nhân đều cần đến sự sáng tạo.

Khác với những bài nhạc cùng thời, huyền thoại nhạc rock Queen đã cho phát hành “Bohemian Rhapsody” - một bài hát với sự cộng hưởng của nhiều đoạn khác nhau mà không có phần điệp khúc. Ca khúc này sau đó đã trở thành một cú hit trong sự nghiệp của ban nhạc Queen và được người người ca tụng như một sáng tạo đột phá của làng âm nhạc.

Thế nhưng, “Bohemian Rhapsody” có thực sự mới, thực sự là chưa từng có tiền lệ? Nếu phân tích kỹ, bài hát này là kết hợp của nhiều đoạn nhạc thuộc các thể loại khác nhau như acapella, ballad, opera, hard rock và đoạn coda phản chiếu. Tất cả thể loại nhạc này đều đã có ở thời điểm đó.

Theo ông Hồ Công Hoài Phương, Giám đốc điều hành của Pencil Group, sự sáng tạo của Queen là đã tạo ra một “sự lạ lùng táo bạo”.

“Sáng tạo đôi khi phải đi kèm với sự dũng cảm bởi những gì sáng tạo đều khá mới lạ và khiến ta lo sợ. Chính vì sự lo sợ đó, trong cuộc sống hàng ngày có rất ít sự sáng tạo do chúng ta không đủ dũng cảm”, ông Phương nói.

Một ví dụ rất nổi tiếng khác về sáng tạo trong đợt dịch Covid-19 chính là ATM gạo. Nếu phân tích kĩ vấn đề, ATM và gạo đều là những thứ có sẵn, nhưng trước đó chẳng ai nghĩ đến sẽ kết hợp chúng với nhau cả. 

Trong tình cảnh dịch bệnh khó khăn, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ý tưởng này mới ra đời nhằm giải quyết vấn đề lương thực cũng như kết nối những tấm lòng hảo tâm, cùng nhau cứu trợ cho cộng đồng.

ATM gạo không chỉ mới mẻ, đặc biệt mà còn vô cùng đơn giản và dễ dàng nhân rộng. Đây chính là một trường hợp điển hình cho sự "sáng tạo" mới mẻ và có ích.

5 đặc tính quan trọng của sự sáng tạo
ATM gạo là một ví dụ rất tiêu biểu cho sự sáng tạo mới mẻ và có ích

Ông Phương cho rằng, dịch Covid-19 là một cơn ác mộng đối với bất kỳ ai. Nhưng cũng trong hoàn cảnh khó khăn như thế, con người mới càng bị buộc phải trở nên sáng tạo để đối mặt với những thách thức chưa từng có. ATM gạo chính là một minh chứng sống cho việc "thời thế tạo anh hùng".

"Càng sống trong một môi trường êm đềm, yên ả thì càng khó sáng tạo. Vì thế, các bạn đã chọn nghề sáng tạo thì nên chấp nhận khó khăn và coi nó như một tiền đề tạo nên sự sáng tạo", lãnh đạo Pencil Group nói.

Sáng tạo phải tạo ra giá trị

Theo ông Phương, sáng tạo là một hiện tượng mà kết quả của quá trình đó là một cái gì đó mới và có giá trị được hình thành. “Cái gì đó mới” ở đây không hẳn là cái gì đó hoàn toàn mới, hoàn toàn nguyên bản. Một người làm sáng tạo cần biết rất nhiều cái cũ, những cái đã có để trong một phút ngẫu hứng nào đó, họ có thể kết hợp những gì đã biết để tạo ra “sự sáng tạo”.

"Một trong những lý do lớn nhất tạo ra những chiến dịch truyền thông thất bại là không xác định được mục tiêu. Để tiếp thị thì phải xác định ai là người thụ hưởng những giá trị mình tạo ra. Đổi mới mà không hướng tới con người thì không phải là sáng tạo", ông Phương cho biết.

Trong chuỗi sự kiện trực tuyến Corobinar do Học viện Sage tổ chức mới đây, ông Phương đã chỉ ra 5 đặc tính quan trọng của sáng tạo.

Thứ nhất, một ý tưởng sáng tạo luôn xuất phát từ những gì đã cũ. Chỉ khi có thật nhiều tài nguyên, thật nhiều giá trị tham khảo thì mới có thể chọn những điều tốt nhất để kết hợp lại và tạo nên sự mới mẻ, độc đáo.

Từ trường hợp của Queen, ông Phương cho rằng, sáng tạo không nhất thiết phải là điều gì hoàn toàn mới, hoàn toàn nguyên bản. Sáng tạo có thể là chọn lọc những thứ đã cũ để tạo nên cái mới. Đó mới chính là bản chất của sáng tạo.

Tất nhiên, vẫn sẽ có những thiên tài kiệt xuất có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ và chưa có bao giờ. Thế nhưng, đây là điều cực kì hiếm và dù ít hay nhiều, ý tưởng, lối suy nghĩ của họ đều sẽ có sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, của con người thế hệ trước. 

Cũng giống như việc không có vàng nguyên chất 100% , sẽ không có ý tưởng hoàn toàn nguyên bản. Nhưng dù sao, cả vàng và ý tưởng đều rất quý giá.

Thứ hai là phải giải quyết vấn đề. Không phải cứ tạo ra điều gì mới đều là sáng tạo. Sáng tạo phải thực sự giải quyết vấn đề và đem đến giá trị cho cộng đồng mới là sự sáng tạo đáng ghi nhận. Khả năng giải quyết vấn đề chính là điều khiến một ý tưởng “sáng tạo cho vui” thành một sự đổi mới.

Thứ ba là tạo ra giá trị. Cũng như ATM gạo mang lại giá trị nhân đạo cho cộng đồng, một ý tưởng sáng tạo hay phải đem lại điều gì đó, truyền tải thông điệp nào đó cho công chúng. Bởi, nghĩ ra điều gì mới, thậm chí "điên rồ" cũng chẳng phải việc gì quá hiếm; nhưng để lồng được giá trị tốt đẹp vào những ý tưởng đó chắc chắn không hề là việc dễ dàng.

“Một khi ý tưởng của bạn truyền đạt được giá trị thiết thực, đây sẽ là một sự sáng tạo xứng đáng được lan toả", ông Phương nhận định.

Thứ tư là đơn giản, dễ làm. Những gì phức tạp thì không thể là sáng tạo. Ý tưởng hay phải là ý tưởng đơn giản. Cũng như khi nấu ăn; món ăn làm từ nhiều nguyên liệu tất sẽ đậm đà và phong phú hơn nhưng cũng vì thế mà công thức nấu sẽ khó học và không phải ai cũng tiếp thu được. Ngược lại, những món ăn với nguyên liệu đơn giản, dễ làm nhưng mang lại hương vị ngon bất ngờ sẽ giành được trái tim số đông công chúng.

Thứ năm là mới lạ, độc đáo. Dù thế nào đi chăng nữa, sáng tạo cũng phải có sự mới lạ trong đó mới có thể là sáng tạo. Những yếu tố mới mẻ, độc đáo này sẽ là điều đầu tiên khiến người ta phải "wow" và có ấn tượng sâu sắc trước khi xét đến những yếu tố khác như thông điệp hay giá trị.

Theo ông Phương, sáng tạo là sự kết hợp của 3 yếu tố gồm đề bài cụ thể, kiến thức vững chắc và cách nghĩ sáng tạo; từ đó tạo nên sự đổi mới có giá trị.

Không chỉ là một ý nghĩ thoáng chốc hay một ý tưởng bật ra trong đầu, để có được một sự sáng tạo “đáng đồng tiền bát gạo” thì cũng phải dành sự đầu tư tương xứng cho nó. Vì thế, sẽ rất khó để một cá nhân riêng lẻ có đủ tiềm lực tạo ra một sự sáng tạo chất lượng. Ông Phương cho rằng, sáng tạo là một quá trình lao động tập thể.

Để có đề bài cụ thể, bên phía khách hàng phải đưa ra được một bản mô tả ngắn gọn chi tiết, đủ ý và rõ ràng. Sau đó, đội lên kế hoạch với những kiến thức của mình là người sẽ vạch ra cái khung của chiến dịch truyền thông và tính toán từng bước đi của hoạt động marketing và quảng cáo.

Đội sáng tạo cũng là một nhân tố không thể thiếu bởi họ sẽ tạo ra ý tưởng, giá trị cốt lõi nhất bao trùm lên tất cả hoạt động marketing. Bất kì một bên nào thiếu vắng đi sẽ không thể tạo nên sự sáng tạo.

Để có thể trở nên sáng tạo…

Thực tế cho thấy, sự sáng tạo có mặt ở khắp mọi nơi. Để người trẻ Nhật Bản tìm đến nhạc giao hưởng – một thứ âm nhạc có vẻ không hợp gu với giới trẻ, người ta đã đã cho ra ý tưởng về "liều thuốc âm nhạc" điều trị các loại bệnh lý bằng nhạc giao hưởng. 

Để trẻ em chịu rửa tay đúng cách, người ta đã tạo ra trò chơi “diệt vi khuẩn”, khiến vi khuẩn trở nên trực quan hơn bằng cách in hình vi khuẩn lên tay trẻ em. Hay để đàn ông trên 30 tuổi chơi thể thao nhiều hơn, một giải thể thao cho đàn ông trên 30 tuổi ôn lại kỷ niệm cũ đã được tổ chức.

5 đặc tính quan trọng của sự sáng tạo 2
Sáng tạo là một quá trình lao động tập thể. Ảnh: Sage Academy

Để có thể trở nên sáng tạo, ông Phương chỉ ra năm bí quyết. Một là, đừng nghĩ sáng tạo là áp lực. Rất nhiều người làm trong các agency quảng cáo, truyền thông có áp lực phải cho ra ý tưởng mới, phải sản xuất nội dung mỗi ngày.

“Thế nhưng, đừng quá ép mình phải ngồi vào bàn để nghĩ ý tưởng; chỉ khi ta thả lỏng thì ý tưởng mới đến. Sáng tạo nên là một quá trình tìm kiếm niềm vui từ việc học cái mới, làm điều mới và chỉ có như thế, sáng tạo mới có thể thật tự nhiên và tiếp cận được nhiều người”, ông Phương nói.

Hai là, giữ cho mình một lối sống vui. Ý tưởng sáng tạo sẽ đến khi con người biết tận hưởng cuộc sống và tìm ra cái đẹp, cái hay trong cuộc sống thường ngày đó. Vì thế, hãy luôn tưởng tượng mình là một đứa trẻ đang tìm kiếm niềm vui, sự thư giãn để có thể nhìn đời bằng con mắt trong trẻo hơn và rồi tìm ra cảnh đẹp ít ai thấy được.

Ba là, chấp nhận sự sai. Đừng sợ cái mới, cái lạ, cái điên rồ. Sẽ không có ý tưởng nào là ý tưởng tệ; mọi ý tưởng đều có khả năng thành hiện thực và ngay cả khi nó không thể một mình làm nên chuyện, nó vẫn có thể kết duyên với một ý tưởng khác để tạo ra sự đổi mới có giá trị.

Bốn là, sáng tạo là một quá trình lao động tập thể. Dù rằng sẽ vẫn có những dấu ấn cá nhân nhưng sáng tạo cần thiết có sự tham gia giúp sức của rất nhiều người. Bằng cách này, ý tưởng không chỉ hoàn thiện hơn mà còn có thể trải qua đánh giá, sàng lọc của nhiều góc nhìn để trở thành tốt nhất.

Năm là, mọi thứ trên thế giới đều có thể khác đi ở một góc nhìn khác. Vì thế, người làm sáng tạo đừng nên quá nghiêm trọng khi nhìn nhận bất kỳ vấn đề nào bởi đôi khi, đổi một góc nhìn mới, ta có thể tìm thấy ý tưởng mới mang tính cách mạng.

"Sáng tạo không chỉ cần thiết cho những người làm nghề marketing và truyền thông mà ngay cả với mỗi người bình thường, đó cũng là phẩm chất quan trọng giúp mỗi người trở nên ưu tú và nổi bật hơn. Sáng tạo không phải thiên phú và cũng không quá xa vời; chỉ cần biết kết nối một cách những điều đã cũ thì có thể tạo nên sự đổi mới đem lại giá trị", ông Phương nhìn nhận.