Đại gia Thái lên kế hoạch xây thành phố thông minh 760ha ở Long Thành

Quỳnh Chi - 07:15, 05/10/2019

TheLEADERLãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đồng ý để Tập đoàn Amata (Thái Lan) chuyển đổi dự án khu đô thị - dịch vụ thành dự án thành phố thông minh tại huyện Long Thành.

Đại gia Thái lên kế hoạch xây thành phố thông minh 760ha ở Long Thành
Chủ tịch Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit tại cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Baodongnai

Đề xuất xin chuyển đổi dự án khu đô thị - dịch vụ Long Thành sang dự án thành phố thông minh đã được Tập đoàn Amata đưa ra tại cuộc họp mới đây với ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. 

Sau khi đầu tư khu công nghiệp Amata thành công ở thành phố Biên Hòa, Tập đoàn Amata tiếp tục đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có quy mô 410ha, vốn đầu tư 282 triệu USD và khu đô thị - dịch vụ ở huyện Long Thành với diện tích gần 760ha. 

Tuy nhiên trong một cuộc họp mới đây với ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amata đã đề xuất xin chuyển đổi dự án khu đô thị - dịch vụ Long Thành sang dự án thành phố thông minh

Nếu được chấp thuận chuyển đổi dự án thì đầu năm 2020, Amata sẽ tiến hành xây dựng. Hiện dự án này đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trên thực tế, một đại diện của Amata cho biết ngày xưa đầu tư theo cách cũ do chưa có các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh, khi đăng ký đầu tư vẫn chỉ là khu đô thị, khu công nghiệp.

Nhưng hiện nay, việc đầu tư phát triển thành phố thông minh, theo cách nói của nhiều người, đã trở thành trào lưu. Tuy nhiên từ góc nhìn của Amata, họ nhận thấy đây là định hướng của Nhà nước, định hướng phát triển thành phố theo cách thức mới ở các tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Hơn nữa, mỗi địa phương có một đặc thù, điều kiện khác nhau nên ban đầu khi đăng ký đầu tư chưa cụ thể thực hiện. Nhưng đến nay khi đã nắm rõ được thị trường, Amata quyết định thực hiện phát triển thành phố thông minh ở Long Thành dựa vào nhiều năm kinh nghiệm ở các quốc gia khác nhau. 

Chủ tịch Đồng Nai khẳng định rất ủng hộ Tập đoàn Amata triển khai dự án thành phố thông minh, tỉnh sẽ tạo điều kiện để triển khai nhanh dự án. 

Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, phía Amata cần chú ý phối hợp với tỉnh làm nhanh khu tái định cư để bố trí cho người dân bị thu hồi đất làm dự án, có như vậy mới thực hiện được việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

"Nếu Amata kéo dài thời gian làm tái định cư, bồi thường thì giá đất tại huyện Long Thành sẽ tăng cao rất khó thu hồi đất, điều đó sẽ góp phần khiến nguồn vốn đầu tư bị đẩy lên", ông Dũng nói. 

Một dự án thành phố thông minh khác của Amata là Amata Hạ Long có đề xuất quy hoạch nằm trên địa bàn thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Đại diện của Amata cho biết mới đây đã đề xuất chính thức lên UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai dự án thành phố thông minh sau khi khu công nghiệp đã có và đang bắt đầu triển khai cơ sở hạ tầng. 

"Thành phố thông minh của Amata nằm trong quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, song trước đó chỉ lập quy hoạch chung, việc chính thức lập phần xin đăng ký đầu tư thì đến nay mới làm, khi đã có khu công nghiệp mới bắt đầu triển khai", vị đại diện Amata cho biết. 

Theo đề xuất của Amata, quy hoạch thành phố thông minh Amata Hạ Long sẽ được nghiên cứu, đầu tư trên diện tích 1.720ha. Trong đó, 456,1ha sẽ là đất dành cho khu dân cư; 560,2ha là khu giáo dục và đào tạo; 703,8ha còn lại sẽ là khu hỗn hợp. Thành phố sẽ đáp ứng nhà ở sinh thái cho hơn 200.000 người dân, nơi làm việc đạt chuẩn quốc tế cho hơn 218.000 lao động, thời gian hoàn thành trong năm 2035.

Điểm nhấn là được trang bị đồng bộ, hiện đại như hạ tầng vận chuyển thông minh, cộng đồng thông minh, môi trường thông minh, năng lượng thông minh…