Dân “suýt” cõng phí trạm Tào Xuyên thêm 20 năm: Trách nhiệm thuộc về ai?

An Chi - 08:10, 15/08/2017

TheLEADERDự kiến thu phí trong 27 năm 7 tháng, thế nhưng chỉ trong vòng 7 năm 2 tháng khai thác, trạm thu phí Tào Xuyên đã có lãi được hơn một năm. Theo nhiều chuyên gia nhận định, trách nhiệm lớn nhất để xảy ra thực trạng này thuộc về cơ quan thẩm định, phê duyệt và giám sát dự án.

Dân “suýt” cõng phí trạm Tào Xuyên thêm 20 năm: Trách nhiệm thuộc về ai?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tạm dừng thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Tào Xuyên tại km286+397 quốc lộ 1A dự án BOT xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa từ ngày 10/8.

Theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dự án giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư thì tổng mức đầu tư dự án này là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm. 

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra và giám sát thu phí tại đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, dự án chỉ cần thu 7 năm 2 tháng là đủ tổng mức đầu tư cho dự án, không cần phải kéo dài 27 năm 8 tháng như hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư trước đó.

Nguyên nhân của thực trạng này được Bộ Giao thông vận tải cho hay rằng, trong thời gian thu phí, quyết toán chi phí đầu tư và rà soát lại hợp đồng dự án, một số chỉ tiêu tính phương án tài chính thay đổi.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư của dự án giảm 36 tỷ đồng, từ 822 tỷ đồng xuống còn 786 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 156 tỷ đồng, vốn vay là 489 tỷ đồng, vốn Ngân sách Nhà nước là 141 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư giảm, lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm thu phí lại tăng cao hơn so với dự kiến tại hợp đồng. Lý do là vì di dời vị trí trạm thu phí từ Tào Xuyên đến Dốc Xây là khu vực có lưu lượng xe cao hơn so với vị trí cũ; sự tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội những năm gần đây; tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đi vào khai thác, đồng thời tuyến quốc lộ 1 Thanh Hóa - Vinh được mở rộng, tạo điều kiện giao thông dễ dàng, thu hút lượng xe lớn lưu thông qua trạm thu giá của dự án.

Bên cạnh đó, phương án tài chính của phụ lục Hợp đồng số 3/38-CĐBVN/HĐ/2008 tính trùng lãi phần vốn BOT. Những chỉ tiêu đầu vào để tính phương án tài chính thay đổi dẫn đến thời gian thu hoàn vốn của dự án giảm xuống còn 7 năm 2 tháng. Do đó, thời điểm thu tạo lợi nhuận của nhà đầu tư sớm hơn dự kiến 20 năm. 

Theo phụ lục hợp đồng dự án, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án đã kết thúc. Tính đến ngày 31/7/2017, nhà đầu tư đã thu tạo lợi nhuận được hơn 1 năm. Số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra.

Vì những lý do trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ tạm dừng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên để tiếp tục đàm phán và xử lý theo quy định.

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Thế Minh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dự án rút ngắn tới trên 20 năm thu phí chứng tỏ khâu thẩm định, phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có vấn đề. Đây cũng là thực trang chung của rất nhiều các dự án BOT được thực hiện trong thời gian vừa qua. Việc triển khai khá ồ ạt và thiếu sự kiểm soát dẫn đến mục tiêu thực hiện các dự án BOT phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư – người sử dụng không đạt được. 

Để xảy những sai sót như vậy, trách nhiệm của khâu thẩm định, phê duyệt và giám sát dự án là một trong những yếu tố rất quan trọng. Theo ông Minh, nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác lập hồ sơ dự án còn nhiều thiếu sót, không tính toán chính xác các khoản chi phí so với thực tế. 

Bên cạnh đó, năng lực quản lý của Nhà nước còn nhiều bất cập, khiến nhà đầu tư thao túng từ khâu lập dự án đến khảo sát lưu lượng phương tiện, nâng giá thu phí cao hơn so với thực tế, không xác định đúng số lượng xe qua trạm… dẫn đến lên phương án thu phí hoàn vốn bị chênh lệch quá lớn theo hướng có lợi cho chủ đầu tư.

Một vấn đề nữa hiện nay là việc thu phí không có quy hoạch cụ thể dẫn đến việc lạm thu phí của Bộ Tài chính, Bộ Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương. Bởi thực tế là tỉnh nào cũng muốn có trạm thu phí đoạn đường qua tỉnh mình. Từ đó dẫn đến các trạm thu phí dày đặc, người dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc, vừa mất tiền vừa mất thời gian. 

Trong khi đó, mức phí cao cuối cùng lại được đổ lên chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm… trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

"Trách nghiệm của việc để xảy ra thực trạng này thuộc cơ quan quản lý của các bộ. Các dự án BOT phải đảm bảo có lãi nhưng không phải muốn thu phí như thế nào cũng được. Nếu Chính phủ không yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại thời gian thu phí của các dự án BOT theo giá trị hợp đồng sau quyết toán thì người dân sẽ bị thua thiệt đến bao giờ” ông Minh phân tích.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cầu đường khác cũng cho rằng, mấu chốt ở đây là vấn đề công khai minh bạch của dự án và năng lực giám sát của các cơ quan quản lý. Nếu tiến hành đúng mọi thứ theo trình tự chặt chẽ thì chắc chắn sẽ không để xảy ra tình trạng như vậy.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc đưa vào hoạt động các trạm thu phí tự động hóa, chỉ thu phí một lần trên toàn bộ chặng đường di chuyển của người dân. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát... nhằm tránh những "trạm thu phí Tào Xuyên" thứ hai, thứ ba... xảy ra gây thiệt thòi cho người tham gia giao thông.