Dự báo không lạc quan của ngành sữa năm 2020

Trần Anh - 10:02, 11/01/2020

TheLEADERVừa mới ổn định lại lượng tiêu thụ sau nhiều quý sụt giảm, ngành sữa khó kỳ vọng tăng trưởng bứt phá trong năm 2020.

Theo báo cáo của AC Nielsen, lượng tiêu thụ sữa đã bắt đầu ổn định từ quý 2/2019 sau 6 quý giảm liên tiếp kể từ quý 4/2017. Tốc độ tăng trưởng lượng tiêu thụ mặc dù ở mức dương nhưng thấp, đạt 2,1-3,9% theo năm, chỉ tương đương với CPI. Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm từ sữa (chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ hàng FMCG) là một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng tiêu thụ kém nhất.

Điều này được phản ánh phần nào trên thị trường chứng khoán khi trong năm 2019, ngành sữa chỉ tăng 0,5% về vốn hóa thị trường, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,7% của VN-Index. Trong đó, giá cổ phiếu Vinamilk (VNM) chỉ tăng 0,72% do tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp, ngược lại giá cổ phiếu Đường Quảng Ngãi (QNS, thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy) đã giảm tới 20,5%.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã chỉ ra một số xu hướng thay đổi mang tính cấu trúc tác động đến ngành sữa Việt Nam.

Cụ thể, thị trường sẽ tăng tiêu thụ sữa thực vật. Được biết, sữa đậu nành và sữa lúa mạch được coi là lựa chọn thay thế tốt nhất cho sữa bò, nhờ hàm lượng protein cao. Theo Nielsen, tổng giá trị tiêu thụ sữa đậu nành có thương hiệu tăng 13% trong 10 tháng đầu và tăng trưởng doanh thu của Vinasoy đạt 15% sau 9 tháng đầu năm 2019.

Doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng trưởng hai chữ số trong nhiều quí, tuy nhiên chỉ chiếm 11% trong tổng doanh thu hàng tiêu dùng nhanh. Bán hàng thông qua kênh thương mại hiện đại là một mảng đầy thách thức cho các công ty sữa, do cạnh tranh gay gắt và rào cản gia nhập thấp.

Nhu cầu sữa cao cấp đang ngày càng tăng, và các doanh nghiệp trong ngành đang tìm cách đẩy mạnh phân khúc này. Trong năm nay, Vinamilk đã đưa ra một số đơn vị lưu kho (SKU) cao cấp, chẳng hạn như sữa tươi organic, sữa công thức organic. Nutifoods hợp tác với Asahi để phân phối sữa bột cho trẻ em tại Việt Nam. Ikigai Việt Nam cũng ra mắt sản phẩm Meiji tại Việt Nam.

Trong khi thị lượng tiêu thụ sữa mới bắt đầu ổn định trở lại, giá sữa nguyên liệu đang là vấn đề lớn cho các doanh nghiệp khi giá bán trung bình đều tăng. Theo Global Dairy Trade, giá sữa bột gầy tăng 30% so với cùng kỳ và giá sữa bột nguyên kem tăng 4%. Để đảm bảo biên lợi nhuận, những công ty lớn như Vinamilk, TH True Milk và Dutch Lady đều đã tăng giá bán thêm 1-5% vào năm 2019.

Thị trường trong nước bão hòa có thể thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu sữa nhiều hơn. Một điểm sáng năm 2019 là sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng ngành sữa Việt Nam đã được phép xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc. Đây là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn, chỉ cần chiếm một phần nhỏ trong thị trường 60 tỷ USD này cũng có thể rất có ý nghĩa cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty sữa Việt Nam.

Đánh giá triển vọng năm 2020, SSI dự báo ngành sữa sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp ở mức một chữ số. Hiện nay, chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng Việt Nam nói chung bắt đầu chững lại khi đã đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, người dân thường chuyển sang chi tiêu theo sở thích để thỏa mãn các nhu cầu cao hơn (như ăn, uống bên ngoài) và chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu nhằm mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong khi nhu cầu sữa ở thị trường thành thị dường như đã bão hòa, tiêu thụ ở thị trường nông thôn lại biến động lớn do tăng phụ thuộc vào giá mặt hàng nông nghiệp, mức thu nhập khả dụng tại thị trường này quyết định mức chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh.

SSI đánh giá các xu hướng mang tính cấu trúc kể trên sẽ tiếp diễn trong ngành sữa. Về cơ cấu sản phẩm, các sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng bao gồm sữa tươi, sữa chua (đặc biệt là sữa chua uống) và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như phô mai, trong khi nhu cầu về sữa công thức tiêu chuẩn và sữa đặc sẽ tiếp tục ảm đạm.