'Sạc pin' cho nhân viên thời Covid-19

Kiều Mai - 10:13, 10/06/2021

TheLEADERCân bằng giữa yếu tố kinh tế và sự thấu cảm trong các quyết định liên quan đến lao động là điều quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đầy lo lắng và bất định giữa đại dịch Covid-19.

Làn sóng Covid-19 mới nhất tại Việt Nam tiếp tục kéo dài chuỗi ngày khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Dưới áp lực của dịch bệnh, các doanh nghiệp phải nhanh chóng triển khai các phương thức làm việc mới, hoặc buộc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm một phần nhân sự.

Covid-19 cũng đẩy người lao động vào hàng loạt thách thức và áp lực trong cuộc sống. Trong khi một số người đang dần thích ứng với làm việc tại nhà, một số khác rơi vào tình trạng thất nghiệp, lo lắng. Với những công việc thiết yếu, nhân viên vẫn phải đến nơi làm việc dưới áp lực và tình huống căng thẳng về an toàn cá nhân.

Theo bà Ilya Bonic, Chủ tịch, Trưởng bộ phận Chiến lược tại Công ty tư vấn toàn cầu về nhân tài, sức khỏe, hưu trí và đầu tư Mercer, cân bằng giữa yếu tố kinh tế và sự thấu cảm trong các quyết định liên quan đến lao động là điều quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đầy lo lắng và bất định giữa đại dịch toàn cầu.

Theo đó, các doanh nghiệp cần có mô hình tài chính và tư duy văn hóa tạo điều kiện cho việc chuẩn bị và đầu tư cho tương lai. Tái thiết lập các mục đích, các ưu tiên đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với bộ phận nhân sự.

Để hiểu rõ hơn vấn đề quản trị cảm xúc cho chủ doanh nghiệp và nhân viên trong bối cảnh nhiều thách thức, TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với bà Vũ Hạnh Hoa, nhà sáng lập Joy Uni, học viện đào tạo về kinh doanh theo triết lý “Làm giàu phải vui”.

Theo bà, vì sao người chủ doanh nghiệp cần quan tâm tới tâm lý, cảm xúc của nhân viên, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay?

Bà Vũ Hạnh Hoa: Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ chia sẻ với tôi rằng khi thực hiện làm việc từ xa, tinh thần nhân viên đi xuống nhiều, không ít người cảm thấy chán nản, mất động lực.

Nhiều bạn nhân viên cho biết trước đây mỗi tháng có thể gửi chút ít tiền về nhà giúp đỡ bố mẹ. Thế nhưng giờ đây dưới áp lực của dịch bệnh, công việc khó khăn, khiến không thể gửi như trước, thậm chí còn phải về nhà ăn bám bố mẹ. Điều này khiến các bạn cảm thấy rất buồn, lo lắng, không biết khi nào mọi thứ mới tốt lên.

Khi căng thẳng, con người ta hay đưa ra những quyết định không sáng suốt, nhiều bạn đã nghĩ đến việc bỏ nghề, đổi sang công việc khác.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, nếu sếp không quan tâm tới tâm lý nhân viên, không tìm cách giúp họ trở nên tích cực hơn, thì rất có thể khi dịch lắng xuống, công việc quay trở lại, doanh nghiệp lại phải đau đầu, tốn kém nhiều chi phí để đi tuyển người mới, mất công sức đào tạo, chờ đợi để người mới quen việc.

Tôi đã từng chứng kiến một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng kép, thứ nhất là do dịch, thứ hai là do mất nhân viên.

Nếu doanh nghiệp không muốn rơi vào khủng hoảng kép này, người chủ doanh nghiệp cần quan tâm tới tâm lý của nhân viên vào những thời điểm khó khăn như thế này, tìm ra các cách thức để họ cảm thấy tích cực hơn, có nhiều động lực và niềm tin hơn.

Việc quan tâm đến tâm lý của nhân viên sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp trong ngắn hạn và về dài hạn?

Điều hướng bất định Covid-19 bằng quản trị cảm xúc cho nhân viên
Bà Hoa có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý cấp trung tại BIDV, đứng đầu doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực và hiện đang hỗ trợ nhiều CEO doanh nghiệp.

Bà Vũ Hạnh Hoa: Tôi muốn chia sẻ câu chuyện về cách thức mà một chủ spa đã làm nhằm khích lệ tinh thần nhân viên trong hoàn cảnh khó khăn, để thấy được những lợi ích từ việc chia sẻ giữa sếp với nhân viên.

Ngay khi spa đóng cửa, người chủ doanh nghiệp đã liên tục bắt tay vào công việc đào tạo nhân viên, tổ chức các hoạt động giúp đội ngũ phát triển năng lực.

Bạn ấy đã truyền cảm hứng cho nhân viên đọc sách, chiếu những bộ phim truyền cảm hứng cho mọi người cùng xem, rồi yêu cầu mỗi người về viết một bài cảm nhận, đúc kết những bài học học được từ bộ phim, cuốn sách đó.

Không chỉ vậy, người sếp còn dành thời gian để làm livestream, giúp nhân viên có thêm khách hàng.

Khi làm như vậy, người chủ doanh nghiệp không những có thể tạo ra doanh thu cho công ty, tạo thu nhập cho nhân viên, mà còn khiến những người nhân viên cảm thấy biết ơn, mong muốn được gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Các bạn nhân viên khi thấy sếp mình vẫn luôn lăn xả với đội ngũ, tìm mọi cách cùng mọi người kiếm tiền, phát triển năng lực trong khi nhiều đơn vị khác uể oải về tinh thần, thu nhập sụt giảm, thì cảm thấy may mắn, tinh thần trách nhiệm làm việc tích cực lên cao để không phụ lòng sếp.

Bản thân người chủ doanh nghiệp cũng vấp phải những vấn đề về tâm lý khi công việc kinh doanh không còn thuận lợi như trước. Vậy họ cần giải quyết, cân bằng giữa thế khó của bản thân và lo lắng cho nhân viên như thế nào?

Bà Vũ Hạnh Hoa: Người chủ doanh nghiệp spa mà tôi kể trên là một người rất biết cân bằng. Bạn ấy chia sẻ được với nhân viên là bởi bản thân đã đều đặn dành thời gian để học hỏi, phát triển chính mình.

Trước khi dịch xảy đến, bạn ấy đã dành thời gian tìm hiểu, học hỏi về quyền lực mềm, về lãnh đạo tự sạc pin. Theo đó, để có thể liên tục lan toả năng lượng tích cực cho đội ngũ, chính lãnh đạo phải biết cách “sạc pin” cho mình hàng ngày.

Khi khó khăn xảy đến, bạn chủ doanh nghiệp spa đã biết cách tự sạc pin. Một trong các hoạt động là mỗi ngày dành gần 1 tiếng đồng hồ nói chuyện với những người tích cực, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn, chia sẻ những điều mới học được.

Khi liên tục được học thêm những điều mới, được tiếp xúc với những người tích cực dù chỉ là online, người chủ doanh nghiệp có thể tự duy trì trạng thái năng lượng tích cực, có sự sáng suốt để nghĩ ra các cách thức giúp việc kinh doanh tốt hơn, tạo động lực và phát triển năng lực cho nhân viên tích cực hơn.

Theo bà, người sếp có thể quan tâm đến nhân viên của mình theo những cách nào?

Bà Vũ Hạnh Hoa: Nhiều người cho rằng vật chất là quan trọng nhất và tôi không phủ nhận điều này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, đa số nhân viên (trừ một số ít người tiêu cực) đều hiểu rằng cần phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, không thể đòi hỏi quá nhiều về vật chất.

Tôi rất thích cách làm của người chủ doanh nghiệp spa trên khi bạn ấy tìm tòi cách bán hàng trực tuyến, đầu tư vào khóa học để biết cách livestream hiệu quả. Bạn ấy cũng liên tục thử cách làm mới, sửa khi không hiệu quả. Nhờ thế mà dù spa đóng cửa, công ty vẫn có thể tạo ra doanh thu, nhân viên vẫn có thu nhập.

Ngoài vật chất, các sếp rất nên tập trung vào các hành động thể hiện sự quan tâm tinh thần của nhân viên, như tổ chức các buổi họp “sạc pin” 30 phút mỗi ngày trực tuyến.

Một số nội dung có thể đưa vào buổi họp để tạo ra nhiều năng lượng như chia sẻ niềm vui. Việc đặt câu hỏi cho nhân viên “hôm qua điều gì khiến em vui” sẽ tạo cho họ thói quen chuyển hướng suy nghĩ vào điều tích cực.

Ban đầu có thể nhân viên sẽ trả lời “em chẳng thấy có gì vui cả”, thì chính sếp cần hào hứng kể về những niềm vui nho nhỏ của mình, để mang lại năng lượng tích cực cho nhân viên. Dần dần mọi người sẽ bắt đầu kể được về niềm vui của mình theo cách tự nhiên nhất.

Một hoạt động khác có thể thực hiện là chia sẻ điều mới mẻ, điều mới học được từ cuốn sách, bộ phim hay chỉ đơn giản là bài đăng trên Facebook. Trong phần này, sếp hãy làm người tiên phong, chia sẻ những điều mình học được từ cuốn sách, hoặc từ một ai đó trong cuộc sống. Qua câu chuyện của sếp, nhân viên vừa học được những bài học giá trị, vừa cảm thấy được tiếp thêm năng lượng tích cực.

Ngoài những buổi “sạc pin” thông thường, người sếp có thể tổ chức xem phim cùng nhau, sau đó để nhân viên viết cảm nhận về những điều học được. Ai có chia sẻ được bình chọn hay nhất sẽ được thưởng một món quà nhỏ. Điều này giúp nhân viên có cơ hội rèn luyện khả năng nói chuyện trước đám đông, phát triển sự tự tin.

Khi người sếp quan tâm đến nhân viên, có những điều gì cần lưu ý trong cách ứng xử để nhân viên cảm thấy thoải mái thay vì cảm thấy bị giám sát?

Bà Vũ Hạnh Hoa: Có một điều cần làm rõ: Khi cho nhân viên làm việc từ xa, các nhà quản lý, lãnh đạo cần có những quy định rõ ràng để đảm bảo hiệu quả công việc.

Tôi thấy một số công ty thực hiện điều này rất tốt. Đơn cử họ quy định rõ làm việc từ xa chỉ là không ngồi tại công ty, nhưng vẫn đúng 8h có mặt trước máy tính, luôn trong trạng thái sẵn sàng phối hợp công việc và hoàn thành đủ các đầu việc, các mục tiêu trong giờ làm theo quy định.

Khi đã có quy định rõ ràng, thường xuyên yêu cầu nhân viên làm đúng, có kiểm tra đánh giá thường xuyên, thì lãnh đạo cũng không cần phải làm gì thêm để giám sát.

Và như vậy, khi sếp thực hiện các hoạt động để giúp nâng cao tinh thần cho nhân viên như tôi đã chia sẻ ở trên, nhân viên sẽ không cảm thấy bị giám sát gì cả.

Cảm ơn bà!