Để tránh bị lừa khi giao dịch thương mại xuyên biên giới

Tùng Anh - 09:17, 24/03/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là qua hình thức thương mại điện tử, gặp phải không ít rủi ro.

Để tránh bị lừa khi giao dịch thương mại xuyên biên giới
Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD.

Là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Ngô Khắc Lễ không ít lần đồng hành cùng doanh nghiệp trong những chuyến đi “đòi lại công bằng” sau những lần “mắc bẫy” khi kinh doanh xuyên biên giới. Có nhiều lần thành công nhưng cũng có những lần thất bại vì chính những sơ hở, chủ quan của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao dịch thương mại xuyên biên giới chỉ thông qua thiết bị điện tử không dây là điện thoại di động. Dù đã chuyển tiền được một thời gian dài, doanh nghiệp này vẫn không nhận được hàng trong khi vẫn duy trì liên lạc.

Nghĩ mình bị lừa, doanh nghiệp này tìm gặp ông Lễ và đề xuất ông cùng đi ra nước ngoài để tìm kẻ lừa đảo. Qua nước ngoài được mấy ngày, họ vẫn có thể tiếp tục nói chuyện với “doanh nghiệp bí ẩn” kia qua điện thoại di động. Cảnh sát nước sở tại vẫn trao đổi được với họ thông qua số điện thoại đó.

Điều đáng nói là cảnh sát nước sở tại cho biết họ không thể xác định được liệu rằng số điện thoại kia có phải thuộc mạng di động ở nước của họ hay không.

Đến lúc này, doanh nghiệp mới tìm lại số điện thoại trong hợp đồng để gọi và tra cứu thông tin thì phát hiện ra một sơ hở rất lớn ngay từ khâu đầu tiên là số điện thoại này thiếu mất một số. Các địa chỉ trên hợp đồng đều là địa chỉ ma hoặc địa chỉ của một đơn vị khác.

“Đến phía bắc của quốc gia đó thì dân cư bảo không có công ty nào như vậy. Đến chi nhánh phía nam thì hoá ra chỉ là một hiệu sách, không có dịch vụ tàu bè gì cả”, ông Lễ kể lại.

Tránh bị lừa khi giao dịch thương mại xuyên biên giới
Ông Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Để tránh rủi ro khi giao dịch thương mại xuyên biên giới qua thương mại điện tử, ông Lễ khuyên, đầu tiên phải điều tra đối tác cụ thể, xác định rõ phương thức lưu giữ thông tin.

Nhiều người dùng zalo, viber, lẫn lộn việc chung riêng, đến khi có tranh chấp, không phân tách được. Khi được yêu cầu hồ sơ để giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp không lưu lại được các bản các bên đã sử dụng. Có những bản trên điện tử có thể tự động xóa khi đối tượng thay đổi.

Ông Lễ nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải lưu giữ được các thông tin, văn bản để khi tranh chấp có thể kiểm tra. Thư điện tử cũng được coi là văn bản. Có thể sao lưu những email, đoạn tin nhắn ra nhiều nơi, và khi có tranh chấp có thể mang máy tính đến để lấy được văn bản.

Ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Kênh bán hàng và phân phối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng chỉ ra 5 rủi ro khá phổ biến mà ông rút ra được trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đầu tiên là rủi ro thương mại. Cụ thể, người nhập khẩu chậm hoặc không thanh toán, biến động giá cả thị trường do chính trị, thiên tai...

Để hạn chế, doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp thẩm định thông tin đối tác thận trọng (KYC), chỉ chọn đơn vị tin cậy, có lịch sử thanh toán đúng hạn. Doanh nghiệp nên chia thành nhiều đợt chuyển tiền (đặt cọc, chuyển một phần, chuyển hết khi nhận đủ hàng, kết hợp các phương thức thanh toán khác nhau như 30% bằng TT, 70% bằng L/C).

Rủi ro thứ hai là rủi ro biến động tỷ giá. Thứ ba là rủi ro về đạo đức. Chẳng hạn, người nhập khẩu không nhận hàng, từ chối thanh toán; người chở hàng biến mất, rút ruột, làm hỏng hàng; người giao nhận chứng từ cấu kết người mua rút ruột thay thế bộ chứng từ để đi lấy hàng...

MSB kiến nghị có biện pháp KYC đối tác, lựa chọn đối tác có quan hệ lâu năm, kết hợp phương thức trả trước một phần hoặc bảo lãnh ngân hàng; chọn hãng vận tải uy tín, có tên tuổi hoặc chọn phương thức thanh toán không phải thuê vận tải, lộ trình chuyên chở kiểm soát trực tuyến.

Thứ tư là rủi ro pháp lý. Khi doanh nghiệp hạn chế kiến thức có thể xác lập hợp đồng với quyền lợi bất lợi, cần lập bộ phận chuyên trách hoặc sử dụng lĩnh vực tư vấn chuyên sâu về luật pháp quốc tế.

Cuối cùng là rủi ro về vận hành. Có trường hợp trình độ tham gia của các bên còn yếu dẫn đến sai sót từ khâu soạn hợp đồng, lập chứng từ dẫn đến khả năng chậm hoặc không được thanh toán.