Đại gia bán lẻ Pháp mở 300 cửa hàng tại Việt Nam

Đặng Hoa - 08:11, 09/10/2018

TheLEADERAuchan Retail Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Đại gia bán lẻ Pháp mở 300 cửa hàng tại Việt Nam
Auchan đã mở 21 cửa hàng tại Việt Nam

Auchan đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên 300 trong vòng bốn năm tới, tập trung ở hai khu vực chính là Hà Nội và TP.HCM. Ông Jean-Manuel Cros, Giám đốc nhân sự của Auchan Retail Việt Nam cho biết bên lề Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Khả năng có thêm 279 cửa hàng nữa trong vòng bốn năm tới, nghĩa là mở rộng quy mô với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với mức trung bình 7 cửa hàng/năm như hiện tại vẫn là một tham vọng rất lớn đối với một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ tiềm năng với gần 100 triệu dân, thu nhập của người dân cũng như tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng lên; và nhu cầu tiêu dùng của họ cũng đang trên đà tăng trưởng.

 Đây cũng chính là lý do để thị trường Việt trở thành một chiếc bánh béo bở mà cả các ông lớn bán lẻ nước ngoài lẫn trong nước tranh giành. Từ nhiều năm về trước, những cái tên hàng đầu thế giới như Lotte của Hàn Quốc, Aeon, Family mart, Ministop, 7– Eleven của Nhật hay Big C của Thái đã đổ bộ vào Việt Nam và không ngừng lớn mạnh với tốc độ chóng mặt.

Đáng chú ý, thị trường bán lẻ Việt trong thời gian gần đây nổi lên cái tên Vingroup khi VinCommerce, công ty con thuộc tập đoàn này mua lại toàn bộ cổ phần của hệ thống siêu thị Fivimart để tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

Với thương vụ sát nhập này, sau chưa đầy bốn năm, hệ thống siêu thị của Vingroup cho thấy bước tăng trưởng rất nhanh về mặt quy mô với hệ thống bán lẻ khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.

Trong khi đó, mặc dù là một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới nằm trong danh sách Fortune 500 với gần 330.000 nhân viên làm việc ở khoảng 900 đại siêu thị, 860 siêu thị mini và 370 trung tâm thương mại trên 17 quốc gia, sau ba năm chính thức khai trương siêu thị đầu tiên, Auchan cũng chỉ mới có 21 cửa hàng tại Hà Nội, Tây Ninh và TP.HCM.

Để thực hiện được tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt, theo chia sẻ của ông Philippe Courbois, Giám đốc khách hàng và đổi mới sáng tạo khối bán lẻ Auchan, công nghệ và kỹ thuật số là những quân bài quan trọng nhất trong chuỗi giá trị về bán lẻ mà tập đoàn này đang xây dựng.

“Để phục vụ khách hàng tốt nhất trong mảng bán lẻ, chúng tôi nghiên cứu và áp dụng máy học – machine learning, internet vạn vật và điện toán đám mây – IoT + cloud, mạng xã hội, bán lẻ đa kênh – omnichannel, app cho điện thoại, liên kết giữa các cổng thông tin khác nhau”, ông Philippe Courbois chia sẻ.

Với nền tảng tài chính và công nghệ dồi dào từ công ty mẹ, Auchan đang là một trong những nhà bán lẻ tiên phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào kinh doanh cũng như nhanh nhạy với các xu hướng bán lẻ hiện đại nhất tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, ông Jean-Manuel Cros, Giám đốc nhân sự của Auchan Retail Việt Nam cho biết, để thành công ở thị trường Việt Nam thì 'kết hôn với Việt Nam' là điều phải làm; nghĩa là không thể tách rời với các doanh nghiệp địa phương và cùng phát triển khi Việt Nam là một thị trường hoàn toàn mới với Auchan. 

Đại gia bán lẻ Pháp tham vọng 300 cửa hàng tại Việt Nam
Giám đốc nhân sự của Auchan Retail Việt Nam Jean-Manuel Cros

Sự kết hợp thứ nhất, theo lãnh đạo công ty bán lẻ đến từ Pháp, là sự kết hợp về sản phẩm, hay nói chính xác hơn là vừa có nguồn cung sản phẩm sạch cho các cửa hàng vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương phát triển các nguồn sản phẩm sạch, hướng đến phục vụ người dân. Sự hợp tác thứ hai là việc mở rộng thị trường cũng như tìm kiếm các địa điểm đặt cửa hàng. 

"Kinh doanh ở Việt Nam, cần xác định được đối tượng phục vụ chính là người dân Việt Nam. Muốn thay đổi cuộc sống của họ thì cần có chiến lược rõ ràng là kết hợp với địa phương để trở thành nhà đấu tranh vì sức khoẻ và cuộc sống của người tiêu dùng", ông Jean-Manuel Cros nói.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ nói riêng có thể phát triển trên thị trường Việt Nam, đại diện Auchan cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt là giảm thủ tục.

Ngoài ra, theo ông Jean-Manuel Cros, khi muốn nhập khẩu một lô hàng phải trải qua một quá trình kiểm định lâu và phức tạp; một số ngành hàng cũng không được nhập khẩu. Vì vậy, ông này cho rằng cần mở rộng ngành hàng được nhập khẩu, giảm bớt các thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. 

Đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán lẻ, ông Jean-Manuel Cros nhấn mạnh mong muốn rằng Chính phủ sẽ đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, cụ thể là mở thêm chuyên ngành đào tạo về bán lẻ để các bạn trẻ có cơ hội học tập và tiếp cận nhiều hơn trong lĩnh vực này. 

Có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể tuyển dụng được những nguồn nhân lực có chất lượng, kiến thức; giúp cho không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam mà ngành bán lẻ Việt Nam nói chung mới phát triển mạnh mẽ được.

"Hiện tại có các chương trình đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh nhưng lại không hề có chuyên ngành về bán lẻ nên rất khó phát triển mạnh khi người lao động không hiểu rõ hết về lĩnh vực này", lãnh đạo Auchan nhìn nhận.