'Đây là lúc Chính phủ phải bơm máu thật nhanh để cứu doanh nghiệp'

Phương Linh - 07:04, 09/11/2021

TheLEADERChuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, một gói hỗ trợ khoảng 10% GDP kéo dài trong hai năm sẽ giúp các doanh nghiệp hồi phục nhanh sau đại dịch.

'Đây là lúc Chính phủ phải bơm máu thật nhanh để cứu doanh nghiệp'
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Doanh nghiệp cần lượng vốn lớn để phục hồi chứ không phải ưu đãi nhỏ giọt

Tình hình kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Tăng trưởng kinh tế quý III/2021 chứng kiến sự suy giảm rất mạnh, lần đầu tiên sau nhiều năm đổi mới, GDP giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.

Trong 10 tháng năm 2021, có 48,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16% so với quý III/2020. Cũng trong giai đoạn này, khoảng 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân trong một tháng, cả nước có khoảng 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những con số này đặt ra nhiệm vụ vô cùng thách thức trong việc phục hồi kinh tế những tháng còn lại của năm. Trong khi đó, chỉ còn chưa tới hai tháng nữa là hết năm 2021.

Trong tình thế hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần một gói cứu trợ cực mạnh để hồi phục. 

"Đây là lúc Chính phủ phải bơm máu thật nhanh để cứu doanh nghiệp, nếu không là ngất", ông Thiên nói.

Hiện nay, nhiều ý kiến vẫn còn tranh luận về gói hỗ trợ kinh tế khoảng bao nhiêu % GDP, song theo ông Thiên, có lẽ sẽ không thể như năm ngoái là 2% mà các doanh nghiệp cần một sự hỗ trợ lớn hơn.

Có thể, sẽ không đến mức như Nhật Bản (lên đến 40-50% GDP), bởi ở Nhật có hệ thống bảo đảm và nguồn lực lớn, song gói hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nên quá thấp. Gói hỗ trợ nền kinh tế nên ở mức 10% GDP trong 2 năm hoặc có thể kéo dài hơn để giúp các doanh nghiệp phục hồi.

Việc thực thi chương trình hỗ trợ này sẽ là câu chuyện đòi hỏi hoạt động giám sát và kiểm tra thận trọng để vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống, đồng thời tạo được động lực phục hồi và nắm bắt thời cơ tốt nhất cho nền kinh tế.

"Gói hỗ trợ 2% đã rất chật vật, thì 10% còn vất vả hơn rất nhiều, nhưng lần này là chúng ta vẫn phải làm. Khó khăn lúc này đòi hỏi Chính phủ nỗ lực nhiều hơn nhiều lần. Tôi tin, nếu chúng ta có một hệ thống khuyến khích đúng thì chúng ta sẽ làm được", ông Thiên nhấn mạnh.

Về cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có điều kiện đứng dậy trước, có khả năng phục hồi sớm nhất để lan tỏa điều tích cực đến toàn nền kinh tế và các doanh nghiệp khác.

Tại talk show "Trỗi dậy sau khủng hoảng", ông Thiên dẫn chứng một ví dụ: "Trong nhà có 10 đứa con đều đói siêu vẹo, nếu chỉ có mỗi 2 bơ gạo mà chia đều cho 10 người, toàn sức trẻ cả, còn bố mẹ, ông bà con nít thì chắc là chết hết. Câu chuyện hiện nay không phải là bảo toàn được tất cả trong ngắn hạn mà phải giải bài toán cứu cả gia đình trong dài hạn. 

Chính vì vậy, 2 bơ gạo đó nên tập trung nuôi 3 người khỏe nhất trong nhà, còn tất cả phải nhịn, cố nhịn. 3 người khỏe nhất này sẽ đứng dậy, đi làm và mang về 20 bơ gạo, nhờ đó, cả gia đình sẽ được cứu sống".

Tương tự như vậy, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay không phải là vấn đề lợi ích của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nào được hỗ trợ nhiều hơn, mà là tương lai của đất nước. Chính phủ phải hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn để kéo cả nền kinh tế đứng dậy, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo như chuyên gia của Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam cách đây 10-15 năm, tỷ phú Việt Nam chỉ có vài người, nhưng bây giờ con số này đã lớn hơn rất nhiều lần. Đây là một sức vươn lên cực mạnh, không còn quá "èo uột" như ngày xưa nữa, mà cấu trúc tỷ phú càng ngày cho chúng ta thấy không chỉ ở mỗi lĩnh vực bất động sản. 

Lực lượng "đại bàng" của Việt Nam bắt đầu xuất hiện, tạo ra một khí thế, làm trụ cột cho nền kinh tế tốt. Trong một nền kinh tế đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất yếu, thì đây chính là thời điểm cần nhìn rõ vai trò của những tập đoàn lớn để giúp cho nền kinh tế đứng dậy.

Cho nên, những doanh nghiệp đại bàng ở Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận mới, đặc biệt trong thời hậu Covid-19. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đã phải dành một quỹ cho vay đối với những doanh nghiệp lớn. Họ sẽ vay một lượng rất lớn, mà không chắc gì từng ngân hàng riêng lẻ có thể đáp ứng được. Ngân hàng còn phải lo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Do đó Chính phủ cần phải quan tâm, ban hành một gói vay cho những tập đoàn lớn để làm trụ cột cho nền kinh tế phát triển. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, ông Thiên nhấn mạnh.

Nếu đóng cửa mãi, nền kinh tế thị trường sẽ "chết"

Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ về cơ chế, phải thông đường, thông chính sách cho doanh nghiệp.

Thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài vừa qua đã khiến chuỗi cung ứng của toàn nền kinh tế bị đứt gãy nặng nề, các doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh hết sức lao đao. Nếu tình trạng này còn kéo dài, nền kinh tế thị trường sẽ khó có thể hồi phục.

Bi kịch của câu chuyện nông sản, hàng hoá không thể tiêu thụ chính là bài học đắt giá cần rút ra trong thời gian vừa qua. Muốn kinh tế thị trường phát triển, hoạt động lưu thông trong nền kinh tế từ hàng hoá, lao động đến dòng tiền cần được thông suốt.

Muốn vậy, theo ông Thiên, quan điểm về dịch và tình thế chống dịch hiện nay đã thay đổi. Việt Nam không còn chạy đua theo nguyên lý "zero-Covid", theo nghĩa là phải "làm sạch" xã hội này khỏi virus thì mới có thể làm ăn kinh tế được.

Quan điểm mới về dịch này tạo không gian cho mở cửa nền kinh tế trở lại, để mọi nguồn lực được phát huy một cách bình thường, đặc biệt là nguồn lực lao động sau một thời gian bị đứt đoạn, bị phong tỏa. Điều này rất quan trọng, tức là thay đổi quan điểm về dịch, cách chống dịch cũng như cách bảo đảm an toàn cho xã hội, để chống lại khái niệm khủng hoảng kép, trong đó có khủng hoảng y tế.

Thứ hai, nền kinh tế thế giới bắt đầu bình thường hóa trở lại, thậm chí nhiều nơi trên thế giới suốt cả năm nay đã đang trở lại bình thường. Có một số lĩnh vực then chốt, khó khăn nhất như du lịch, hàng không, để mở cửa trở lại thì nhiều nước cũng đã đang triển khai.

Việt Nam với độ mở cửa cao trong bối cảnh thế giới mở cửa chính là điều kiện để tiếp cận với không gian phát triển, điều kiện phát triển bình thường của Việt Nam.

Thứ ba, cách tiếp cận của Nhà nước, bao gồm trực tiếp có Chính phủ, Quốc hội, là hướng đến câu chuyện theo tầm dài hạn chứ không phải chỉ cấp cứu. Cần bớt cách tiếp cận kiểu cứu nguy, đặt vấn đề theo cách tổng thể hơn, tương thích với tiếp cận chống dịch.

Trên 3 nền tảng ấy, nền kinh tế đang chuẩn bị tinh thần để hoạt động trở lại. Ngay cả ở những chỗ khó khăn nhất như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, khí thế cũng đang trở lại tích cực. Đấy là những điều kiện đảm bảo khả năng phục hồi và trỗi dậy cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Thiên nhấn mạnh.