Đầu tư gì trong năm 2018?

Lạc Nhật - 08:05, 23/02/2018

TheLEADERKhi nền kinh tế có chuyển biến tích cực, các kênh tài chính đều có khả năng thu hút nguồn tiền, nhất là những kênh thu lãi cao, ổn định. Ngoài chứng khoán, vàng hay bất động sản, ngoại tệ thì tiền mã hóa (tiền ảo) cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc trong năm 2018.

Đầu tư gì trong năm 2018?
Nhiều lựa chọn đầu tư trong năm 2018. Ảnh minh họa.

Hiếm có khi nào trong 10 năm gần đây mà các kênh đầu tư cùng lúc nhận được sự quan tâm nhiều đến vậy. Xuất phát từ nền tảng tăng trưởng vượt kỳ vọng ở nhiều cột mốc về kinh tế vĩ mô giúp triển vọng tăng trưởng xuất hiện ở hầu hết các kênh đầu tư.

Nhìn lại năm 2017 vừa qua, mặc dù được dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 6,5% như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán ở thời điểm đầu năm, Việt Nam đã bất ngờ tăng tốc trong nửa cuối năm và cán mức 6,81%, vượt cả mục tiêu đề ra 6,7% của Chính Phủ, và là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của nền kinh tế.

Không giống những năm trước, sự bứt tốc tăng trưởng GDP được đánh giá thực chất hơn, không gắn nhiều với yếu tố "kỹ thuật" với sự đóng góp không nhỏ của nhóm ngành sản xuất – dịch vụ. Việc Chính phủ triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong đó xóa bỏ hàng loạt giấy phép con đã giúp doanh nghiêp tư nhân bứt phá. 

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, trường Đại học Fullbright Việt Nam, năm 2017 có sự bứt phá rất mạnh của tiêu dùng trong nước và đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân và nếu chỉ tính riêng 2 nhân tố này thì GDP thực tế có thể lên đến 8,82% là con số cho thấy nền kinh tế đang có sự bứt tốc rất lớn.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến những nhân tố khác như sự phát triển vượt bậc của xuất khẩu trong năm nay. Với tổng doanh thu xuất khẩu lên tới 213,7 tỷ USD, tăng 21% so với 2016. Một số các ngành hàng xuất khẩu chủ đạo trong năm nay bao gồm điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và dệt may. Nhờ vậy, cán cân thương mại thặng dư 2,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ 2008 đến nay.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng đạt kỷ lục với 35,88 tỷ USD, bao gồm cả các dự án đăng ký mới, tăng vốn, và góp vốn, mua cổ phần. 

Từ năm vàng của chứng khoán

Kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với sự tăng trưởng đồng đều của nhóm ngành kéo theo sự đi lên của thị trường chứng khoán trong năm vừa qua. Đây cũng được xem là kênh đầu tư gây được nhiều sự chú ý nhất của thị trường. Điểm số là điều dễ thấy nhất, chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 40% từ đầu năm đến nay, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng vào loại mạnh nhất trong khu vực châu Á.

2017 cũng là năm rất thành công trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Con số mua ròng gần 1,2 tỷ USD trong năm (chỉ tính riêng tại HOSE đến thời điểm hiện tại và chưa kể thương vụ thoái vốn tại Sabeco giá trị hơn 4,8 tỷ USD) là một kỷ lục và chính dòng vốn ngoại đã giúp củng cố xu hướng tăng của thị trường bền vững hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. 

Cũng không thể không nói đến kết quả thành công trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và bán vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ thoái vốn đã được đẩy nhanh hơn đáng kể trong năm vừa qua và kết quả thoái vốn cũng thu được những “trái ngọt” hơn cả kỳ vọng.

Chính vì thế, không có gì khó hiểu chứng khoán được xem là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất, nếu không muốn nói là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong nền kinh tế trong năm 2018 nhờ nhiều yếu tố, bao gồm GDP như đã phân tích nêu trên. 

Dù tăng trưởng rất mạnh, tuy nhiên, thị trường Việt Nam được định giá ở mức chưa cao. PE lũy kế tính đến hiện tại của ROS, VIC và SAB theo số liệu của Bloomberg đang ở mức 178, 103 và 45, chi phối vào PE toàn thị trường là rất đáng kể. Nếu loại bỏ ảnh hưởng từ các cổ phiếu này thì mức PE tại HOSE vào khoảng 15 lần, thấp hơn mức trung bình của khu vực (khoảng 17 lần). 

Ngoài ra, cơ hội từ tiến trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa, đặc biệt sau thương vụ đấu giá thứ hai 3,3% vốn của VNM và hơn 53% vốn của Sabeco khiến cho nhà đầu tư càng đặt cửa cao hơn vào thị trường chứng khoán.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, cơ hội được tham gia vào những doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế quan trọng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và dân số trẻ như Việt Nam là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài rất khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác trong một vài năm tới đây.

Vì vậy, câu chuyện thoái vốn nhà nước sẽ vẫn còn “nóng hổi” với hàng loạt cái tên đã và sẽ được nói đến như VCG, FPT, BMP, NTP, DMC…, hay hàng loạt các cuộc IPO lớn của doanh nghiệp ngành dầu khí như PVPower, PVOil, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Lọc dầu Nghi Sơn.

… đến sự thăng hoa của bất động sản

Bên cạnh chứng khoán, bất động sản được dự đoán cũng là một kênh thu hút sự chú của các nhà đầu tư trong năm 2018. So với chứng khoán, dù không hấp dẫn bằng nhưng thị trường bất động sản có mức độ đáng cân nhắc hơn khi thị trường có sự tăng trưởng ổn định và không đòi hỏi nền tảng kiến thức nhiều như chứng khoán. 

Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở vẫn liên tục tăng mạnh do quá trình đô thị hóa lần 2 ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, thì cơ hội với thị trường luôn có với các nhà đầu tư nhanh nhạy. Chưa kể hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu thuê văn phòng, kinh doanh rất lớn. Đó cũng là lý do khiến cho thị trường bất động sản luôn "nóng" ở hầu hết các phân khúc.

Tính riêng năm 2017, theo báo cáo sơ bộ từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong năm 2017 cả nước có 218 dự án bất động sản chào bán, cung cấp ra thị trường 78.877 căn hộ, 13.585 nhà phố và biệt thự, 22.710 nền đất và 22.837 sản phẩm condotel. Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư thành công tại thị trường Hà Nội trong năm 2017 đạt 20,776 căn còn tổng lượng giao dịch nhà ở chung cư tại TP. HCM trong năm 2017 đạt 40.786 giao dịch.

Nhìn chung, lĩnh vực đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản đã vượt qua được thời kỳ khó khăn, đang tiếp tục phát triển. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, có tầm cỡ quốc tế, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt đô thị.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành bất động sản dẫn đầu với mức tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016. Số vốn đăng ký kinh doanh năm 2017 của các doanh nghiệp bất động sản là 388.376 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất lên đến 30% trong vốn bất động sản. Ngành bất động sản cũng là ngành có vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp cao nhất, đạt 76,7 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Kinh doanh bất động sản là một trong 03 lĩnh vực thu hút sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đăng ký đầu tư trong 10 tháng năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án bất động sản tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016 đồng thời hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tăng 3,86% so với cùng kỳ.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam nhận định, cơ sở hạ tầng hoàn thiện cũng như đang triển khai tích cực là động lực khiến thị trường bất động sản 2018 tiếp tục phát triển tốt. Ở các phân khúc giá bán cũng như độ hấp thụ dự đoán sẽ tăng trong năm nay, nhất là các dự án có vị trí đắc địa, tiện ích hoàn chỉnh và chủ đầu tư uy tín. Riêng phân khúc tầm trung sẽ vẫn luôn ổn định trên thị trường khi thu nhập bình quân đầu người liên tục cải thiện đồng đều qua các năm.

Ghi nhận cho thấy, ở một số dự án, giá mua nhà của người sử dụng đã cao hơn nhiều so với giá mà chủ đầu tư bán ra lần đầu. Một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh, giá cũng đã được thị trường liên tục đẩy lên ngay từ thời điểm đầu năm.

Cũng cần nói thêm, cả bất động sản lẫn chứng khoán đều đang có sự hỗ trợ lẫn nhau khá rõ nét khi số lượng doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán huy động vốn đang ngày càng nhiều. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017 đã có tới gần 10 doanh nghiệp niêm yết và có bước tăng trưởng giá khá tốt, mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư như VPI, KOS, LEC… 

Dự kiến trong năm 2018, thị trường sẽ có hàng loạt tên tuổi nữa như Hải Phát Invest, BIDGroup, CENLand,….mang lại nguồn hàng phong phú và tiềm năng cho nhà đầu tư chứng khoán.

…cùng sự trỗi dậy của tiền ảo

Ngoài chứng khoán và bất động sản, năm 2017 vừa qua không thể bỏ qua câu chuyện nóng sốt của thị trường tiền ảo. Liên tục xô đổ kỷ lục, có lúc vượt qua mốc 20.000 USD/coin, chưa bao giờ bitcoin/tiền ảo lại đắt giá như vậy trong cuộc đua với tiền thật khi tháng 1/2016, đồng tiền này có giá chưa tới 400 USD.

Sự trỗi dậy của bitcoin được xem là hiện tượng, bất chấp những lo ngại về tình trạng bong bóng giá đối với các đồng tiền ảo này, nhưng thực tế phải thừa nhận với mức tăng quá mạnh, đầu tư tiền ảo trở thành trào lưu mạnh mẽ không chỉ trên thế giới, mà còn tại Việt Nam. 

Hoạt động đào tiền ảo (coin, nhất là Bitcoin) gần đây diễn ra khá sôi động và đầu tư tiền ảo đã trở thành một kênh hút vốn đầu tư không nhỏ. Hoạt động này không chỉ len lỏi phát triển ở trung tâm các thành phố lớn mà còn lan tới nhiều vùng quê xa.

Sự hấp dẫn của đầu tư tiền ảo khi Bitcoin và các đồng tiền khác có thể tăng đột biến chỉ trong vài giờ nhưng cũng có thế giảm tương ứng. Hồi tháng cuối tháng 11/2017, Bitcoin tăng từ 8.700 USD lên mức gần 20.000 USD, rồi sau đó xác lập mức đáy dưới 11.000 USD. 

Sóng tăng trưởng của Bitcoin đã giúp khá nhiều nhà đầu tư lướt sóng thu món lời gấp 2 – 3 lần so với giá vốn bỏ ra. Tất nhiên, không phải tất cả những nhà đầu tư đều "có quà" khi đến với Bitcoin khi mà có nhiều nhà đầu tư giờ đang "canh cánh" với khoản lỗ thường trực lên tới 2 con số.

Giai đoạn cuối năm 2017, mặc dù cơn sốt tiền ảo đã giảm nhiệt, tuy nhiên, thực tế năm 2018, các đồng tiền điện tử sẽ có nhiều thay đổi khi các ngân hàng trung ương để mắt tới nền tảng công nghệ đứng đằng sau nó là Blockchain. Việc nghiêm túc xem xét công nghệ này để quản lý, giám sát hoạt động của tiền ảo đồng thời ứng dụng trong các trung gian thanh toán có thể sẽ giúp tiền ảo được định danh một cách rõ ràng hơn và giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư.

…và câu chuyện của tiền gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ

Năm 2018 sẽ chứng kiến sự tỏa sáng của thị trường chứng khoán, sự 'nóng sốt trở lại của thị trường bất động sản và sự 'lên ngôi' của kênh đầu tư tiền mã hóa. Ngược lại, những kênh đầu tư có tính an toàn như thị trường vàng khá khiêm tốn khi giá vàng thế giới chỉ tăng 8%.

Tương tự, thị trường ngoại hối được kiểm soát chặt chẽ và ổn định khiến kênh đầu tư ngoại hối gần như không có sóng trong năm, tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 266 đồng, trong khi tỷ giá trên thị trường phi chính thức thậm chí còn giảm so với đầu năm 2017. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức thấp nên không mấy thu hút người gửi.

Với diễn biến những năm gần đây cho thấy kênh đầu tư tỷ giá khó có thể tạo đột phá khi thị trường ngoại hối ngày càng được quản lý linh hoạt và tốt hơn, nhất là dự trữ ngoại hối năm 2017 đã đạt 52 tỷ USD, giúp Ngân hàng Nhà nước có nguồn lực mạnh để can thiệp thị trường mỗi khi cần thiết. Các thương vụ thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp lớn trong thời gian tới sẽ tiếp tục là nguồn cung ngoại tệ đáng kể cho thị trường.

Với chính sách theo đuổi lãi suất thấp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thì mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ khó có đột biến, do đó kênh tiền gửi ngân hàng cũng không mấy hấp dẫn, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều kênh đầu tư khác tiềm năng hơn và số lượng nhà đầu tư có kinh nghiệm đang tăng nhanh.

Tuy nhiên, thị trường vàng được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2018, khi nhu cầu đầu tư an toàn phục hồi trở lại trước rủi ro của nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa - chính trị có thể leo thang. 

Diễn biến thực tế cho thấy sau khi tăng 2,2% trong tháng cuối năm 2017, giá vàng thế giới những ngày đầu năm nay tiếp tục đi lên và hiện đã vượt vùng 1.300 USD/oz. Giá dầu phục hồi cũng gây áp lực lên lạm phát và khiến những thị trường có tính chất chống lại sự mất giá tiền tệ như vàng được lợi.