Doanh nghiệp Việt cần một 'sân chơi thực sự phẳng'

Kim Yến - 15:23, 22/02/2019

TheLEADERViệt Nam cần có một hệ sinh thái doanh nghiệp, muốn thực hiện được điều đó không chỉ đòi hỏi phải có công nghệ (phải số hoá) mà từng doanh nghiệp phải hiểu mình và hiểu thị trường.

Không để ai bị bỏ quên trong hành trình công nghệ số”

Chia sẻ trong cuộc toạ đàm “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức chiều 20/2 vừa qua, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Những ngày này Đồng Tháp, Bến Tre đang ngồi trên đống lửa bởi giá lúa gạo rớt thê thảm. Tôi mới đi thăm nông dân, nói chuyện với họ xong, vô huyện uỷ lại được đãi bữa cơm nấu bằng gạo Chiêm của Campuchia! Người Đồng Tháp bây giờ đã ăn gạo của Campuchia vì họ nói ngon hơn gạo Việt Nam. 

Thật đắng lòng, trong khi nông dân mình đang lao đao do không có đầu ra thì vì sức khoẻ chính mình, bà con mình lại ăn gạo Campuchia! Mình không biết trách ai, trách người nông dân hay trách người tiêu dùng Việt Nam, khi một bộ phận đang quay lưng với chất lượng nông sản Việt”.

Doanh nghiệp Việt cần một 'sân chơi thực sự phẳng'
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp

Trở lại câu chuyện số hoá, ông Hoan kể được địa phương cử đi học 1 tuần tại Singapore về cách chính phủ nước này chuyển đổi sang quản trị bằng công nghệ số trong cơ quan chính phủ, cộng đồng , các trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp… Bữa cuối cùng, tôi nghe ông Quốc vụ khanh Singapore nói “ Chính phủ Singapore đã chuẩn bị chương trình số hoá cách đây 10 năm rồi”, tức là họ đã đi trước chúng ta khoảng 10 năm.

Họ không nói nhiều về 4.0, khi đi đến các trường đại học, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp… thấy trên những bức tường, cái cột, phòng họp, sảnh lớn… đều ghi những từ khoá như Big Data, Al, IoT, Digital… để nhắc nhở mọi người Singapore rằng mình đang sống trong thời đại số hoá.

“Tôi trao đổi cùng anh Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và môi trường của Quốc hội, hình như chúng ta lạc quan hơn họ dù họ đã chuẩn bị hết sức bài bản. Câu khẩu hiệu của họ là: Không để ai bị bỏ quên trong hành trình công nghệ số. Họ thành lập cả trung tâm công nghệ cho những người già, người buôn bán vỉa hè để biết cách cập nhật công nghệ số, tối ưu hoá cho cuộc sống của mình. Đó thực sự là câu chuyện khiến tôi suy nghĩ về đất nước mình, để biết bắt đầu từ đâu, biết chúng ta đang đứng ở đâu”.

Nhìn nhận về thực tế các doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Trí Thông, CEO PNJ cho rằng, đã có một bộ phận đạt được sự chuẩn mực, đạt ngưỡng để thực hiện cú nhảy ngoạn mục sắp tới ra toàn cầu, trong đó có nhóm công ty Việt Nam thuộc top hàng đầu châu Á như Viettel, Masan, Vinamilk…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt sẽ không thể tham gia cuộc chơi toàn cầu. Bài toán là làm sao tìm ra công thức thành công của người mở đường để chia sẻ với các thành viên trong Hội HVNCLC; tìm ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp cần phải chặt chẽ hơn nữa, để kinh nghiệm thành công được nhân lên.

Chia sẻ tại tọa đàm, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết, doanh nghiệp Israel cũng tương tự như Việt Nam trong câu chuyện số hoá kết hợp công nghệ, hình thành một tam giác giữa khu vực nhà nước với khu vực nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp. Dù quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp Israel luôn cố gắng tập trung phát triển sản phẩm giàu hàm lượng công nghệ nhất để có thể xuất khẩu đến những thị trường khắt khe nhất.

“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để đưa hàng ra thế giới”, ông Nadav Eshcar khẳng định.

Doanh nghiệp Việt cần một 'sân chơi thực sự phẳng' 1
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar

Cách nào để tạo dựng một sân chơi thực sự phẳng cho doanh nghiệp?

Đánh giá về cơ hội cho hàng Việt tham gia cuộc chơi toàn cầu, ông Nguyễn Minh Thiện, CEO Công ty Cỏ May lại nhấn mạnh đến tính kỹ lưỡng trong thực hiện các chuẩn mực để đi sâu vào hội nhập. Theo ông Thiện, muốn bán được gạo sang các nước, liên quan nhiều đến yếu tố chuẩn mực hoá trong sản xuất được kết nối chặt chẽ với nhau như mọi bộ phận trong cơ thể. Đi nhiều, quan sát nhiều, sau đó đối chiếu lại, để thấy mình còn thiếu cái gì, cần phải hoàn thiện lên. Mục tiêu là tìm cách làm sao cho hiệu quả hơn, tối ưu hoá, làm việc bớt cảm tính hơn. Bởi thực tế cho thấy, nếu một nhà máy tỷ lệ tự động hoá cao thì việc chạm đến các tiêu chuẩn không quá khó còn nếu làm thủ công nhiều quá, tỏ ra kém hiệu quả trong sản xuất thì chắc chắn khó để lấy tiêu chuẩn.

“Năm vừa qua, tôi tìm cách bán hàng qua Mỹ, trước đó bộ phận quản lý tiêu chuẩn của Cỏ May đã kiểm tra những mẫu gạo mình đang có với hơn 200 chỉ tiêu để đối chiếu lại các thị trường khác nhau, rất may là có những cánh đồng của Cỏ May đã đáp ứng được yêu cầu thị trường Mỹ. Tôi coi trọng tính kỹ lưỡng, trong bóng đá không ghi bàn thì không thắng nhưng với tôi không thủng lưới thì sẽ không thua”, ông Thiện nói.

Ở một góc nhìn khác, đại diện Công ty Dược Duy Tân đưa ra kiến nghị: “Đi đâu cũng cần có sức mạnh tập thể, cùng chia sẻ kinh nghiệm chung. Chúng ta rất cần có một hệ sinh thái doanh nghiệp, không giới hạn ở Hội HVNCLC. Điều đó không chỉ đòi hỏi có công nghệ (phải số hoá) mà đòi hỏi từng doanh nghiệp hiểu mình và hiểu thị trường trong những phân khúc khác nhau. Bởi mỗi doanh nghiệp dù cùng ngành nghề nhưng lại có những phân khúc khách hàng hoàn toàn khác. Doanh nghiệp rất cần Hội HVNCLC có những kiến nghị xuyên suốt, kịp thời đến Chính phủ, áp dụng đúng quy luật của kinh tế thị trường để giúp doanh nghiệp bước ra thế giới.

Cách đây 10 năm, chúng tôi đã nghe đến thế giới phẳng cho tất cả doanh nghiệp đưa hàng ra thế giới và vào Việt Nam nhưng thực sự đã phẳng chưa thì vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do, mừng thì rất mừng nhưng lo thì vẫn lo”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit nhấn mạnh đến tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để tạo lòng tin, sức mạnh cho hàng Việt. Châu Á đang thụ hưởng một môi sinh rất tốt so với thế giới, nguồn tài nguyên bản địa còn, nguồn nước ngọt dồi dào, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhìn thấy nguồn tài nguyên đó không khéo sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Viên, sẽ có hai nhóm doanh nghiệp trong cuộc cách mạng xanh và sạch này: một nhóm tiên phong và nhóm chưa hiểu, chưa tin. Công nghệ chính là cách để kết nối với nhau và liên doanh với cộng đồng doanh nghiệp châu Á và thế giới. Nếu không kết nối được với cộng đồng kinh doanh minh bạch này, doanh nghiệp Việt sẽ rớt lại rất xa so với thế giới.

“Cách đây hai ngày, tôi nhận được thông tin của cộng đồng doanh nhân Trung Quốc thông báo cho biết phải cẩn thận trong việc xuất khẩu năm 2019 vì chính phủ nước này không cấm nhập gạo Việt Nam nhưng hầu như tất cả những nhà nhập khẩu gạo Việt Nam trước đây được mời đến đều dừng không mua gạo Việt Nam mà chuyển sang mua gạo của Pakistan. Thông tin mới nhất mà tôi được biết, chính phủ Mỹ đang đưa ra giải pháp hàng rào kỹ thuật để kiểm tra tất cả thực phẩm nhập khẩu sấy khô, chiên có hàm lượng chất độc cao, nếu làm trên 120 độ C đều bị dính hết.

Như vậy, nếu chúng ta không có thông tin thì làm sao trở tay kịp thời, phải hoà nhập cùng chung với cộng đồng doanh nhân thế giới, khu vực để có thêm nhiều nguồn thông tin cho người làm marketing, bán hàng.

Tôi nghĩ nên bắt đầu từ các quốc gia gần với chúng ta như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… trước. Bởi lẽ hiện nay, thị trường lớn nhất là châu Á, đây là thị trường đông dân nhất chứ không phải thị trường xa hoa nhất”, ông Viên nói.