Đại học Thái Bình Dương thành lập Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế

Kim Yến - 08:40, 03/06/2019

TheLEADERSau hơn mười năm phát triển, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và tầm nhìn chiến lược trong xu thế hội nhập toàn cầu, Trường đại học Thái Bình Dương đã thành lập Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế do TS. Nguyễn Thị Từ Huy làm viện trưởng.

Đại học Thái Bình Dương thành lập Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế
Các đại biểu trong lễ ra mắt Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế

Viện hợp tác Nghiên cứu quốc tế, thuộc Đại học Thái Bình Dương (POU) có nhiệm vụ thiết lập các chương trình làm việc với các đồng nghiệp quốc tế, kết nối mạng lưới các đồng nghiệp trong nước trong mục đích quốc tế hóa và phát triển nghiên cứu ở Việt Nam.

Viện sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu, dịch thuật, sinh hoạt học thuật định kỳ trên nguyên tắc hợp tác và tôn trọng các tiêu chí về chất lượng.

Phát biểu trong lễ ra mắt ngày 31/5/2019, TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho biết, Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế mong muốn tạo lập một mạng lưới kết nối các học giả, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, trong và ngoài nước. 

Các chương trình của viện được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Các công bố tuân thủ quy trình bình duyệt và các ấn phẩm dịch tuân thủ quy trình hiệu đính của các nhà chuyên môn. Đồng thời, trong phạm vi công việc của mình, viện sẽ cố gắng thực hiện trách nhiệm của mình đối với nền giáo dục nói chung và đối với nền học thuật của nước nhà nói riêng.

Sau khi rời đại học Hoa Sen, TS. Bùi Trân Phượng đã trở thành Chủ tịch HĐQT của POU. Một tên tuổi khá quen thuộc trong giới kinh doanh cũng nằm trong HĐQT của POU đó là ông Nguyễn Thanh Toại, nguyên Phó tổng giám đốc ACB.

Trường đại học Thái Bình Dương ra mắt Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế
Từ trái qua phải: Ông Hoàng Phong Tuấn, Phụ trách Quỹ Dịch thuật và Viện trưởng Nguyễn Thị Từ Huy

Chia sẻ về chiến lược sắp tới của POU, bà Phượng cho hay, POU đang tập trung phát triển các ngành như quản trị kinh doanh, du lịch, ngôn ngữ học. Kỳ vọng của POU là tập trung phát triển liên ngành trong chiến lược mười năm tới. Riêng khoa công nghệ thông tin còn khá yếu, POU mong muốn phát triển thành khoa khoa học và công nghệ. Khoa Du lịch sẽ đưa vào Khoa Ngôn ngữ và văn hoá để mở rộng hơn. 

Đặc biệt, POU sẽ xây dựng Khoa Kinh tế biển và khoa học xã hội - hai bộ môn vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại, nhưng đang bị "ghẻ lạnh". Trong khoa học xã hội, POU sẽ ưu tiên phát triển các ngành về tâm lý.

Hannah Arendt - Chương trình đầu tiên của Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế

Hannah Arendt là chương trình đầu tiên của Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế (Đại học Thái Bình Dương) thực hiện nhằm mục đích giới thiệu các tác phẩm triết học của Hannah Arendt và phát triển nghiên cứu về Arendt ở Việt Nam.

Theo lãnh đạo viện, việc giới thiệu các thành tựu tư duy của Arendt là cần thiết, không chỉ bởi vì bà là một trong những triết gia chính trị học hàng đầu của thế kỷ XX và vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thời đại chúng ta ngày nay, mà còn bởi vì các suy nghĩ của bà sẽ có đóng quan trọng đối với đời sống tinh thần và xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó để suy nghĩ và tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề đặt ra, ở phạm vi từng địa phương, cũng như toàn cầu.

Ngay sau lễ ra mắt, toạ đàm Các vấn đề toàn cầu và những cách nhìn nhận địa phương của TS. Lisa Stenmark (San Jose State University), người chịu trách nhiệm chính về chương trình Hannah Arendt đã đặt ra nhiều góc nhìn thú vị.

Trường đại học Thái Bình Dương ra mắt Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế 1
Tiến sĩ Lisa Stenmark

Theo Arendt, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các dân tộc trên trái đất đều chia sẻ hiện tại chung. Hiện tại chung này có thể bao hàm một tương lai chung, thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề không thể giải quyết bởi một cộng dồng. Trong khi đó, thật không may khi nhân loại cùng chia sẻ một hiện tại và một tương lai nhưng không chia sẻ quá khứ. Điều này đồng nghĩa với việc không có lịch sử chung hoặc khuôn khổ chung để thấu hiểu và giải quyết những vấn đề này.

Một trong những giải pháp cho vấn đề trên là tạo ra một “nền văn hoá toàn cầu”, cùng với nền kinh tế toàn cầu và quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp nhân loại giải quyết các vấn đề của mình, bởi vì một “nền văn hoá toàn cầu” sẽ tước đi các viễn cảnh đa dạng, cần thiết để giải quyết một cách sáng tạo các cuộc khủng hoảng hiện tại.

Hannah Arendt đề xuất một ý tưởng thay thế cho ý tưởng về văn hoá toàn cầu. Bà cho rằng, thế giới hiện đại đang mang đến những kinh nghiệm và thách thức mà lối suy nghĩ truyền thống không thể mô tả. Vì thế, không thể hướng dẫn chúng ta quyết định cách ứng phó với vấn đề

Theo Arendt, giải pháp cho vấn đề này là phải chấp nhận một quan điểm đứng ngoài mọi truyền thống đặc thù; kinh nghiệm về việc đứng ngoài mọi nền văn hoá hay truyền thống đặc thù thường gây cảm giác mất phương hướng, nhưng đó là một giải pháp có thể mở ra những viễn cảnh có tính sáng tạo, cho phép cùng lúc nhìn thế giới từ nhiều góc độ khác nhau - một kỹ thuật mà Hannah Arendt đã khám phá thông qua khái niệm kể chuyện.

Do đó, Arendt đề xuất một cách thức để đối mặt với những thách thức của toàn cầu hoá và khả thể của một hình thái công dân toàn cầu, không đòi hỏi một nền văn hoá toàn cầu, mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trong và giữa các nền văn hoá đặc thù.

Học giả Việt Nam và người Việt Nam nói chung có thể đóng góp cho sự hiểu biết về toàn cầu hoá và cách Việt Nam có thể đối phó với những thách thức của nó bằng việc đưa ra một viễn cảnh đặc thù, dựa trên lịch sử và truyền thống độc đáo của Việt Nam. Một khía cạnh quan trọng của nền lịch sử độc đáo này, đó là người Việt Nam có truyền thống lâu đời trong việc suy nghĩ ở giữa các nền văn hoá.

Đây là giải pháp thay thế cho các phương pháp tiếp cận của trí thức phương Tây và là phương pháp tương thích với phương pháp của Arendt.