Diễn biến mới khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin

Minh An - 09:22, 19/09/2017

TheLEADERTechcombank mới đây đã xuất hiện trong vai trò bên thụ hưởng của công cụ tài chính do DATC phát hành nhằm tái cấu trúc khoản nợ của SBIC (trước đây là Vinashin).

Cuối năm 2015, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phát hành hối phiếu nhận nợ để mua lại khoản trái phiếu trị giá 191,8 triệu USD và hủy bỏ. Đây là một phần trong lô trái phiếu đã được DATC phát hành vào năm 2013 để tái cơ cấu các khoản nợ 600 triệu USD của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), trước đây là Vinashin.

Các hối phiếu nhận nợ này được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm một hối phiếu nhận nợ gốc 134,2 triệu USD và 10 hối phiếu nhận nợ lãi, mỗi khoản trị giá 9,4 triệu USD, tương đương với giá trị khoảng 5.125 tỷ đồng.

Theo các điều khoản phát hành, trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ ngày 10/11/2015, DATC phải thanh toán 422 tỷ đồng và từ năm thứ 2 đến năm thứ 10 là 4.703 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến thàng 6/2017, DATC vẫn chưa thanh toán khoản phải trả năm đầu tiên cho bên nắm giữ hối phiếu là Techcombank.

Trước đó, DATC cho biết đến cuối năm 2016, công ty này và SBIC vẫn chưa ký hợp đồng nhận nợ do phát hành trái phiếu để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của SBIC.

Khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin (nay là SBIC) đang được tái cấu trúc lần 2. Ảnh: SBIC

Theo một đề án được Chính phủ phê duyệt, cuối năm 2013, DATC đã phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 626,8 triệu USD để hoán đổi nợ gốc 600 triệu USD của SBIC. Trái phiếu mới có kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm và được thành toán một lần vào ngày đáo hạn. Trái phiếu này được Chính phủ bảo lãnh và đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.

Với việc phát hành hối phiếu trên, quy mô của lô trái phiếu này hiện còn 435 triệu USD. Giá trị bao gồm cả lãi là hơn 10.233 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016.

Không chỉ là đơn vị được chọn tái cấu trúc khoản vay quốc tế của SBIC, DATC cũng ra phát hành hơn 3.461 tỷ đồng trái phiếu cho các ngân hàng, công ty tài chính trong nước để tái cấu trúc khoản nợ của SBIC.

Các trái phiếu này được bảo lãnh của Chính phủ và có thời hạn 10 năm tính từ năm 2013. Toàn bộ gốc và lãi sẽ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn. Với lãi suất 8,9%/năm, hiện tổng giá trị gốc và lãi của lô trái phiếu này đã lên tới 4.479 tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Hối phiếu nhận nợ là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

Theo Luật Các công cụ chuyển nhượng, 2005.