Dòng vốn lớn vẫn lẩn tránh các Startup

Lạc Nhật - 08:00, 04/10/2017

TheLEADERCâu chuyện gọi vốn đang trở thành bài toán nan giải của các Startup, đặc biệt trong điều kiện tiếp cận nguồn vay qua ngân hàng vừa không dễ lại còn chịu nhiều ràng buộc về trách nhiệm cũng như phải chịu chi phí lãi suất lớn do mức độ rủi ro của hoạt động khởi nghiệp rất cao.

Gọi vốn khởi nghiệp đang tắc đầu vào, bí đầu ra. Ảnh minh họa - nguồn Doanh nhân Sài Gòn.

Gian nan chuyện gọi vốn khởi nghiệp

Trong khoảng hơn hai năm nay, chưa bao giờ làn sóng khởi nghiệp (Startup) lại diễn mạnh mẽ với nhiều ý tưởng được triển khai tại Việt Nam đến vậy. Khảo sát tinh thần khởi nghiệp (AGER) tại 45 quốc gia với 50.861 người từ 14 tuổi trở lên vừa được công bố bởi sự phối hợp thực hiện của Tập đoàn Amway, Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) và Công ty nghiên cứu thị trường GfK, Việt Nam đứng đầu thế giới về "Chỉ số tinh thần khởi nghiệp" (AESI) và thứ 2 về "Thái độ tích cực đối với khởi nghiệp".

Cụ thể, 91% người Việt được hỏi cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Đồng thời, 96% cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, 76% trả lời lý do muốn khởi nghiệp là “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”.

Kể từ thời điểm Chính phủ mới phát động tinh thần khởi nghiệp từ đầu năm 2016 với nhiều thay đổi về tư tưởng và chính sách, hướng tới đặt trọng tâm vào khối doanh nghiệp tư nhân, câu chuyện khởi nghiệp được cập nhật thường xuyên và liên tục hơn. Trong quan điểm của Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân luôn đóng vai trò chính để đẩy nền kinh tế tiến lên. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này liên tục được ban hành, đẩy mạnh triển khai.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có sự hỗ trợ về nhiều mặt, tinh thần startup lên rất cao nhưng hoạt động của khối doanh nghiệp startup vẫn còn gặp rất nhiều sự khó khăn. Đặc biệt trong đó, nguồn vốn được xem là yếu tố sống còn đối với các startup hiện nay nhưng "con đường" huy động vốn ở Việt Nam chưa hề dễ dàng so với các nước trong khu vực. 

Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các startup tại khu vực Đông Nam Á khoảng 1,5 tỷ USD. Song ở Việt Nam, con số này dưới 100 triệu USD, gần như 80% số tiền còn lại đổ vào Indonesia và Singapore.

Đó là con số về việc huy động vốn từ bên ngoài, ngay kể cả trong nước, nguồn tiền dành cho startup đến từ các quỹ đầu tư trong nước do một số đại gia địa ốc dốc hầu bao cũng ít hoặc thậm chí chưa giải ngân một khoản đáng kể nào vào một doanh nghiệp startup bất kỳ.

Trong một dịp gần đây, người viết tình cờ có cuộc nói chuyện với một doanh nhân rất trẻ, sinh năm 1995, từng sở hữu một chuỗi cửa hàng ăn nhanh dành cho sinh viên. Vị doanh nhân này chia sẻ về một hoài bão đầy ước ao rằng sau khi "Chính phủ kiến tạo" từ năm ngoái, con đường huy động vốn sẽ rộng mở, và kế hoạch mở rộng chuỗi hàng ăn nhanh này sẽ thành công và thậm chí có thể trở thành một thương hiệu Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó, ước mơ đó đã phải gác lại khi gặp khó khăn trong việc kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng nhằm mở rộng doanh nghiệp startup của mình. Vị doanh nhân 9x cho biết, đã tìm và kêu gọi vốn qua nhiều kênh, nhưng đều không thành công vì rất nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất là việc thiếu thông tin và không thể tiếp cận được các quỹ đầu tư để trình bày phương án và ý tưởng của mình.

Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Nội, CEO – người sáng lập Công ty TNHH Thời trang TINOVY, một startup về thời trang nữ đang có tiếng trong thời gian gần đây, việc khó khăn khi huy động vốn không là câu chuyện của riêng ai, mà hầu như của tất cả những doanh nghiệp startup vào thời điểm hiện tại.

Sau hai thế hệ startup với những bước đầu thành công, Việt Nam đang có thế hệ startup thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu. 

Tuy nhiên, điều này chưa phải là điều kiện đủ để người Việt khởi nghiệp. Việt Nam đang có thừa ý tưởng, nhưng lại thiếu một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, dẫn đến khó thu hút vốn đầu tư.

“Hệ sinh thái ở đây chính là hệ thống để giúp cho bạn phát triển ý tưởng đi lên, hỗ trợ bạn biến ý tưởng thành những vấn đề có thể thực hiện được, bởi lẽ startup là bắt đầu từ số 0, là chỉ có ý tưởng đột phá và không có gì. Bản thân tôi để xây dựng TINOVY thành một thương hiệu thời trang nội dần được định vị trong lòng khách hàng cũng trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc tôi từng nghĩ sẽ buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, may mắn là tôi đã không bỏ cuộc. Nhờ đó, đã có những nhà đầu tư nhận ra giá trị và sẵn sàng đồng hành để đưa doanh nghiệp bước sang một bước phát triển mới”, bà Nội cho biết thêm.

Nên tiếp tục suy nghĩ về trái phiếu khởi nghiệp

Cách đây hơn một năm, một ý tưởng về hình thức phát hành trái phiếu khởi nghiệp đã được nêu ra nhằm tạo cơ chế cho hoạt động gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy định về việc phát hành trái phiếu khởi nghiệp nên ý tưởng này sau đó đã không được tiếp tục thực hiện. Điểm khó lớn nhất trong quá trình phát hành trái phiếu startup nằm ở bản chất doanh nghiệp startup khác một công ty tư nhân.

Trong hoạt động khởi nghiệp, tính đột phá là điều bắt buộc, và mong muốn của các Startup-er là tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Tuy nhiên, để làm được điều này, rõ ràng, sẽ có rủi ro rất lớn vì những điều mới mẻ rất khó được kiểm chứng về mức độ hiệu quả.

Còn đối với một doanh nghiệp nhỏ, họ đơn giản sẽ không quan trọng tính đột phá, mà họ đơn thuần bắt chước một mô hình kinh doanh đại chúng, làm sao hạn chế tối đa rủi ro ngay từ khi bắt đầu, và sẽ tập trung làm sao để có được doanh thu ngay từ ban đầu.

Đây là lý do dẫn đến việc các Startup-er sẽ ngại ngùng trong việc thành lập một mô hình doanh nghiệp nghiêm túc, chịu sự quản lý và vận hành theo các quy định pháp luật. Lý do là khi chuyển từ một hộ kinh doanh cá thể lên mô hình doanh nghiệp cổ phần (hoặc TNHH) sẽ phải đối diện với quá nhiều vấn đề từ đường lối hoạt động, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, đối nội, đối ngoại. 

Và với những người mới khởi nghiệp (thường không có kinh nghiệm) sẽ rất bối rối và khiến ý tưởng khởi nghiệp nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Đây cũng chính là vấn đề khiến cho ý tưởng “gọi vốn qua kênh phát hành trái phiếu” cho các mô hình Startup, dù rất hợp tình hợp lý nhưng lại gần như không thể triển khai nổi.

Bản chất của trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể, và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn. 

So với đi vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp có độ “lỏng” hơn rất nhiều so với chứng khoán phát hành thêm, khi sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt. 

Trong khi đó, đối với việc huy động vốn bằng cổ phiếu, hình thức này không phải lúc nào cũng khả thi, và còn chịu biến động, rủi ro của thị trường, dù là doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết.

Thế nhưng, như tên gọi, trái phiếu dành cho doanh nghiệp, và quy định trong luật Chứng khoán, để doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; 

Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm; có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; 

Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Và nếu như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên, phải chăng ý tưởng gọi vốn qua Startup ngay từ đầu đã là một điều “impossible”!

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có thể có một cách cho các Startup gọi vốn gián tiếp qua hình thức trái phiếu bằng việc định hình và xây dựng một quỹ đầu tư startup và quỹ này sẽ thực hiện phát hành các mini-bonds cho các trái chủ là các nhà đầu tư nhàn rỗi trên thị trường. 

Nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề là về cơ chế để phát hành trái phiếu vẫn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.

Sau đó, các quỹ này sẽ đầu tư vào nhiều startup khác nhau và ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có thể chỉ là phôi thai ban đầu, có thể đã có hình hài cụ thể và bước đầu có doanh thu và tăng trưởng. Làm như vậy sẽ đa dạng hóa được rủi ro cho các quỹ đó, đồng thời các dự án startup cũng sẽ được tổ chức có uy tín để xác định triển vọng và tiềm năng phát triển thực sự của mình.

Ngoài ra, khi thực hiện phát hành các mini-bonds (mỗi mini-bonds có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng với kỳ hạn tương đối dài) cũng sẽ dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia góp vốn hơn.

Tất nhiên, trái phiếu Startup cũng là một khoản nợ có kỳ hạn (dù có thể dài hơn so với trái phiếu doanh nghiệp), xây dựng dựa trên niềm tin vào một Startup. Vì thế, các Startup-ers cũng phải là những người có năng lực, tầm nhìn thật sự và đương nhiên các ý tưởng Startup cũng phải có tính đột phá mới có thể mang lại giá cộng hưởng cho các trái chủ.

Hiện nay, ý tưởng về việc thành lập một sàn chứng khoán dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Do đó, có thể tính đến phương án một trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát hành trái phiếu Startup để kêu gọi vốn có thể là một phương án khả thi và đơn giản hơn.

Khi đó, trách nhiệm của trung tâm này đơn giản chỉ là việc thành lập một sàn đấu giá trái phiếu Startup (như trái phiếu Chính phủ), đặt ra các yêu cầu nhất định cho các mô hình khởi nghiệp muốn phát hành trái phiếu, đánh giá năng lực các dự án, và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào sàn này.