Điểm nghẽn cản trở kinh tế Đông Nam Bộ phát triển

Tùng Anh - 15:02, 10/07/2022

TheLEADERHạ tầng không theo kịp, liên kết vùng còn yếu, ngành công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa bền vững và đồng bộ, yếu tố đổi mới sáng tạo còn chưa cao...là những lý do chính khiến tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng khó đạt kỳ vọng.

Điểm nghẽn cản trở kinh tế Đông Nam Bộ phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dù đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn được đánh giá là đang phát triển dưới mức tiềm năng. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều chỉ tiêu quan trọng đặt ra chưa đạt được như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước,...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thêm, vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm, hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước. 

Kể ra những điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, ông Dũng nhấn mạnh yếu tố hạ tầng. Theo đó, kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

Điểm nghẽn cản trở kinh tế Đông Nam Bộ phát triển
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TP.HCM, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có,... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

"Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng", ông Mãi đồng tình.

Hạ tầng xã hội cũng chưa theo kịp sự phát triển. Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ. Các sản phẩm chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Việc phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý. Các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ việc thể chế hiện hành chưa đủ mạnh để khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng.

Lãnh đạo "đầu tàu kinh tế" của cả nước, ông Mãi nhìn nhận, đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng, việc TP. HCM tăng trưởng chậm trong những năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng. Khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố này so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu, các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số gia tăng.

Vùng Đông Nam Bộ đang phát triển dưới mức tiềm năng 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần phát triển bền vững kinh tế vùng

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong thời gian tới cần phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng Đông Nam Bộ; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Thủ tướng cho rằng, cần tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược gồm: xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số.

Đồng thời, cần một cơ chế điều phối, "nhạc trưởng" cho liên kết vùng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.

Các bộ ngành tích cực, chủ động phối hợp, xử lý các vấn đề đặt ra với các địa phương trong vùng, không để các địa phương phải "chạy lên chạy xuống" nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề. 

Thủ tướng nhấn mạnh cần có các cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động và sử dụng các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh xã hội.

Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, nhất là tập trung tiêm vaccine cho người dân; khắc phục các yếu kém trong lĩnh vực y tế, nhất là tình trạng thiếu thuốc; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh công tác quy hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội; chủ động ứng phó với các vấn đề nảy sinh...