Động lực mới cho TP.HCM

Hứa Phương - 10:18, 14/05/2021

TheLEADERThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM tự lực, tự cường, không bị động, không trông chờ, ỷ lại mà phải đổi mới mạnh mẽ tạo ra những động lực mới để phát triển.

TP.HCM là địa phương đầu tiên được thường trực Chính phủ chọn làm việc sau khi kiện toàn bộ máy nhân sự, nhằm tháo gỡ những vướng mắc kìm nén sự phát triển của thành phố lâu nay.

TP. HCM cần chuyển từ bị động, chờ đợi sang tự lực
Thường trực Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 13/5. Ảnh VGP

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra 15 kiến nghị thuộc thuộc 5 nhóm vấn đề. 

Nhóm vấn đề thứ nhất, về phân cấp, phân quyền cho TP.HCM: kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP.HCM và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM trong quý II/2021. Bởi vì, một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TP.HCM.

Nhóm vấn đề thứ hai, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ở nhóm này TP. HCM có 4 kiến nghị:

Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, trình các cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách ở mức 23% cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.

Thứ ba, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Thứ tư, về quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP.HCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và các khoản góp vốn liên doanh khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Bốn khách sạn do Saigontourist quản lý gồm Rex Hotel, Majestic Hotel, Continental Hotel và khách sạn Kim Đô. Một phương án khác là chấp thuận chủ trương không cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Nhóm vấn đề thứ ba về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025: TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh mức vốn dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP.HCM có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỷ đồng.

Nhóm vấn đề thứ tư, liên quan đến TP. Thủ Đức có ba kiến nghị: Để TP. Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II/2021.

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu.

Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam về ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của công ty này.

Nhóm vấn đề thứ năm, về quản lý đô thị, có sáu kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết ủy quyền cho UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung thành phố tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng)…

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015.

Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án; đồng thời, cho phép TP.HCM lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.

Thứ tư, về dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Thứ năm, bố trí nguồn vốn để hoàn thành các dự án khép kín đường vành đai 3. 

Thứ sáu, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4. Đồng thời phối hợp các bộ ngành liên quan xem xét có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.

Cơ bản đồng tình với kiến nghị của TP.HCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau khi nhận được 15 kiến nghị thuộc năm nhóm vấn đề của thành phố, từ ngày 29/4 đến 11/5, Thường trực Chính phủ, các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực và Thủ tướng có nhiều cuộc họp xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với những kiến nghị của thành phố.

TP. HCM cần chuyển từ bị động, chờ đợi sang tự lực 2
Một góc thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM

Đối với những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ sẽ cùng TP.HCM ngồi lại thống nhất sau đó sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ. Những việc gì thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ sẽ giải quyết ngay. 

Việc của các bộ ngành, địa phương thì những cơ quan đó chủ động giải quyết. Việc giải quyết những đề xuất của TP.HCM sẽ được thực hiện với tinh thần "Chính phủ không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Về kiến nghị "phân cấp phân quyền" cho thành phố quyết định một số vấn đề thuộc quyền của Trung ương, Thủ tướng cho biết, việc gì TP.HCM làm tốt hơn, Chính phủ sẵn sàng bàn giao cho thành phố làm.

Liên quan đề xuất phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng "nhất định phải dùng phương thức đối tác công - tư (PPP)". Vừa qua các bộ ngành, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn về giải phóng mặt bằng. Từ đó các bên thống nhất vấn đề giải phóng mặt bằng phải do địa phương làm. Dự án đi qua tỉnh thành nào thì nơi đó phải chịu trách nhiệm giải tỏa, bàn giao mặt bằng để phát triển hạ tầng. Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể để hỗ trợ một phần như vốn dẫn dắt.

“Mô hình này đã có địa phương làm và chứng minh được hiệu quả. Vừa qua, tôi có dịp làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, lãnh đạo các tỉnh đều rất tán thành với cách làm này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của TP.HCM về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố. Chính phủ phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Với nguồn ngân sách tăng thêm, thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Với nội dung xây dựng mới chung cư cũ, Thủ tướng cho biết đã bàn với Bộ trưởng Xây dựng sẽ sửa nghị định cũ cho phù hợp thực tiễn. Thay vì chung cư cũ chỉ cao 3-4 tầng, cơ quan chức năng xem lại quy hoạch các khu vực đó, nếu phát triển được cho tăng chiều cao, giảm bề rộng tạo không gian phát triển, trồng cây xanh, vừa có tiền trả nợ cho các tầng cũ vừa làm dịch vụ, giải trí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, TP.HCM muốn phát triển đột phá thì phải có trách nhiệm, tinh thần là không trông chờ, không ỷ lại, phát huy cao độ tự lực, tự cường.