Doanh nghiệp Nhật Bản kêu bị 'hành', cơ quan chức năng Việt Nam nói không

Quỳnh Như - 09:23, 15/03/2018

TheLEADERThủ tục hành chính liên quan đến việc thông quan hàng hóa thực phẩm nhận được nhiều phàn nàn từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật Bản kêu bị 'hành', cơ quan chức năng Việt Nam nói không
Cuộc họp liên lạc về thực phẩm do Văn phòng Jetro TP. HCM tổ chức.

Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP. HCM (Jetro) vừa tổ chức buổi trao đổi công tư giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các sở ban ngành với chủ đề "Cuộc họp liên lạc về thực phẩm". 

Mục tiêu của buổi trao đổi công tư lần này nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất và cũng có nhiều phàn nàn nhất từ các doanh nghiệp Nhật Bản chính là thủ tục hành chính tại Việt Nam.

Theo ông Nakagawa Nikihisa, luật sư của Jetro, doanh nghiệp Nhật Bản/liên doanh Nhật Bản phàn nàn với Jetro khá nhiều về các thủ tục hành chính hiện hành.

Đầu tiên là kiểm nghiệm bổ sung trong việc giá tính hợp quy cách của sản phẩm. Vài doanh nghiệp phản ánh rằng trong trường hợp sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam, sau khi làm hồ sơ đăng ký, mặc dù đã nộp kết quả kiểm nghiệm thành phần của sản phẩm nhưng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vẫn thường xuyên yêu cầu nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung xác nhận xem trong sản phẩm có chứa các chất cụ thể nào đó hay không.

Cơ bản, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn khá mơ hồ, chưa biết được thành phần nào là thành phần phải kiểm nghiệm. Các bộ ngành của Việt Nam nên gợi ý thông tin cũng như chia sẻ những kinh nghiệm đã làm trong quá khứ cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, có thể các doanh nghiệp Nhật Bản chưa có thông tin đầy đủ, chứ ở trong pháp luật Việt Nam đã được quy định rõ ràng.

"Trong quá trình thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ cần nộp trước các giấy kiểm nghiệm hợp quy bên Nhật Bản trên mạng, sau đó chờ lấy giấy phép thông quan ở cửa khẩu. Còn việc kiểm tra thêm chỉ áp dụng khi nào các doanh nghiệp vi phạm những quy định", ông Trung nói.

Theo giải thích của ông Trung, doanh nghiệp sẽ bị yêu cầu kiểm tra thêm khi vi phạm vào một trong 3 điều sau: Yêu cầu kiểm tra của Việt Nam mà phía Nhật chưa có, chưa hợp quy khi số lượng sản phẩm đạt chuẩn kỹ thuật không nhiều, khi sản phẩm nhập khẩu thuộc các nhóm đặc thù như phụ gia thực phẩm, vi sinh… Tất cả những trường hợp đặc biệt này cũng đã được quy định rõ ràng trên trang mạng của Chính phủ. 

Cũng theo ông Trung, Việt Nam không tự đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để làm khó doanh nghiệp. Nếu các thành viên của Jetro thấy cơ quan chức năng nào đòi hỏi các giấy tờ ngoài quy định của Nhà nước, thì hãy báo cho bộ để có phương án xử lý thỏa đáng.

Vấn đề thứ hai nhận được nhiều phàn nàn từ các doanh nghiệp Nhật Bản là tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật. 

Theo các doanh nghiệp Nhật, thời gian cần cho việc kiểm tra mẫu thử đối với các mặt hàng thịt khoảng 7 ngày và mặt hàng rau - củ - quả 4 ngày là quá lâu; bởi với các mặt hàng tươi sống, cần phải tính cả thời gian bảo quản trong kho lạnh tại cảng vào thời gian kiểm tra. 

Chính vì vậy, nếu thời gian kiểm tra lâu thì độ tươi ngon của thực phẩm bị ảnh hưởng, thêm vào đó là chi phí tiền điện để bảo quản hàng trong kho lạnh tại cảng cũng cao dẫn đến giá cuối cùng bị cộng lên nhiều.

Doanh nghiệp Nhật mong muốn Chính phủ có thể xem xét việc giảm tần suất kiểm tra mẫu thử trong phạm vi hợp lý mà vẫn bảo đảm đạt được mục đích của việc kiểm dịch đối với các mặt hàng thịt và rau - củ - quả được phân phối trong nước.

Hồi đáp vấn đề này, vị Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bác bỏ hoàn toàn. Hiện tại, những sản phẩm nhập về Việt Nam, nhất đã qua chế biến như trái cây đóng hộp hay đồ khô đã không còn bị kiểm dịch nữa. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là cái gì không nhất thiết kiểm tra thì không kiểm tra, điều đó thể hiện rõ qua Nghị định 15/2018 thay thế Nghị định 38.

Hiện tại, với những cải cách hành chính khác nhau, thời gian kiểm dịch với mặt hàng rau củ quả đã rút ngắn đáng kể. Với biên giới đường bộ, thủ tục thông quan mất 4 tiếng, đối với các cảng biển và sân bay, thủ tục mất 10 tiếng.

Phần về kiểm dịch động vật, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo Thông tư 25 và 26, tần suất lấy mẫu thử phụ thuộc vào độ rủi ro của sản phẩm, nếu nhận thấy độ rủi ro cao, cục sẽ lấy nhiều lần và ngược lại. Theo Luật Thú y, nếu lấy mẩu thử tại cửa khẩu sẽ phải trả lại kết quả lâu nhất là sau 3 ngày, tại cảng biển và sân bay là 5 ngày.

Hiện tại, Nhà nước đang có ý định sửa đổi hai Thông tư 25 và 26 để làm sao có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp hơn nữa. Thật ra, những gì mà Cục Thú y đang làm cũng là theo thông lệ quốc tế, chứ không đẻ thêm bất cứ thủ tục gì.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đề nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản nên có ví dụ cụ thể là ở đâu làm tới 4 hoặc 7 ngày để bộ có cơ sở điều chỉnh chứ không thể nêu chung chung.

"Có thể nói, thời gian làm thủ tục hiện tại ở Việt Nam không thể ngắn hơn được nữa. Tốc độ giải quyết các thủ tục hành chính của chúng ta gần như nhanh nhất Đông Nam Á. Ngoài doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi chẳng thấy doanh nghiệp của nước nào kêu ca nữa. Bây giờ, có gần tới 90% các sản phẩm động thực vật nhập khẩu vào Việt Nam chỉ cần làm thủ tục qua trang web 'một cửa quốc gia' một cách nhanh chóng", ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nói.

Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Tán, Cục giám sát quản lý Hải quan (Tổng cục Hải quan) thì việc các doanh nghiệp Nhật 'kêu cứu' không phải là không có lý do. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, hiện tại việc lấy mẫu để kiểm tra của họ đang gặp nhiều khó khăn.

Để lấy mẩu, các doanh nghiệp cần mời đủ ba cơ quan là Cơ quan kiểm dịch chứng nhận, Cảng vụ và Tổng cục Hải quan điều này không hề dễ dàng. Thế nên, sắp tới, Hải quan sẽ không liên quan đến việc lấy mẫu nữa, các doanh nghiệp chỉ cần thông qua hai cơ quan kể trên là được.

Ngoài ra, ông Tán cho biết thêm, dù chương trình 'Một cửa quốc gia' rất ưu việt, nhưng nhiều khi do hệ thống thông tin trục trặc khiến Hải quan không nhận được giấy chứng nhận mặc dù doanh nghiệp đã nộp. Hoặc phía trên dùng văn bản điện tử, trong khi bên dưới vẫn đòi các văn bản giấy.

Đại diện một liên doanh Việt - Nhật góp ý, nhiều doanh nghiệp Nhật thường thuê các đại lý Việt Nam thực hiện các thủ tục hành chính giúp họ, mà các đại lý này lại không chịu cập nhật thông tin hoặc cố tình nói làm theo cách cũ để tính phí cao. Thêm một lý do nữa, có thể phía trên nói thế này, phía dưới lại kiểu theo cách khác.