Đi tàu lửa bị ép mua suất ăn: Người nghèo lãnh đủ

Hoàng Mạnh Hà - 15:42, 01/11/2017

TheLEADERMới nghe chuyện đi tàu kèm suất ăn có chất lượng như trên máy bay, nhiều người sẽ lạc quan vì tưởng chất lượng phục vụ trên tàu lửa đang được gắn sao.

Đi tàu lửa bị ép mua suất ăn: Người nghèo lãnh đủ
Hành khách mua vé tàu lửa tại Ga Sài Gòn. Ảnh Trâm Anh

Từ đầu năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai việc bán vé tàu lửa cộng thêm suất ăn.  Theo lời ông Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh, suất ăn được cung cấp trên tàu lửa có chất lượng như trên máy bay.

Điều đáng nói nhất trong kế hoạch này là ăn thì như đi máy bay nhưng khách hàng lại không có quyền lựa chọn như đi máy bay. Nếu đi máy bay hành khách được tự do chọn lựa mua hoặc không mua suất ăn cùng với vé. Còn khi mua vé tàu lửa, dù muốn dù không, hành khách vẫn phải trả thêm tiền suất ăn, không muốn ăn thì đổ đi mà vẫn mất tiền! 

Đi máy bay, chặng dài nhất là Hà Nội đi TP. HCM cũng chỉ mất hai tiếng, cùng lắm thì khách ăn một lần. Đi tàu lửa thời gian kéo dài mấy ngày, khách sẽ bị bắt buộc phải mua thêm rất nhiều bữa chính và bữa phụ trong suốt hành trình. Một khoản chi phí không hề nhỏ với những người lao động nghèo.

Ngồi bàn về chuyện “suất ăn đính kèm vé” này, một ông bạn nhà văn của tôi lắc đầu nguầy nguậy. Ông bảo, ngoài nhu cầu dịch chuyển, người đi tàu lửa còn có nhu cầu khám phá. Nhiều người chọn tàu lửa vì muốn khám phá thiên nhiên dọc đường, thưởng thức các sản vật địa phương. Đến Tam Kỳ ai chẳng háo hức muốn thưởng thức món cơm gà Tam Kỳ trứ danh. Đến Huế, người làm bát cơm hến, người hít hà bên vị cay của tô bún bò Huế… Còn biết bao sản vật địa phương đang chờ ở mỗi sân ga!

Nếu ép mua suất ăn của ngành đường sắt, còn gì nét thi vị của những chuyến tàu. Với người nghèo, việc ăn uống là một gánh nặng không hề nhỏ trong gói lộ phí của họ. Thế nhưng, họ sẽ biết cách tùy cơm gắp mắm. Họ có thể chuẩn bị những thức ăn phù hợp mang theo như cơm nắm, bánh trưng, bánh tét, hoặc ít đồ khô… Có người thì “chống đói” bằng những mẩu bánh mì, cái bánh bao mua ở sân ga hoặc từ người bán dạo…

Bất kỳ lĩnh vực nào cũng thế, ép buộc, không tôn trọng quyền tự do chọn lựa của con người là điều đáng phải lên án. Ở lĩnh vực giao thông, nạn ép hành khách phải ăn thứ người ta không muốn ăn, ép phải vào quán mà người ta không muốn vào đã được định danh rõ đó là cơm tù. Lẽ nào nạn “cơm tù” lại xuất hiện trong ngành đường sắt, một loại hình giao thông được coi là khá văn minh.