Doanh nghiệp tại Bắc Giang giữa tâm bão Covid-19

An Chi - 15:17, 26/05/2021

TheLEADERSau hơn một tuần tạm dừng hoạt động, 8 doanh nghiệp lớn thuộc 4 khu công nghiệp của Bắc Giang sẽ được thí điểm hoạt động trở lại từ ngày 28/5 tới.

Doanh nghiệp tại Bắc Giang giữa tâm bão Covid-19
Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang diễn biến hết sức phức tạp, từ 17/5, UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng để đảm bảo công tác chống dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, việc tạm dừng hoạt động các KCN là quyết định rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, bởi có thể khiến các công ty chịu thiệt hại lớn, đối tác có thể dừng thậm chí cắt đơn hàng. 

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động để đảm bảo hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch, vì mục tiêu chung là dập dịch để bảo đảm lợi ích lâu dài. 

Cũng theo ông Trung, việc tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp chỉ là quyết định tạm thời, để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

Chiều 25/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch hỏa tốc về tổ chức lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong bốn khu công nghiệp trên.

Các doanh nghiệp trước khi quay trở lại hoạt động phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất và được hướng dẫn đầy đủ các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh triển khai kế hoạch tới các doanh nghiệp xong trong ngày 27/5; tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tiễn và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại từ ngày 28/5.

Về điều kiện chung để tổ chức sản xuất, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với Covid-19 (kể từ ngày 9/5 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp một ngày.

Bố trí nơi lưu trú cho người lao động tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp cho người lao động. Người lao động ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. 

Trường hợp đi khỏi nơi làm việc, nơi lưu trú tập trung khi quay trở lại doanh nghiệp phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày tại khu cách ly tập trung của doanh nghiệp và xét nghiệm PCR 2 lần có kết quả âm tính với Covid-19 (mỗi lần cách nhau 7 ngày, lần cuối cùng trước khi trở lại làm việc 1 ngày) mới được trở lại làm việc.

Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp bố trí đón người lao động đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động.

Có khu nhà sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết. Doanh nghiệp có ký túc xá riêng biệt với nơi làm việc phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về ký túc xá.

Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với toàn bộ người lao động, mỗi lần cách nhau 7 ngày trong tháng đầu tiên.

Đối với đơn vị cung cấp suất ăn và những doanh nghiệp thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp: Người lao động của các đơn vị trên làm nhiệm vụ tại khu vực của doanh nghiệp, nơi ở của công nhân hoặc giao đồ ăn, hàng hóa đến doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước 1 ngày trước khi doanh nghiệp hoạt động trở lại; định kỳ 1 lần/tuần phải xét nghiệm tầm soát Covid-19; Hạn chế tối đa sử dụng lao động ngắn hạn, thời vụ.

Về quy mô sử dụng lao động, tháng đầu tiên, doanh nghiệp có quy mô dưới 500 lao động được sử dụng tối đa số lao động theo quy mô hiện có. Doanh nghiệp có quy mô từ trên 500 đến dưới 1.000 lao động được sử dụng số lao động = 500 + (số lao động theo quy mô hiện có - 500) x 35%.

Doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 đến 5.000 lao động được sử dụng số lao động = 675 + (số lao động theo quy mô hiện có - 675) x 25%.

Doanh nghiệp có quy mô trên 5.000 lao động được sử dụng số lao động = 1.756 + (số lao động theo quy mô hiện có - 1.756) x 20%.

Các tháng tiếp theo căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện của doanh nghiệp, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét có quyết định cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Theo ông Trung, quyết định tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp của UBND tỉnh Bắc Giang bên cạnh việc đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” còn góp phần giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội; ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động. Qua đó, từng bước khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là xây dựng được mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Bắc Giang tổ chức xây dựng mô hình điểm cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại đối với với 8 doanh nghiệp gồm:

Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (khu công nghiệp Đình Trám); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang (khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng); Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (khu công nghiệp Vân Trung); Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang (khu công nghiệp Đình Trám và Lô P thuộc khu công nghiệp Quang Châu); Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (khu công nghiệp Quang Châu); Công ty TNHH New Hope (khu công nghiệp Quang Châu); Công ty TNHH Đặc Khu Hope (khu công nghiệp Quang Châu); Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (KCN Quang Châu).