Doanh nghiệp xã hội vượt bão Covid

Đặng Hoa - 18:05, 16/11/2021

TheLEADERSứ mệnh tạo tác động xã hội, niềm tin vào những điều đang làm và những cách thức sáng tạo, thích nghi là ba trụ cột để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong đại dịch.

Doanh nghiệp xã hội vượt bão Covid
Sứ mệnh tạo tác động xã hội đã góp phần tạo sức mạnh giúp các doanh nghiệp xã hội vượt "cơn bão" Covid-19

Bão giông không chừa một ai, cơn bão do Covid-19 gây nên trong thời gian vừa qua được nhận định là một cơn siêu bão chưa ai từng gặp phải. 

Trong đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xã hội trên cả nước nói riêng cũng đang hàng ngày phải đương đầu với những thách thức rất lớn, đặc biệt là về tài chính và chuỗi cung ứng, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Là một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoạt động xuất khẩu của Việt Trang đã gặp khó ngay khi dịch bùng phát do các thị trường chính đều bị đóng cửa. Khách đồng loạt báo huỷ đơn hàng. Thậm chí, các đơn hàng đã làm xong rồi còn không thể gửi đi.

Bên cạnh đó là khó khăn về chuỗi cung ứng, cước vận tải biển tăng chóng mặt. Bà Mai Đào, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Việt Trang cho biết, có những lúc giá cước biển tăng 15 lần, có những tháng không có doanh thu và doanh nghiệp này phải đứng trước hai lựa chọn: đi tiếp hay dừng lại.

Đây cũng là thách thức mà Abavina, một doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến giáo dục và du lịch cộng đồng, gặp phải. Mặc dù không gặp quá nhiều khó khăn so với các doanh nghiệp khác nhưng Abavina chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong giai đoạn tháng 6 – 7/2021 do TP.HCM là thị trường chiếm tới 80% doanh thu. Đến tháng 8 – 9/2021, rất nhiều nhà phân phối của của đơn vị này có nhân sự bị nhiễm Covid khiến cho việc phân phối sản phẩm gặp khó khăn. Nhiều dự án của đơn vị này cũng phải ngừng lại.

Trong khi đó, là một doanh nghiệp xã hội về giáo dục, Ô Xinh gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và đã gặp khủng hoảng về nhân sự. Đáng chú ý, bà Lê Thanh Thuỷ, nhà sáng lập Ô Xinh cho biết, các giáo viên và nhân sự khác cũng mất dần niềm tin khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp xã hội khác, bà Phan Thanh Vân, Giám đốc điều hành Tohe chia sẻ, doanh nghiệp xã hội này đã phải đối mặt với bốn khó khăn chính.

Một là khó khăn về tài chính khi doanh thu sụt giảm nghiệm trọng, khoảng 60%, có những tháng không có doanh thu. Hai là khó khăn về vận hành khi phải chuyển sang hình thức trực tuyến do đối tượng của Tohe là các bạn trẻ tự kỷ. Ba là chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi do các cơ sở in ấn của Tohe ở khu vực miền Nam. Bốn là khó khăn về kết nối nhân sự, không duy trì được kết nối với nhân viên khi phải giãn cách.

Đồng hành để trụ vững trước khó khăn

Theo bà Phạm Kiều Oanh, nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), có ba trụ cột để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong đại dịch bao gồm: sứ mệnh tạo tác động xã hội; niềm tin vào những điều đang làm; và những cách thức sáng tạo, thích nghi của doanh nghiệp.

Đó cũng là lý do chương trình “Én xanh 2021 – Cánh én kiên cường vượt bão giông” được khởi động nhằm kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động xã hội và các tổ chức xã hội có sáng kiến kinh doanh trên khắp cả nước.

Doanh nghiệp xã hội vượt bão Covid
Các doanh nghiệp xã hội chia sẻ trong Chương trình Én xanh 2021

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn với nguồn lực còn rất hạn hẹp nhưng khi đứng trước lựa chọn ngủ đông hay bước tiếp, nhiều doanh nghiệp xã hội khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến việc đóng cửa vì trách nhiệm với đội ngũ nhân sự và cộng đồng, vì tình yêu và cả niềm tin với con đường mình đang đi. Mặc dù, cái giá để duy trì niềm tin và tình yêu đó cũng không hề nhỏ. Như Việt Trang, con số này dao động khoảng 600-800 triệu đồng mỗi tháng.

“Khi trải qua đại dịch, mối quan hệ giữa trẻ nhỏ và phụ huynh trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Những vấn đề đó luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục làm và cố gắng”, nhà sáng lập Ô Xinh chia sẻ.

Theo bà Thuỷ, mặc dù có một số người rời doanh nghiệp nhưng chỉ là tạm thời. Khi nào các hoạt động có thể tổ chức trở lại, các nhân sự có thể hỗ trợ, tất nhiên không còn với vai trò toàn thời gian. Những người lựa chọn ở lại đa phần do những tác động mà họ có thể tạo ra cho xã hội. Đồng thời, Ô Xinh cũng tạo điều kiện và tạo môi trường cho họ thay đổi và phát huy khả năng.

Đối với Đạt Butter, đơn vị đi cùng và hỗ trợ người nông dân để sản xuất các sản phẩm từ đậu phộng, hạt điều, mè thì may mắn trụ vững một phần nhờ vào sự đồng hành của đội ngũ nhân sự. Ông Bùi Thăng Long, nhà sáng lập Đạt Butter cho biết, nhiều người đã chủ động đề xuất giảm lương để giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí.

Theo ông Long, hầu hết nhân sự của Đạt Butter trưởng thành từ vị trí sinh viên thực tập nên đều thấu hiểu và có cảm hứng với sứ mệnh của Đạt Butter. Song song đó, công ty cũng có những chương trình khám phá bản thân và phát triển ước mơ của họ để cùng đồng hành và phát triển với ước mơ của doanh nghiệp.

Những giá trị này cũng được thể hiện rõ nét ở Abavina. Bà Nguyễn Kim Thoa, nhà sáng lập Abavina cho biết, khi dịch diễn biến phức tạp ở Hải Dương, một người nông dân đã tìm gặp bà và đề xuất giảm giá sản phẩm để chị có thể bán được nhiều hơn. Điều này khiến bà rất cảm động.

“Tôi và các anh chị trong doanh nghiệp thấm nhuần được tư tưởng đồng thành và cùng hỗ trợ nhau để cùng vượt qua khó khăn", bà Thoa chia sẻ.

Với nhà sáng lập Việt Trang, điều quan trọng không chỉ là xây dựng tình yêu mà mà còn phải đảm bảo sinh kế ổn định để có thể đi lâu dài với các nghệ nhân.

“Chúng tôi không nghĩ tới việc chuyển bất kỳ gánh nặng nào tới những người nghệ nhân. Chúng tôi nghĩ việc sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức cũng thể hiện được tình yêu của chúng tôi đối với sứ mệnh của mình”, chị Mai Đào nói.

Áp lực tạo phi thường

Đối mặt với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải tìm cách để tồn tại và nếu nhạy bén, việc tìm cơ hội trong nguy nan là hoàn toàn có thể và thực tế đã chứng minh điều đó, kể cả là với những doanh nghiệp có rất ít nguồn lực.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, việc chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp. Mới đầu, Ô Xinh vẫn còn rất bối rối về các công cụ trực tuyến như Zoom nhưng về sau, họ nhận ra rằng các nền tảng trực tuyến không chỉ dùng trong việc dạy học mà còn có thể tương tác với nhiều hoạt động đa dạng.

“Đây giống như một cái “woa” khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về chuyển đối số cho các sản phẩm của mình. Về mặt bán hàng thì còn vui hơn. Sau khi chuyển đổi, chúng tôi có thể tiếp cận được tới rất nhiều khu vực trước đây chưa từng chạm được tới. Chúng tôi mở được những lớp học ở những đất nước rất xa xôi”, chị Thuỷ chia sẻ.

Qua trải nghiệm đó, chị Thuỷ cho rằng luôn có hai mặt đối lập nhau khi nhìn nhận một vấn đề, nếu dám đi và dám bước thì sẽ phát hiện ra rất nhiều điều mới.

Trong khi đó, Đạt Butter tìm cơ hội xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài khi nhu cầu trong nước sụt giảm. Khi việc chào hàng trực tiếp cho thị trường nội địa không thể thực hiện, công ty này chuyển sang chào hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp nước ngoài, tìm hiểu về các sự kiện hội chợ trực tuyến được tổ chức ở các nước bằng cách viết email cho các tham tán tại các nước trên thế giới để liên hệ và kết nối. Nhờ đó, doanh thu của Đạt Butter cũng đã được 70 – 80% so với kỳ vọng.

Với nhà sáng lập Abavina, một điều quan trọng là ngồi lại với các đối tác để cùng thống nhất về cách thức làm việc trong giai đoạn mới, chuyển đổi các hình thức và điều kiện cho phù hợp.

Trong giai đoạn khó khăn, chị Thoa bắt đầu “đào” lại những liên lạc có từ năm 2018 để tương tác và kết nối lại với khách hàng, đào tạo lại nhân viên và chuyển đổi từ việc bán sỉ quay lại bán lẻ vì các nhà phân phối gặp khó khăn.

“Mặc dù hàng bán số lượng không được nhiều như bán sỉ nhưng dòng tiền lại thu về rất nhanh. Abavina điều chỉnh về tỉ lệ 50% sỉ và 50% lẻ để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định hơn trong thời kỳ khó khăn”, chị Thoa cho biết.

Quyết không “ngủ đông”, Việt Trang không ngừng mở rộng thị trường và ra những thiết kế, sản phẩm mới. Công ty này chuyển đổi số hoạt động bán hàng, áp dụng tiếp thị kỹ thuật số. Khi chuyển đổi, Việt Trang cũng thiết kế trải nghiệm cho khách theo chiến lược bán hàng trực tuyến mới.

Việt Trang thiết kế lại sản phẩm theo hướng giải quyết được các vấn đề của chuỗi cung ứng, ví dụ như có thể gấp gọn để giảm dung tích 15 lần. Một đội nhóm chuyên về thiết kế lại sản phẩm được lập nên để giúp giảm chi phí vận chuyển và phù hợp hơn với việc bán hàng trực tuyến.

“Cả việc chuyển đổi sang bán hàng online và thiết kế lại sản phẩm đều là những bước ngoặt, đều cần những cú hích và áp lực từ thị trường. Chúng tôi đã hoàn thành được những sự thay đổi về sản phẩm trong vòng sáu tuần và thực sự là sức ép ngoại cảnh đã khiến chúng tôi làm được những điều phi thường”, đại diện Việt Trang chia sẻ.

Một sự tỉnh thức khá thú vị ở Việt Trang được chị Đào chia sẻ là “nếu mình không đủ mạnh để đối mặt mà phải ngủ đông, thì bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng”. Từ đó, công ty này bổ sung thêm mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ xây dựng những giá trị bên ngoài mà còn là giá trị bên trong. Bên cạnh đó, niềm vui và tinh thần khi làm việc được xem là liều vaccine để doanh nghiệp có đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn trong mùa dịch.

Trong khi đó, Tohe đã chuyển đổi tâm thế cũng như sáng tạo cách làm với việc cá nhân hoá trong giảng dạy và mở thêm mảng giao tiếp, tương tác với phụ huynh. Công ty này cũng thay đổi cơ cấu sản phẩm, cung cấp cả đồ chơi thay vì chỉ bán các sản phẩm về thời trang như trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng không thể ra ngoài. Từ khóa với Tohe trong giai đoạn này là sáng tạo trong mọi hoạt động.